Làm sao để tránh gặp luật sư ‘’rởm’’ khi du học, làm việc tại Anh

0

Sẵn sàng du học – Gần đây có nhiều vụ người Việt bị lừa đảo, tiêu biểu là vụ Sally N và Janet G ở Manchester. Điểm chung của những vụ này là sự làm việc thiếu trách nhiệm và hám tiền của những kẻ lừa đảo đã gây thiệt hại lớn cho cộng đồng.

Với những hiểu biết nhất định về pháp luật UK, xin chia sẻ một số kiến thức để mọi người tránh gặp phải trường hợp tương tự.
1. Không có luật sư người Việt ở Anh, chỉ có trợ lý luật sư và phiên dịch là người Việt
Theo hiểu biết, hiện tại không có luật sư nào có bằng hành nghề luật là người Việt ở Anh hết, chỉ có một vài người gốc Việt (được sinh tại UK và có bố hoặc mẹ là người Việt) có bằng cấp để làm luật sư hay trạng sư. Ở UK, việc học để trở thành luật sư không hề đơn giản. Vì vậy, tất cả mọi người khi gặp một người Việt nào đó tự xưng là luật sư thì 90% là lừa đảo.
Một trong những thói quen phần lớn người Việt hay làm là trả tiền mặt nhưng không có hoá đơn, hoặc trả tiền mặt cho môi giới thay vì cho chính công ty luật trực tiếp xử lý hồ sơ.
Ở Anh, nếu công ty luật “chặt chém” khách thì sẽ có một tổ chức khác có thể đứng ra giải quyết để đòi lại tiền cho người dân ( Tìm hiểu thêm Tổ Chức Legal Ombudsman)  nhưng với điều kiện là có hoá đơn đầy đủ để chứng minh số tiền bạn đã đóng.
Nắm được sơ hở này, hầu hết các luật sư, môi giới  có ý định làm gian dối sẽ né tránh việc xuất hoá đơn cho mọi người hoặc đưa 1 tờ hoá đơn tay, không có thông tin của công ty luật đứng ra xử lý hồ sơ.

Hiện tại không có luật sư nào có bằng hành nghề luật là người Việt ở Anh - SSDH

Tìm một văn phòng luật sư tây tốt và tự thuê một phiên dịch Việt Nam – SSDH

Hiện nay trong cộng đồng Việt đang rộ lên vụ 1 người luật sư nhận tiền xong, không đưa hoá đơn và chuyển đi công ty khác mà không báo lại với ai. Những hồ sơ mà ông này tiếp nhận không hề có trong hệ thống của công ty luật mà ông đã từng làm cho , chính vì vậy mà nhiều người Việt theo giấy tờ ở đây đang rơi vào tình trạng nguy bách, khi mà hồ sơ bị mất hoàn toàn, không có cơ sở để đi kiện lại.
2. Những trung tâm mọc ra từ kinh nghiệm khi làm trợ lý luật sư và phiên dịch cho Tây
Luật sư người Việt thì không có nhưng những trợ lý luật sư hay phiên dịch người Việt ở Anh thì khá nhiều. Nắm được tâm lý ‘’khát’’ giấy tờ của cộng đồng người Việt, một số công ty luật tại Anh tuyển dụng những người Việt vào làm việc. Ngoài việc hỗ trợ phiên dịch khách hàng Việt Nam, những người này kiêm luôn công việc quảng cáo giúp tên tuổi công ty đến được với cộng đồng người Việt
Sau một thời gian làm việc cho Tây, có đủ kinh nghiệm và hiểu biết tương đối về pháp luật, những nhân viên người Việt muốn kiếm tiền nhiều hơn thường có 2 thủ đoạn. Một là móc nối với một luật sư trong công ty để đánh lẻ, nhận riêng những hồ sơ của khách hàng và không thông báo lại cho công ty (trường hợp của Sally N). Hai là bỏ việc tại công ty, ra ngoài tìm một luật sư tây nghiệp dư và kết hợp với người này nhận những hồ sơ của khách hàng Việt, tự đưa ra mức giá và nhận mình là luật sư (trường hợp của G)

3. Những biện pháp để tránh gặp luật sư ‘’rởm’’
– Luôn yêu cầu xuất trình hóa đơn khi thanh toán: Ở bất kỳ một công ty luật chuyên nghiệp nào, họ sẽ luôn phải đưa hóa đơn thanh toán ghi rõ tên khách hàng, mã số khách hàng và số tiền khi bạn gửi tiền. Vì vậy bạn hãy luôn yêu cầu hóa đơn và giữ lại hóa đơn này. Nếu họ không thể làm điều này, chứng tỏ họ là hàng ‘’rởm’’
– Kiểm tra thông tin về luật sư và văn phòng luật đó: Đừng bào giờ tin tưởng về những lời quảng cáo đường mật với những chiếc ID được chụp che mặt kèm một câu chuyện cảm động. Bạn hãy kiểm tra luật sư và văn phòng luật đó thông qua google, hoặc đăng lên trên các group facebook cộng đồng người Việt ở UK để hỏi cho rõ ràng
– Ghi âm lại những cuộc gặp gỡ: Luật pháp UK không cấm bạn làm điều này khi tiếp xúc với luật sư. Vì vậy bạn có thể dùng điện thoại bỏ túi để ghi âm lại các cuộc nói chuyện làm việc giữa bạn với luật sư. Khi xảy ra tranh chấp, đây sẽ là bằng chứng quan trọng để bạn có thể lấy lại công bằng
– Tìm một văn phòng luật sư tây tốt và tự thuê một phiên dịch Việt Nam: Có rất nhiều văn phòng luật chuyên nghiệp ở UK làm tốt về mảng tỵ nạn và nhập cư nhưng họ không có trợ lý và phiên dịch Việt Nam. Ban có thể tự thuê một phiên dịch Việt Nam hoặc một sinh viên Việt giỏi tiếng Anh để tiếp xúc và làm việc.

Luật sư người Việt thì không có nhưng những trợ lý luật sư hay phiên dịch người Việt ở Anh thì khá nhiều-SSDH

Luôn yêu cầu xuất trình hóa đơn khi thanh toán-SSDH

Giấy tờ ở Anh Quốc rất quan trọng, người chịu trách nhiệm chính là bản thân bạn chứ không phải luật sư. Chính vì vậy bạn nên để tâm tới và kiểm tra xem công ty luật của mình có làm đúng như mình mong muốn không, nếu có điều gì thắc mắc bạn nên nói rõ với họ ngay, thay vì im lặng gây nên hậu quả khó lường về sau này.

Khánh Ngọc(SSDH)

Share.

Leave A Reply