Nghe và phản hồi với những câu nói đùa của người bản xứ

0

Sẵn sàng du học – Khi chưa quen với văn hóa của quốc gia nói tiếng Anh, bạn có thể bị “khớp” và bỏ qua cơ hội hiểu cách đùa của người bản xứ.

ssdhhoctienganh

Thầy giáo Seally Nguyen chia sẻ kỷ niệm trong giao tiếp với người Mỹ.

Sang Mỹ được một tháng tám ngày, kỹ năng nghe của mình đã tăng đáng kể so với hồi ở Việt Nam. Xem phim, bài giảng, hay CNN về cơ bản không còn là vấn đề quá lớn. Nhưng có một cái “nghe” mình ngại, đó là câu chào hỏi của người Mỹ.

Ví dụ, hôm nay đón con gái ở trường lúc 16h, đang dắt con ra khỏi cổng thì một cô giáo nhìn hai bố con, cười tươi và nói: “Look like you are going in the airport”. Phản xạ tức thì của mình là… không hiểu gì cả. Trong khoảng 1/2 giây, mình phải nghĩ ra cái gì đó để nói cho đỡ “quê”, bèn cười: “You have a good day” – câu trả lời không ăn nhập gì với “joke” của cô giáo.

Đến lúc đó, mình mới hiểu là cô giáo thấy bé con nhà mình đang kéo cái valy (luggage) nên nói đùa trông hai bố con đang ở sân bay. Lúc ấy đã quá muộn để mình hồi đáp. Nghe mình nói, cô giáo liền nói: “You too”. Không biết cô có nghĩ mình thật thô lỗ hay không.

Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh mình đón con gái ở trường và đưa con gái đi đón con trai ở “bus stop” vào lúc 16h15, nên tâm lý cũng muốn đi nhanh cho khỏi muộn. Câu chuyện chỉ vỏn vẹn có ba câu và diễn ra trong không đầy năm giây.

Mình về kể lại với một người bạn ở Mỹ, bạn ấy bảo “Anh trả lời thế là được rồi, nhưng lần sau nghe không rõ thì nên hỏi lại”. Mình bảo “người ta make joke mà mình hỏi lại, có quê không em?”.

Bạn ấy trả lời, có lần đi ngang một người trong siêu thị, người ta nói một câu nhưng nghe không rõ lắm, liền hỏi lại: “Sorry, what did you say?”. Người ta bảo “I said you have nice shoes”, bạn ấy nhanh nhẹn trả lời “Thank you”.

Mình gật gù tán thưởng. Rõ ràng, trong giao tiếp, nghe là một chuyện, nhưng hiểu ngay để trả lời cũng là một kỹ năng cần rèn luyện. Quan trọng hơn, nếu nghe không rõ, tốt nhất không nên lờ đi mà dừng lại để hỏi.

Bạn ấy chia sẻ thêm, ở Việt Nam, khi nghe lời khen, mình ậm ừ cho qua cũng được. Nhưng trong văn hóa Mỹ, người ta chờ đợi phản hồi cho lời khen. Nếu ậm ừ, người ta có vẻ không thích lắm.

Mình tự bào chữa, nếu hôm nay không lo đi đón con trai, mình đã dừng lại một chút để hỏi han, nói chuyện. Nhưng dường như đó chỉ là một lời biện minh cho cái sự “giấu dốt” của mình, vì nếu dừng lại để hỏi chắc cũng không mất thêm đến 10 giây.

Phần lớn những người nghe chưa quen sẽ gặp vấn đề với những câu “joke” như vậy. Một người bạn khác sau khi nghe câu chuyện cho biết: “Có lần tớ đi nghe hội nghị, đang tập trung thì người bên cạnh quay sang nói gì đó. Mặt tớ nghệt ra chẳng hiểu gì”.

Lý do là những câu “joke” đó thường không gắn liền với một “bối cảnh có sẵn” để mình chuẩn bị, và bản thân tâm lý người nghe của mình cũng không chuẩn bị cho việc nghe. Đôi khi, nó còn liên quan một chút tới yếu tố văn hóa. Do đó, đây thuộc diện những câu nói “khó nghe” nhất trong tiếng Anh.

Tốt nhất là nếu mình nghe không rõ thì nên hỏi lại. Và nếu có điều kiện giao tiếp thật nhiều, hãy làm như vậy, để quen với các kiểu “joke” của người bản xứ, và ít bị đặt vào những tình huống khó xử.

Cá Domino (SSDH) – Theo vnexpress.net

Share.

Leave A Reply