Ngộ nhận về học tiếng Anh: Tốt nhất là đến nước nói tiếng Anh

0

SSDH – Rất nhiều người nghĩ rằng việc sống ở nước ngoài đồng nghĩa với việc bạn tự khắc sẽ học được ngôn ngữ của quốc gia đó. Vì thế nhiều người có xu hướng cho con em đi học tại Anh, Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác.

 

Nhưng có phải nước ngoài luôn là nơi tốt nhất để học tiếng Anh? Sự thật thì hầu hết người nhập cư ở Mỹ nói tiếng Anh không tốt cho dù sống ở đó cả 2 thập kỷ. Rất nhiều người mắc lỗi ngữ pháp cơ bản, ví dụ nói kiểu “He make tea?” thay cho “Did he make tea?” hoặc nói “I help you” thay vì nói “I will help you”. Họ thường nói với giọng địa phương đặc sệt mà người nghe dựa vào đó có thể đoán ngay được họ đến từ châu Á, Mỹ La-tinh hay Nga.

 

Lý do cho những lỗi kể trên với người nhập cư đó là không được rèn dũa, kèm cặp về ngữ pháp hay phát âm. Và dẫu có mắc lỗi về ngữ pháp nhưng người nghe vẫn hiểu và chẳng chỉ ra những lỗi đó làm gì.

 

Ví dụ trên cho thấy việc sống ở nước ngoài chẳng giúp bạn nói tiếng Anh tốt lên chút nào. Việc sống ở nước ngoài không ép bạn học ngữ pháp, phát âm hay một lượng lớn từ vựng, bởi lẽ không có những thứ đó thì bạn vẫn giao tiếp tốt. Ví như khi bạn nói theo kiểu “give me apple” hay “buy watch”, người bán hàng vẫn hiểu và bạn vẫn mua hàng mà không gặp khó khăn gì dù có ở Anh hay Mỹ.

 

Sống ở nước ngoài chỉ thôi thúc bạn học những gì cần thiết để có thể sinh tồn ở đó, bạn chỉ đủ khả năng hiểu được ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, gọi pizza cho chính mình và giao tiếp với đồng nghiệp hoặc bạn đại học. Những thứ còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, động lực cũng như khả năng học tập. Điều này cũng đồng nghĩa với dù có sống ở nước ngoài cũng chẳng làm bạn khá hơn những người học tiếng Anh tại quê nhà.

 noi%20tieng%20anh.jpg

Việc sống ở nước ngoài 20 năm chưa chắc đã giúp bạn nói tiếng Anh như người bản xứ. Ảnh minh họa: Xuân Quang.

 

Thêm vào đó, sống ở nước ngoài thường ép bạn nói những câu không chuẩn xác cả về ngữ pháp đến ngữ điệu bởi lẽ bạn buộc phải nói dù có mắc nhiều lỗi đến thế nào. Khi sống ở nước ngoài, bạn sẽ chẳng thể tạm không nói chuyện với mọi người để tập trung vào kỹ năng viết (điều này sẽ giúp bạn sửa được những lỗi ngữ pháp tốt hơn so với việc chỉ nói tiếng Anh bởi bạn sẽ mất nhiều thời gian để tìm những cách diễn đạt đúng ngữ pháp trên mạng hay trong từ điển).

 

Việc nói sai liên tục sẽ hình thành ở bạn thói quen xấu và sau vài năm khi quen với việc nói “he make tea?”, việc nói đúng là vô cùng khó khăn. Điều quan trọng bạn nên nhớ đó là người bản xứ sẽ không sửa câu chữ nếu bạn nói sai. Thay vào đó, họ sẽ cố gắng để hiểu bạn cho dù bạn có nói sai ngữ pháp. Đối với họ, việc bắt lỗi ngữ pháp người khác là việc làm không lịch sự chút nào.

 

Trong khi đi nước ngoài được xem là cách tốt nhất để giỏi ngoại ngữ, sự thật lại không hoàn toàn như vậy. Nếu chỉ đi ra nước ngoài mà không cố gắng, nỗ lực, bạn sẽ chỉ học được chút ít, nói cũng chỉ đủ nghe đủ hiểu thôi, và sẽ mắc rất nhiều lỗi. Nói cách khác, nếu có động lực, bạn sẽ tự tạo ra được môi trường ngoại ngữ ở ngay tại nhà mình bằng cách xem chương trình TV nước ngoài, hay Internet. Môi trường như vậy an toàn hơn bởi lẽ bạn sẽ chẳng bị buộc phải nói tiếng Anh và hình thành lối mòn trong đầu khi mắc lỗi. Thay vào đó, bạn có thể tự học, tập trung vào phát âm, kỹ năng viết trước khi bạn học nói ngoại ngữ đó.

 

Học ở đâu không quan trọng bằng học như thế nào.

 

Ưu điểm của việc học ở nước ngoài:

 

+ Dễ dàng tiếp cận với người bản xứ để bạn có thể trò chuyện.

 

+ Có cơ hội hoàn thiện kỹ năng nghe.

 

+ Có cơ hội học được những từ mới mỗi ngày hữu ích với bạn mà ít khi bạn nghe được trên TV hay trong những bộ phim.

 

Nhìn lại toàn bộ, học ngoại ngữ ngay ở nước mình là sự lựa chọn an toàn và cũng rẻ hơn nhiều so với đi nước ngoài, cứ cho là bạn có thể tự tạo động lưc cho chính mình và tự tìm được cơ hội để nói ngoại ngữ đó khi bạn học. Sau khi học ngoại ngữ đến độ đọc thông viết thạo, bạn có thể đi nước ngoài để củng cố thêm kỹ năng nghe và mở rộng vốn từ, vốn hiểu biết cho giống với người bản xứ.

 

Dù có học ở đâu chăng nữa, nếu bạn cố gắng, quyết tâm cộng với đam mê thì không chỉ tiếng Anh mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng có thể trở thành chuyên gia.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply