New Zealand đã làm gì để đứng đầu bảng về chỉ số chuẩn bị cho tương lai?

0

Sẵn sàng du học – Theo bảng xếp hạng Chỉ số Giáo dục Chuẩn Bị Cho Tương Lai (Educating for Future Index) năm 2017, New Zealand là quốc gia giành vị trí đầu bảng. Dưới đây là những chia sẻ của ông John Laxon, Giám đốc Khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông – Tổ chức Giáo dục New Zealand (ENZ) về những lý do giúp “đất nước kiwi” đạt được vị trí này.

hoc-sinh-new-zealand

Làm thế nào để trang bị kỹ năng, giúp sinh viên thành công trong sự nghiệp?

Đây là câu hỏi thách thức mọi hệ thống giáo dục ở bất kỳ thời đại nào. Ngày nay, hơn bao giờ hết, những thay đổi về mặt công nghệ đem đến những thách thức chưa từng có, buộc thế hệ trẻ phải thích nghi để có thể vươn tới thành công, không những hôm nay mà còn trong thế giới ngày mai.

Năng lực giờ đây không chỉ được đánh giá qua kiến thức về các môn học truyền thống. Khi thế giới ngày càng số hóa, thế hệ học sinh, sinh viên (HSSV) ngày nay cần phải làm chủ kỹ năng giải quyết vấn đề, cần phải có tư duy phản biện và kỹ năng thích nghi linh hoạt.

Các nền giáo dục trên thế giới luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc dự đoán những kỹ năng cần thiết cho tương lai, cũng như làm thế nào để giáo dục có thể giúp đáp ứng những kỹ năng đó. Vì vậy, chúng ta cần cần nỗ lực nhiều hơn để mở rộng giáo dục ra ngoài khuôn viên nhà trường, từ đó chuẩn bị đầy đủ cho người trẻ năng lực thích nghi với nhiều nghề nghiệp trong thế kỷ 21.

Tín hiệu khả quan là đã có một bảng đánh giá, so sánh năng lực của các hệ thống giáo dục trên thế giới về khả năng trang bị cho HSSV những kỹ năng thiết yếu trong tương lai.

Những cử nhân sẵn sàng cho tương lai

Theo Chỉ số Giáo dục Chuẩn Bị Cho Tương Lai (Educating for Future Index) năm 2017 của Economist Intelligence Unit, các nền giáo dục trên thế giới cần tìm ra giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích nghi với nhu cầu không ngừng thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, Educating for Future Index đưa ra những góc nhìn toàn diện về nền giáo dục các nước dựa trên các nhóm chỉ số đánh giá về chính sách giáo dục, môi trường giảng dạy và môi trường kinh tế – xã hội. Đây là những thành tố chính góp phần vào năng lực mà các nền giáo dục và trường học có thể đào tạo ra những cử nhân thạo việc, sẵn sàng cho tương lai.

Educating for Future Index cũng nhấn mạnh những lĩnh vực chính yếu mà nền giáo dục các nước cần phải đầu tư, bao gồm: phương pháp dạy và học theo dự án (thay vì theo từng môn học riêng lẻ), mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, và xây dựng chương trình học trên nền tảng công nghệ.

Đáng chú ý, theo Educating for Future Index, hệ thống giáo dục của New Zealand được xếp hạng đầu trên toàn thế giới. Giáo dục New Zealand giành điểm tối đa trên các tiêu chuẩn như khung chương trình đào tạo đáp ứng các kỹ năng tương lai, sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, sự đa dạng và hài hoà văn hóa cùng một số tiêu chuẩn khác.

Thứ nhất, New Zealand có hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng độc đáo, trong đó đào tạo nghề và nghiên cứu học thuật được coi trọng như nhau. Ở bậc phổ thông, Chứng chỉ Giáo dục Quốc gia của New Zealand (NCEA) được thiết kế với chương trình học tập theo dự án. Đây là sự kết hợp giữa những điểm mạnh của chương trình giảng dạy STEM với phương pháp giáo dục khai phóng, đảm bảo cho HSSV sau khi tốt nghiệp có thể phát huy tiềm năng và gặt hái thành công.

Hiện tại, có hơn 131.000 sinh viên đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới đang theo học tại New Zealand; trong đó có khoảng 2.200 HSSV Việt Nam.

Thứ hai, đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho các thế hệ HSSV tốt nghiệp ở New Zealand không chỉ dừng ở mức am hiểu mà còn là những chuyên gia về công nghệ. 98% các trường học tại New Zealand được kết nối internet tốc độ cao, nhờ đó công nghệ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực để thúc đẩy giáo dục ở New Zealand.

Ngoài ra, cách tiếp cận “Think New – Tư duy mới” của giáo dục New Zealand đặt trọng tâm vào khả năng học hỏi của học sinh và phương pháp dạy và học theo dự án. Nền tảng trên cùng với các khoản đầu tư công vào giáo dục với mục tiêu rõ ràng đã tạo điều kiện phát triển mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. HSSV sau khi tốt nghiệp vừa có bằng cấp giá trị quốc tế vừa được trang bị các kỹ năng thực tiễn trong ngành.

Nỗ lực đó mang đến thành tựu đáng kể như việc một số trường đại học của New Zealand lọt vào Bảng xếp hạng QS Graduate Employability Rankings năm 2017.

Để sinh viên thành công trong thế giới ngày càng “phẳng”, các hệ thống giáo dục cũng cần phải cởi mở hơn để sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng mới từ toàn cầu. Hệ thống giáo dục của New Zealand đã làm rất tốt ở mặt này, đưa New Zealand thành điểm đến giáo dục quốc tế uy tín và được xếp hạng là quốc gia nói tiếng Anh yên bình nhất thế giới (theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu) trong 10 năm liên tiếp.

Chất lượng giáo dục liên tục được cải thiện, tất cả các trường đại học của New Zealand đều được xếp hạng trong top 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới và giáo viên của New Zealand cũng được xếp hạng thứ 4 trên thế giới về sự chuyên nghiệp (Theo OECD 2016).

Việc quốc tế hóa giáo dục còn cho phép sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế tại New Zealand tận hưởng môi trường đa văn hóa, thiết lập tư duy và liên kết toàn cầu. Đây là những trải nghiệm bổ ích, thiết thực cho việc phát triển sự nghiệp trong tương lai của các bạn trẻ.

Những chia sẻ trên đây có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Những bài học của New Zealand đã cho thấy bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng có thể chuẩn bị thành công cho người trẻ khi có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa người làm chính sách giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh và chính phủ để nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục.

John Laxon (Giám đốc vùng của Tổ chức giáo dục New Zealand tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông)

Thái Hải (SSDH) – Theo Vietnamnet

Share.

Leave A Reply