Lộ trình du học ngành tài chính

0

SSDH – Tài chính đã và đang là một trong những ngành học “hot”, được nhiều người quan tâm. Dù trong một vài năm trở lại đây sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính gặp nhiều cạnh tranh khi tìm việc làm nhưng trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng các sinh viên được đào tạo bài bản với chuyên môn tốt vẫn khá cao.

 

Lộ trình du học ngành tài chính

 

Vì vậy, những ai có ý định du học ngành tài chính cũng đừng nên ngần ngại. Với ngành tài chính, để có thể làm việc tốt và được thăng tiến trong sự nghiệp, nhất thiết bạn phải được đào tạo chuyên ngành.

 

Cho dù bạn muốn làm việc trong ngân hàng, hay trong các ngành như bảo hiểm, tư vấn tài chính, hãy bắt đầu bằng việc chọn lựa một chương trình phù hợp nhất với mình.

 

Tài chính là một trong những ngành mà “bằng cấp” khá quan trọng. Chính vì vậy bạn có thể thấy có rất nhiều khóa học tài chính từ bậc đại học đến cao học.

 

Và với những người muốn tiến xa trên con đường sự nghiệp với nghề tài chính, đầu tiên hãy tìm hiểu thông tin để có cái nhìn tổng quan về hành trình học tập của mình.

 

Các khóa học đại học

 

Dù vẫn có thể theo đuổi ngành tài chính sau khi đã khởi nghiệp, thì vẫn có những lợi thế nhất định dành cho những người chọn tài chính là nghề nghiệp của mình ngay từ đầu. Càng có nhiều kinh nghiệm liên quan đến công việc, bạn càng có nhiều cơ hội thăng tiến và được giao những công việc chuyên môn quan trọng.

 

Và vì đây là ngành học được nhiều người ưa chuộng, không có gì lạ khi ngành tài chính có mức độ cạnh tranh cao ngay cả ở cấp độ khởi nghiệp.

 

Tài chính là một trong những ngành mà những kiến thức chuyên ngành và một nền tảng đào tạo bài bản rất quan trọng. Các nhà tuyển dụng thường quan tâm đến những nội dung cụ thể mà bạn đã học trong nhà trường để từ đó có thể đánh giá các kỹ năng của bạn.

 

Những ứng viên càng có nhiều kỹ năng cụ thể phù hợp với công việc càng có lợi thế. Chính vì vậy, việc có định hướng từ sớm và theo học một chương trình học chuyên về tài chính là bước khởi đầu quan trọng.

 

Trên thực tế, rất khó để tìm một chương trình chỉ “thuần túy” về tài chính, vì đây là một môn học liên ngành, bao gồm kiến thức về kế toán, đầu tư, thống kê… Tài chính và kế toán là hai ngành thường được giảng dạy song song vì có sự hỗ trợ và liên quan đến nhau.

 

Những môn học thường gặp trong các chương trình đào tạo về tài chính ở cấp độ đại học là: Kế toán tài chính, Thống kê, Kế toán, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô, Công nghệ thông tin.

 

Có rất nhiều nhánh khác nhau trong ngành tài chính. Nhưng ở cấp độ đại học, thông thường, bạn sẽ được theo học một chương trình đại cương giúp nắm tất cả các hạng mục cơ bản cần biết trong ngành tài chính. Những nội dung học chuyên sâu hơn thường được giảng dạy ở bậc thạc sỹ.

 

Thạc sỹ về tài chính

 

Có rất nhiều sinh viên theo học các chương trình về kinh doanh cuối cùng lại không làm việc đúng chuyên môn của mình. Điều này là hoàn toàn có thể nếu bạn có đam mê và cố gắng.

 

Tuy nhiên, sẽ có những bất lợi nhất định khi bạn thiếu những kiến thức và kỹ năng cụ thể cần cho nghề nghiệp. Và điều này cũng mang đến cho bạn nhiều bất lợi khi phải cạnh tranh với các đối thủ được đào tạo bài bản đúng chuyên môn. Đến lúc này, việc theo học chương trình thạc sỹ chuyên về tài chính là giải pháp mà bạn cần cân nhắc.

