Nghề phiên dịch đem lại sự độc lập về tài chính cao khi đi du học

0

SSDH – Sau 10 ngày làm việc, nhận được số tiền vượt gấp 10 lần số lương của công việc mình đang làm. Bạn có bị ấn tượng và bị thuyết phục không? Đây chính là điều lý thú mà bạn Hoàng Gia Hải Hoàng – 1 phiên dịch tự do, vừa tốt nghiệp MBA ở Royal Holloway thuộc University of London đã chia sẻ với Sansangduhoc.com

 

02042012-du_hc_3

 

Một điều bất ngờ nữa là tiềm năng phát triển về tài chính và sự nghiệp của nghề này rất cao khi nhu cầu còn khá lớn nhưng hiện đang bị bỏ ngỏ. Theo Hoàng thì khá nhiều bạn trẻ khi ra nước ngoài du học thường chọn những công việc như bán hàng, phục vụ, v.v… để có thêm thu nhập cho cuộc sống. Những công việc này luôn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sinh viên nước ngoài với vốn ngoại ngữ tốt hơn cũng như ưu điểm tương đồng về văn hóa. Và để có được một công việc như thế cũng không hề dễ dàng gì, chưa kể cả sức khỏe cũng kém người ta. Trong khi đó rất nhiều lĩnh vực chỉ có người Việt làm được thì rất ít bạn làm. Phiên dịch là một trong những lĩnh vực như thế.

 

Hoàng đã xây dựng được nền tảng và kiến thức dịch thuật ngay từ khi ở Việt nam, tính cho đến nay, các dự án dịch thuật được Hoàng tham gia có thể nói là đáng nể, trong số đó bao gồm các dự án dịch thuật của các công ty lớn nổi tiếng như: American General Life Insurance (thành viên của tập đoàn American International Group, Inc., United States www.aigag.com), California Department of Child Support Services, Microsoft Corporation, Medicare (Úc), Folio-TS (Ấn độ), Ultra Localization Services (Đài Loan), Study Group …

 

Sansangduhoc.com đã có một buổi trò chuyện với Hoàng về công việc nhiều hứa hẹn tốt này, chúng tôi mong muốn mang lại cho các bạn trẻ thêm một cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn và để tự lập hơn về tài chính khi đi du học.

 

SSDH: Cơ duyên nào đưa Hoàng tìm đến với nghề phiên dịch này?

 

Hoàng: Từ trước khi đi du học, Hoàng đã làm công việc này trong nhiều năm rồi. Lần đầu tiên, Hoàng nhận dịch cho một người bạn của cô giáo – một người nước ngoài, đang cần tài liệu về kỹ thuật xe máy. Thời điểm vào khoảng năm 2002, khi ấy Hoàng đang theo học Đại học Tại chức chuyên ngành Anh văn. Đây cũng là khách hàng duy nhất của Hoàng ở Việt Nam cho tới giờ vì sau một năm vừa học vừa tìm hiểu thêm, Hoàng nhận thấy nhu cầu ở thị trường nước ngoài mới thực sự làm một thị trường rộng lớn và tiềm năng, nhất là trong cộng đồng Việt kiều.

 

Bạn đồng hành duy nhất lúc ấy của Hoàng chính là Google và kiến thức Anh văn dịch thuật đã học ở trường lớp. Hoàng trở thành một phiên dịch tự do, bắt đầu dịch cho các công ty dịch hoặc các cá nhân cần hiểu tiếng Việt. Đa phần họ cần phiên dịch khi đụng chạm đến những vấn đề pháp lý hoặc giấy tờ do khả năng đọc – hiểu tiếng Anh còn hạn chế.

 

SSDH: Công việc này cần những đòi hỏi chuyên môn nào không?

