Nghiên cứu sinh đề án 911 tại Pháp bị chậm tiền trợ cấp

0

Sẵn sàng du học – Một số nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp theo diện đề án 911 phản ánh rằng gần 4 tháng nay, họ chưa nhận được tiền trợ cấp theo chế độ.

Nguyễn Thanh Tuấn, nghiên cứu sinh thuộc đề án 911 (đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020) tại Pháp, thông tin mỗi tháng, Cục Đào tạo với nước ngoài (VIED, Bộ GD&ĐT) sẽ thông qua Campus France chuyển vào tài khoản của nghiên cứu sinh 888 euro. Thông thường, tiền tháng này sẽ được nhận vào cuối tháng trước. Tuy nhiên, gần 4 tháng nay, các nghiên cứu sinh chưa nhận được chế độ.

du-hoc-phap

Nghiên cứu sinh gặp khó khăn vì chậm tiền trợ cấp

Thanh Tuấn cho biết theo lịch hẹn, nghiên cứu sinh theo diện đề án 911 tại Pháp nhận 2.664 euro vào ngày 29/3 – tương đương chi phí sinh hoạt cho 3 tháng 1, 2 và 3. Tuy nhiên, đến ngày 3/4, số tiền vẫn chưa chuyển vào tài khoản.

"Tính từ khi mình mới sang, tình trạng này đã diễn ra 3 lần (đầu năm 2017, giữa năm 2017 và đầu năm 2018). Mỗi lần, chúng mình đều liên lạc với bên đơn vị quản lý. Câu trả lời của họ hầu hết là chậm do liên quan chuyện giải ngân, thay đổi nhân sự hoặc do số lượng lưu học sinh quá nhiều", Tuấn thông tin.

Xác nhận thông tin, Vũ Thanh Quý, nghiên cứu sinh theo diện đề án 911 tại Pháp, cho hay tình trạng này "có vẻ thường niên và thường xuyên vào dịp đầu năm dương lịch".

Lịch nhận trợ cấp hàng tháng của nghiên cứu sinh theo diện đề án 911. Theo Thanh Quý, số tiền họ nhận hôm 3/1 là trả cho tháng 12/2017, trong khi theo đúng lịch, số tiền này phải được gửi vào cuối tháng 11/2017. Ảnh: NVCC

Lịch nhận trợ cấp hàng tháng của nghiên cứu sinh theo diện đề án 911. Theo Thanh Quý, số tiền họ nhận hôm 3/1 là trả cho tháng 12/2017, trong khi theo đúng lịch, số tiền này phải được gửi vào cuối tháng 11/2017. Ảnh: NVCC

Năm nay, sau khi liên lạc với chuyên viên quản lý lưu học sinh tại Pháp và Bỉ của VIED, các lưu học sinh tại Pháp theo diện 911 nhận được câu trả lời như sau: "Đầu tháng 3/2018, cục nhận được giao kinh phí năm 2018 nên bắt đầu xử lý hồ sơ cấp kinh phí cho lưu học sinh ở nước ngoài. Do số lượng hồ sơ nhiều (gần 6.000 lưu học sinh) và chuyển vào cùng một thời điểm nên việc cấp kinh phí mất thời gian lâu hơn (tại Kho bạc Nhà nước chỉ có 2 cán bộ chuyên trách việc hạch toán hồ sơ và chuyển tiền)".

Bên cạnh đó, trong lá thư giải đáp thắc mắc, chuyên viên quản lý lưu học sinh tại Pháp và Bỉ thông tin về việc cấp kinh phí cho lưu học sinh tại Pháp, phòng tài chính của cục đã duyệt hồ sơ cấp hơn 450.000 euro cho phía Campus France nhưng còn chờ kho bạc hạch toán. 

Về phương án giải quyết, người này đã liên hệ phòng tài chính đề nghị kho bạc ưu tiên xử lý gấp các hồ sơ cấp kinh phí cho Campus France trước, các hồ sơ chuyển tiền trực tiếp cho cá nhân đề nghị xử lý sau. 

Phan Mỹ Hạnh, nghiên cứu sinh theo đề án 911 tại Pháp, chia sẻ tình trạng chậm trợ cấp ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của lưu học sinh, đặc biệt là những người sống tại những thành phố lớn và đắt đỏ như Paris, Lyon và Nice.

"Nếu chỉ ở bên này một mình và sống tiết kiệm, 888 euro/tháng là đủ bởi chúng mình cũng nhận được thêm một số hỗ trợ từ chính phủ Pháp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp các anh, chị giảng viên sang đây cùng vợ, chồng và con cái thì trễ một tháng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của gia đình", Mỹ Hạnh nói.

Phụ nữ này cho biết mỗi lần như vậy, nếu không phải là vay mượn của bạn bè và người thân thì cũng phải có gia đình hỗ trợ. Mỗi lần vay mượn như vậy đều rất phiền vì số tiền không phải nhỏ, thời gian lại quá dài, chưa kể việc không có tiền trong tài khoản hạn chế rất nhiều các khoản thu chi. Nguy cơ bị âm tài khoản và bị ngân hàng phạt là rất lớn.

Đơn vị liên quan nói gì?

Trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Hà Anh, chuyên viên quản lý lưu học sinh tại Pháp và Bỉ của VIED, cho biết theo xác nhận của Campus France, phía Pháp đã thực hiện việc chuyển tiền vào ngày 28/3 cho số lưu học sinh do họ quản lý.

Ông Nguyễn Hải Thanh – phó cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD&ĐT – thông tin đến đợt, cục sẽ làm thủ tục để chuyển tiền qua Campus France. Đơn vị này hỗ trợ khá tốt nên khả năng bị chậm trợ cấp cho nghiên cứu sinh theo đề án 911 tại Pháp là rất thấp.

Theo ông, việc nhận tiền chậm có thể do một số người nộp hồ sơ muộn hoặc gửi thông tin thiếu.

Đề án 911 là đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng (đề án 911), có tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo 23 nghìn tiến sĩ. Tuy nhiên, do bộc lộ nhiều hạn chế và không đạt mục tiêu đề ra, đề án này đã bị dừng tuyển sinh từ năm 2017.

Thái Hải (SSSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply