Lưu học sinh ăn mỳ tôm vì bị chậm sinh hoạt phí

0

SSDH – Nhiều tháng liền bị chậm sinh hoạt phí khiến cuộc sống của các lưu học sinh đề án 911 gặp khó khăn, một số gia đình phải gửi tiền sang.

 

Trong thư gửi VnExpress, một nghiên cứu sinh đề án 911 (322 cũ) cho biết, sinh hoạt phí đầu năm 2014 của anh đã trễ đến tháng thứ 4. Thậm chí, bạn anh còn bị trễ đến 6 tháng. Thiếu tiền khiến cuộc sống của lưu học sinh gặp nhiều khó khăn, phải ăn mỳ tôm, nấu cháo trứng… trừ bữa.

 

“Bạn nào gia đình khá giả còn có thể gửi qua, chứ gia đình vất vả thì phải vay tiền khắp nơi để trang trải”, lưu học sinh này nói và đề nghị các Bộ, ngành giải quyết sinh hoạt phí cho lưu học sinh đúng thời hạn sau khi gửi báo cáo về Cục Đào tạo ngoài nước.

 

“Chúng tôi không biết phải làm sao. Hiện sinh hoạt phí đã quá trễ mà không có một tin tức và lý do gì cả”, anh này chia sẻ.

 

duhocsinh-2931-1384412379-6984-1397653498.jpg

Nhiều du học sinh than khó khăn vì sinh hoạt phí bị chậm. Ảnh minh họa.

 

Đây không phải lần đầu tiên sinh hoạt phí của lưu học sinh Việt Nam tại nhiều nước bị chậm, năm 2006, 2008, 2010…. VnExpress liên tiếp nhận được các phản ánh về việc chuyển sinh hoạt phí chậm mà không có lý do.

 

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo ngoài nước (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy trình cấp kinh phí đầu năm do Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính cấp, sau đó Bộ Giáo dục mới phân bổ kinh phí cho Cục. Tiếp đến, Cục cấp kinh phí cho lưu học sinh, gửi lệnh chi ra kho bạc, rồi kho bạc chuyển tiền.

 

Theo ông Vang, ngày 14/3 mới có quyết định phân bổ kinh phí cho các chương trình học bổng. Ngay sau đó Cục đã chuyển cho hầu hết lưu học sinh và các lệnh chi đều nằm ở kho bạc, đang được xử lý.

 

“Hy vọng ít ngày nữa, tất cả lưu học sinh sẽ nhận được kinh phí”, ông Vang nói và cho hay gần một tháng qua các cán bộ ở Cục làm việc cả ngày nghỉ để trả tiền cho trên 6.000 lưu học sinh ở gần 50 nước.

 

Người đứng đầu Cục Đào tạo ngoài nước chia sẻ, vấn đề kinh phí nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ cũng đã cố gắng. Lưu học sinh hầu hết đều hiểu việc này vì trước khi lên đường đi học Cục đã cảnh báo tất cả phải chuẩn bị kinh phí khoảng 3 tháng đề phòng trường hợp kinh phí bị cấp muộn.

 

“Cũng có một số lưu học sinh cố tình không hiểu và đòi hỏi nhà nước quá mức khi gửi báo cáo kết quả học tập muộn, không đầy đủ, gửi về rồi yêu cầu phải trả tiền ngay”, ông Vang cho hay.

 

Tú Anh (SSDH) – Theo Vnexpress

Share.

Leave A Reply