 

Hoàng: Yêu cầu đầu tiên là người phiên dịch phải biết cả tiếng Việt và tiếng Anh, ngoài ra nếu hiểu biết thêm về các hệ thống xã hội và luật pháp ở nước ngoài thì càng tốt. Song quan trọng nhất là phải có đạo đức nghề nghiệp, nghĩa là phải tự hiểu mình chỉ là một người phiên dịch, mình chỉ được nói lại lời khách hàng chứ không được phép nói thay lời khách hàng hoặc phiên dịch theo suy nghĩ chủ quan của bản thân. Ngoài ra, trong lúc làm việc một người phiên dịch luôn cần đặt mình vào vị trí của người đọc, người tiếp nhận ngôn ngữ dịch để tránh gây hiểu sai ý của thông điệp cần truyền tải.

 

Thêm một góc độ nữa là người làm nghề phiên dịch phải tự xây dựng cho mình một tác phong làm việc chuyên nghiệp, nếu không thể làm được thì nên từ chối ngay từ đầu còn nếu đã nhận làm thì phải đảm bảo đúng tiến độ công việc và chất lượng của bản dịch theo yêu cầu. Uy tín của cá nhân trong nghề phiên dịch tự do này cũng quan trọng không kém thương hiệu của một doanh nghiệp. Nếu đảm bảo được những yếu tố trên thì khách hàng sẽ tin tưởng và tự tìm đến bạn nhiều hơn.

 

SSDH: Tính đến thời điểm hiện tại (2012) thì Hoàng đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề phiên dịch này rồi, vậy đâu là động lực để Hoàng gắn bó lâu đến thế? Có những kỷ niệm thú vị nào với nghề không?

 

Hoàng: Kỷ niệm ấn tượng nhất có lẽ là dự án dịch thuật lần thứ 2 của Hoàng. Đó là một dự án về kỹ thuật ô tô, Hoàng nhận dịch trong 20 ngày, sau khi giao bản dịch thì 10 ngày sau, khách hàng chuyển tiền, dù đã biết trước số tiền mà mình sẽ nhận nhưng Hoàng vẫn bị bất ngờ và ấn tượng. Thời điểm đó, Hoàng còn nhớ rõ cái cảm giác khi ra ngân hàng nhận hơn 4.500$ tiền mặt, một số tiền lớn gấp 10 lần lương tháng của công việc thư ký dự án lúc đó của mình.

 

Công việc sau đó dần trở nên dễ dàng hơn khi đã vào quy trình chuẩn. Khách hàng gửi email xin báo giá, Hoàng gửi cho họ, nếu họ đồng ý thì sẽ gửi những yêu cầu cụ thể cho dự án dịch trong một đơn hàng chính thức (gọi tắt là PO: purchase order) và mình tiến hành thực hiện cho họ.

 

Một trong những lý do quan trọng nhất khiến Hoàng gắn bó với lâu với nghề này đến vậy chính là khả năng độc lập về tài chính và thời gian cũng như cảm giác tự chủ trong công việc. Có thể thay đổi một số phương thức miễn sao tốt nhất cho tiến độ và chất lượng công việc là được. Một khi mình hoàn thành tốt phần việc của mình, khách hàng cũng sẽ nghiêm túc trong việc thanh toán.

 

SSDH: Hiện tại, bạn vẫn làm công việc này một mình hay có tổ chức một nhóm để cùng làm việc chung?

 

Hoàng: Hiện nay mình đang duy trì một nhóm các bạn phiên dịch để hỗ trợ nhau trong quy trình dịch tiêu chuẩn. Công việc chính bây giờ của Hoàng là tiếp nhận dự án và chịu trách nhiệm đàm phán, thương lượng với khách hàng, đồng thời tập huấn thêm kỹ năng cho nhóm của mình.

 