 

Sau chương trình đại học chú trọng đến các kiến thức tổng quát, các khóa học thạc sỹ thường chú trọng hơn về cả hai mặt thực hành và lý thuyết. Hãy tìm hiểu các khóa học tập trung sâu vào một lĩnh vực nào đó.

 

Sau đây là một số chương trình học có nội dung cô đọng và tập trung:

 

Ngành Tài chính toán (Mathematical Finance) của Đại học Birmingham là ví dụ điển hình về một chương trình tập trung vào một lĩnh vực và cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Chương trình học này ít tập trung vào kinh tế mà chú trọng hơn đến các yếu tố toán học phức tạp hỗ trợ cho sự phát triển của ngành tài chính hiện đại.

 

Thạc sỹ nâng cao về các thị trường tài chính (Advanced Master in Financial Markets) của Trường Solvay Brussels School of Economics & Management. Chỉ cần nghe cái tên “thạc sỹ nâng cao” là có thể đoán được mức độ tập trung của chương trình này vào các kiến thức chuyên môn giúp sinh viên trang bị các khả năng kiểm soát và dự đoán các thị trường tài chính.

 

Thạc sỹ về tài chính và đầu tư của Trường Aston Business School Master chú trọng vào các chủ đề tổng quát nhưng bên cạnh đó đi theo hướng đầu tư.

 

Thạc sỹ tài chính quốc tế của ESCE là ngành học xây dựng trên nền tảng các kiến thức và kỹ năng cần có khi làm việc ở cấp độ quốc tế.

 

Thạc sỹ Quản trị kinh doanh về tài chính

 

MBA luôn là một trong những chương trình được ưa chuộng nhất vì nó mở ra nhiều cơ hội về quản lý cho sinh viên. Và chính vì vậy, có rất nhiều sinh viên tài chính cũng chọn theo học một chương trình MBA.

 

Các chương trình MBA về tài chính tập trung nhiều vào kỹ năng kinh doanh thực tiễn và chiến lược. Có một số chương trình lại chú trọng vào các kỹ năng chuyên môn kết hợp với các kỹ năng quản lý.

 

Có một điều mà bạn phải cân nhắc đó là các chương trình MBA luôn có mức học phí cao hơn. Nhưng những cơ hội nghề nghiệp mang lại cho bạn cũng không hề nhỏ. Sau đây là những ví dụ về một số chương trình có thể giúp bạn có thêm một bước nhảy vọt trong sự nghiệp:

 

– MBA về tài chính của EBS-Paris là một ví dụ điển hình cho một chương trình MBA có thể vừa giúp bạn nâng cao kiến thức về tài chính, vừa giúp bạn chuẩn bị cho những yêu cầu công việc thuộc cấp độ quản lý trong các tập đoàn tài chính.

 

– MBA về tài chính của Đại học Nottingham vẫn chú trọng vào việc giúp bạn trau dồi các kiến thức chuyên môn nền tảng nhưng không bỏ quên các chủ đề về quản lý sáng tạo. Đây cũng chính là điểm làm cho các chương trình MBA trở nên khác biệt với các chương trình chỉ tập trung vào các kỹ năng chuyên môn.

 

Một tin vui cho những ai muốn theo học MBA: Chính vì mức học phí cao hơn cũng như sự nở rộ của nhiều chương trình MBA, các trường đại học cung cấp rất nhiều thông tin chi tiết về chương trình học của mình. Điều này giúp sinh viên có cơ hội tìm hiểu kỹ về chương trình học trước khi quyết định nộp đơn.

 

Đã chọn ngành tài chính, hãy xác định con đường học vấn của mình sẽ khá dài với nhiều công sức nghiên cứu và trau dồi sẽ phải bỏ ra. Chính vì vậy, việc có thể hình dung ra được hành trình học tập của mình từ sớm là rất quan trọng.

 

Nguồn: Doanhnhansaigon

Share.

Leave A Reply