Nghe Giáo sư Nhật Bản nói chuyện đào tạo ở Việt Nam

0

SSDH – Là người có hơn 40 năm sinh sống, nghiên cứu và gắn bó với chuyên ngành Việt Nam học, Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, cho rằng mục tiêu giáo dục hiện nay là đào tạo những con người có nền tảng kiến thức rộng, có khả năng tư duy, sáng tạo phong phú và tầm nhìn hướng ra thế giới để có thể thích ứng với thời đại “đi biển không có la bàn” hiện nay.

GS Furuta Motoo

GS Furuta Motoo cho rằng giáo dục Việt Nam đang thiếu triết lý giáo dục khai phóng – Nguồn Lao Động

Kết hợp giáo dục khai phóng và phát triển bền vững

Để thực hiện mục tiêu trên, Giáo sư Furuta Motoo đã áp dụng kết hợp 2 triết lí giáo dục khai phóng và phát triển bền vững vào các hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu và phát triển nhà trường.

Triết lí giáo dục khai phóng đào tạo nhân tài có tầm nhìn rộng, hướng ra thế giới tức là nó phá vỡ, cởi bỏ mọi khuôn mẫu, dây trói trong tư duy, nhận thức của người học để họ đạt sự sáng tạo đỉnh cao. Có thể nói, giáo dục khai phóng là giấc mơ của bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới. Thế nhưng, ở Việt Nam mô hình này còn chưa phổ biến.

Vị giáo sư người Nhật cũng cho rằng, việc đưa mô hình tự do học thuật của phương Tây vào những đất nước đậm chất Á Đông như Nhật Bản và Việt Nam không hề đơn giản.

“Phát triển xu hướng giáo dục khai phóng ở Việt Nam là một công việc không dễ dàng gì. Thế nhưng nếu nói Liberal Arts là khái niệm của phương Tây – xa lạ với các nước châu Á thì tôi tin không đúng. Trường đại học khai phóng thực chất là trường nâng cao dân trí một cách tổng cục”, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật khái quát.

Định hướng giáo dục khai phóng, được Giáo sư người Nhật Bản thể hiện qua việc cung cấp nhiều cách học, đề cao sự trau dồi các kỹ năng, phẩm chất cá nhân và cung cấp cho học viên một nền tảng kiến thức rộng, có tính quốc tế hóa cao trong quá trình xây dựng và điều hành Nhà trường.

Chính vì thế, ngay khi bắt đầu, ông đã chọn đào tạo trình đào tạo thạc sĩ là bước đi đầu với các ngành hiện đại như: Chính sách công, Công nghệ nano, Khu vực học, Kỹ thuật hạ tầng, Kỹ thuật môi trường, Quản trị kinh doanh. Mỗi chương trình đào tạo đều liên kết với ít nhất một trường đại học ở Nhật Bản, theo đó nội dung đào tạo phần lớn dựa trên chương trình do các đại học đối tác cung cấp và 50% đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cũng đến từ các trường đối tác.

Ở mỗi chương trình đào tạo, bên cạnh các môn học chuyên sâu bắt buộc, học viên được tự chọn hàng chục môn học khác, mang lại cho họ cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật cũng như chuẩn bị cho họ tầm nhìn liên ngành.

Một định hướng khác chi phối mạnh mẽ nội dung đào tạo mà theo Giáo sư Furuta Motoo đó là giáo dục bền vững. Khoa học bền vững – môn khoa học xây dựng hệ tri thức mới về bản chất sự bền vững, nhận diện các rủi ro và tìm các giải pháp khả thi giải quyết các vấn đề đang và sẽ đe dọa sự phát triển bền vững của con người. Giáo dục bền vững không chỉ là một vấn đề nóng mà còn là yêu cầu tất yếu trên thế giới hiện nay.

Sinh viên là trung tâm

Ngoài kết hợp 2 triết lý trên thì sinh viên là yếu tố quan trọng cho sự thành công trong đào tạo. Chính vì vậy, cần coi sinh viên là trung tâm. Ông Furuta Motoo xây dựng mục tiêu nhiều trường đại học chỉ mở lớp khi đủ sĩ số nhất định nhưng Trường Đại học Việt Nhật sẵn sàng mở lớp dù chỉ có 1-2 sinh viên có nhu cầu.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 120 người và sĩ số mỗi lớp học 20 học viên.

giang day

Sĩ số mỗi lớp chỉ tuyển 20 học viên – Nguồn: HN

Ngoài ra, cần tìm nhiều chính sách, học bổng cho học sinh. Với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước Nhật Bản, Việt Nam, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 120 sinh viên nhưng trường dự định cấp tới 135 suất học bổng. Trong đó có 5 suất học bổng hỗ trợ tài chính lên tới 300 triệu đồng cho sinh viên học ngành Khu vực học, 60 suất học bổng hỗ trợ học phí toàn phần và bán phần.

Vị giáo sự người Nhật cũng cho rằng sinh viên hiện đại cũng cần thay đổi thói quen xin việc. Ở Việt Nam, sinh viên thường sẽ xin việc sau khi đã hoàn thành chương trình học. Tuy nhiên, GS Furuta Motoo cho hay tại Nhật Bản, sinh viên sẽ tìm tới các nhà tuyển dụng 1 năm trước khi tốt nghiệp. Và họ thường được nhận vào làm ngay trước khi tốt nghiệp. Đây cũng là hướng thay đổi mới và cần thiết.

3 vấn đề cần thay đổi trong giáo dục Việt Nam

Là người sống và làm việc ở Việt Nam rất nhiều năm, Giáo sư Furuta Motoo cho rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống ham học. Đây là thế mạnh cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng. Một số ngành nhất là các ngành khoa học cơ bản và khoa học nhân văn trình độ các học giả Việt Nam không kém gì với các học giải quốc tế.

Tuy nhiên, nền giáo dục đại học Việt Nam hiện có 3 vấn đề cần lưu tâm:

Thứ nhất, nghiên cứu và đào tạo đôi khi tách biệt với nhau. Ở Việt Nam, nghiên cứu chủ yếu là công việc của các viện, đào tạo là của các trường đại học. Phân công như vậy trong tình hình hiện nay là không hợp lý. Nên kết hợp nghiên cứu và giáo dục – đào tạo nhất là khi chúng ta đang muốn xây dựng môi trường giáo dục mang tầm quốc tế.

Thứ hai, nền giáo dục đại học tại Việt Nam mạnh về chuyên sâu, đào tạo đơn ngành, hơi coi nhẹ việc xây dựng nền tảng vững chắc và tầm nhìn rộng. Nói cách khác là thiếu triết lý giáo dục khai phóng.

Thứ ba, Chính sách của Chính phủ Việt Nam coi trọng tính tự chủ của các đại học nhưng khi người ta nói tính tự chủ vẫn nặng về tự chủ tài chính. Tự chủ cần là đặc trưng không thể thiếu được của mỗi trường đại học. Phải tăng cường hơn nữa tính tự chủ của các trường đại học về đào tạo, nghiên cứu và cả nhân sự.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Lao Động

Share.

Leave A Reply