Nhóm của Hoàng được thành lập cách đây 5 năm rồi với 3 thành viên thường xuyên. Ngoài ra, tùy vào tính chất kỹ thuật và quy mô của từng dự án cụ thể, mình còn hợp tác với khoảng 4-5 phiên dịch không thường xuyên khác nữa. Quy trình làm việc trong nhóm được Hoàng xây dựng và chú trọng tới yếu tố đảm bảo chất lượng cho bản dịch cuối. Để một bản dịch được xem là hoàn thiện và chất lượng thì bản dịch ấy phải thể hiện đúng ý của người viết, không thêm bớt, không đưa ý kiến chủ quan vào. Dịch cho người Hà Nội kiểu khác, dịch cho người Sài Gòn kiểu khác, điều này được nhóm Hoàng xem trọng vì phương ngữ và văn hóa mỗi nơi khác nhau. Dịch phải theo người đọc chứ không phải theo chuẩn tiếng Việt vì có nhiều thứ đúng chuẩn tiếng Việt nhưng người đọc, ví dụ như cộng đồng Việt kiều lại không hiểu vì họ quen dùng một ngôn ngữ khác. Ở góc độ này thì phải dựa trên kinh nghiệm làm việc lâu năm mới nắm rõ được, còn không thì phải có người sống trong cộng đồng đó để giúp mình đọc lại bản dịch một lần.

 

02042012-du_hoc_4

 

SSDH: Sau khi tốt nghiệp MBA, Hoàng có những dự định nào cho công việc không? Hay sẽ đầu quân cho một công ty lớn ở Anh?

 

Hoàng: Mình dự định sau 6 tháng nữa sẽ thành lập một công ty dịch ở Anh, hiện tại Hoàng cần thêm thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường đã. Không chỉ căn cứ trên nguồn thu nhập và khối lượng công việc hiện tại, với Hoàng vấn đề là sau khi lập công ty rồi thì có gì phát triển hơn hay không? Cái khó nhất là mình vẫn chưa hiểu rõ hết văn hóa nước sở tại và còn cảm giác dè chừng khi làm gì đó “xa nhà”. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một lợi thế. Trong khi mọi người đều đang thận trọng, nếu mình không sợ, nếu dám làm thì mình sẽ đạt được những lợi thế nhất định, sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nhanh trong thời gian đầu khởi sự này.

 

SSDH: Bạn hẳn đã vạch ra nhiều định hướng cho công ty tương lai của mình? Có góc độ mới lạ nào không?

 

Hoàng: Tất nhiên là có. Hoàng muốn công ty này sẽ là một địa chỉ liên lạc dễ tiếp cận với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trước mắt là ở Anh. Thứ hai, công ty sẽ là một địa chỉ việc làm cho các sinh viên du học. Và nếu đạt được hai mục tiêu ngắn hạn này thì mình nghĩ mục tiêu dài hạn của công ty là góp phần tăng cường sự tự tin của người Việt ở nước ngoài.

 

SSDH: Mục đích khi Hoàng chọn du học là gì? Hơn một năm học MBA ở Anh, Hoàng đã tích thêm được cho mình những trải nghiệm gì?

 

Hoàng: Mình chọn MBA vì đơn giản đây là khóa học dành cho tất cả mọi người. Hoàng chọn du học không chỉ để học thêm kiến thức mà mục đích chính là được ra nước ngoài để có thêm nhiều trải nghiệm mà thôi. Sau thời gian sinh sống và học tập ở đây, Hoàng cảm thấy mình trở nên thoáng hơn trong tư tưởng, biết cách bao dung hơn, thực sự biết tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đi nhiều mình sẽ biết nhiều hơn, biết nhiều thì mình sẽ tự giải thích được tại sao người ta lại làm thế này mà không làm thế kia, mình sẽ không cảm thấy khó chịu, và tránh được việc áp đặt cái tôi trong cách giải quyết tình huống và cách làm.

 

SSDH: Có điều gì khác với suy nghĩ trước đây mà khiến Hoàng chưa kịp thích nghi không?

 

Hoàng: Không nhiều lắm nhưng có một số điều, có thể đối với nhiều người là nhỏ nhưng với Hoàng lại là thay đổi lớn, ví như đi siêu thị, người ta có thể rất chậm rãi đếm từng xu để trả tiền, cả những người đang xếp hàng phía sau và người thu tiền đều kiên nhẫn đợi, không ai tỏ thái độ gì. Chuyện này, trước đây, Hoàng cũng nghe nhiều người kể lại nhưng chỉ khi sống trong môi trường đó, nhìn thấy hàng ngày, nó ngấm vào mình lúc nào chẳng hay, khi nhận ra thì mình cũng đã thích ứng và cũng thay đổi theo rồi.

 

SSDH: Theo Hoàng thì những bạn trẻ chọn du học làm định hướng cho tương lai nên chuẩn bị cho mình những gì? Làm thế nào để đạt hiệu quả sau khi du học?

 

Hoàng: Thứ nhất, các bạn không nên kỳ vọng quá nhiều vào quá trình học tập ở nước ngoài, nhất là học Thạc sĩ vì thời gian chỉ có một năm. Sự nghiệp của bạn khó có thể thay đổi chỉ sau 1 hoặc 2 năm du học, đơn giản vì khóa du học rất ngắn, để quen với cách giảng dạy và hiểu bài đã mất một nửa thời gian rồi. Kiến thức học tuy có tốt nhưng chưa chắc áp dụng được ở Việt Nam, cái còn lại sau cùng chỉ là tấm bằng tốt nghiệp và những trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài mà thôi.

 

Thứ hai, đừng hình dung và ảo tưởng quá vào cuộc sống du học nước ngoài qua facebook hay blog của một số du học sinh khác. Trừ những gia đình khá giả, còn lại thì bạn hãy hình dung cuộc sống du học sẽ không khác gì cuộc sống của một sinh viên nghèo ngoại tỉnh lên Hà Nội hay Sài Gòn học đại học, sẽ không có chuyện du dịch khắp nơi và mua sắm hàng hiệu như mọi người vẫn hình dung. Các bạn trẻ nên sống nhìn vào thực tế hơn một chút và cần xác định cụ thể mình muốn gì trước khi lựa chọn du học.

 

02042012-du_hoc_5 

 

SSDH: Nếu đứng trên góc độ là người đã đi làm rồi mới du học, với góc độ du học rồi mới xác định đi làm, theo nhận định của riêng Hoàng thì góc độ nào thiết thực và hợp lý hơn?

 

Hoàng: Phải tùy vào hoàn cảnh từng người nữa. Tuy nhiên, xác định công việc rồi mới đi du học để thăng tiến cho sự nghiệp sau này có vẻ là một phương pháp tiếp cận tốt, tránh được rủi ro, nhưng có thể phạm phải sai lầm khi đánh giá sai bản thân và đặt kỳ vọng quá lớn. Du học rồi mới xác định công việc sẽ đem lại cho bạn lợi thế về tuổi tác nhưng rõ ràng sau một thời gian du học sẽ mất đi lợi thế về kinh nghiệm và chi phí cơ hội. Hình thức nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Theo suy nghĩ của riêng mình thì Hoàng chỉ chú trọng tới hai vấn đề sau: một là mục đích du học và hai là chi phí du học sẽ do ai chi trả.

 

Lý tưởng nhất là những bạn học giỏi và đạt được học bổng du học. Tuy nhiên con số này không nhiều. Phần lớn các bạn do còn chưa đi làm nên chi phí du học đều do bố mẹ chi trả. Chính vì bố mẹ chi trả nên đôi khi các bạn không được độc lập hoàn toàn trong việc quyết định chọn trường, chọn ngành cũng như xác định rõ đi học để làm gì. Cho dù còn trẻ nhưng mình vẫn nghĩ các bạn nên thảo luận thẳng thắn với bố mẹ để có được lựa chọn du học sáng suốt nhất. Với những bạn đi làm rồi mới đi học, mình đánh giá rất cao những bạn du học tự túc bằng đồng tiền mà mình phải vất vả kiếm được. Chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đầu tư một khoản tiền lớn như vậy. Nó gần giống với việc bạn phải tiết kiệm tiền cho việc mua Ipad với được ai đó tặng vậy, cái gì đến khó nhọc thì người ta sẽ biết tận dụng tốt hơn, cảm giác khác nhau, hoàn cảnh khác nhau thì nỗ lực và kết quả cũng sẽ khác nhau. Và sau cùng đó sẽ là những trải nghiệm thú vị nhất, khó quên nhất dành cho bạn.

 

Đàm Hương – SSDH

Share.

Leave A Reply