Người có thể nhìn thấu sự khủng hoảng của thế giới từ 100 năm trước

0

Sẵn sàng du học – Karel Capek nhìn thấy cuộc khủng hoảng chạy đua vũ trang của chiến tranh thế giới trước nhiều thập kỷ, thấy thế hệ trí tuệ nhân tạo soán ngôi con người từ 100 năm trước.

Bằng ngòi bút giễu nhại đặc trưng, Karel Capek đã vạch ra viễn cảnh hỗn độn của một thế giới thừa mứa của cải vật chất, nhân loại bị chia rẽ sâu sắc bởi các đức tin tôn giáo, tín ngưỡng, chính trị qua tác phẩm Nhà máy chế tạo siêu nhiên sáng tác năm 1926, mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt và xuất bản vào tháng 9.

Bước ngoặt của công nghiệp sản xuất hàng loạt

Câu chuyện mở đầu khi nhà khoa học Marek liên lạc với người bạn cũ Bondy, nay là một chủ tịch liên xí nghiệp thành công, ngỏ ý chuyển giao phát minh mới nhất của ông. Phát minh ấy được ông gọi là Karburator, có khả năng tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu chất đốt, hứa hẹn sẽ là bước ngoặt của các ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt.

ssdh-nha-may-che-tao-sieu-nhien

 

ới tầm nhìn của một nhà kinh doanh, Bondy nhanh chóng hình dung ra chiến lược bành trướng sản xuất phân phối và thu lợi nhuận khủng từ Karburator, bất chấp lời cảnh báo từ Marek, rằng đây là thứ khủng khiếp vượt ngoài hiểu biết khoa học cổ kim, thứ sẽ vượt ra tầm tay kiểm soát của con người, và sau đó là từ vị giám mục phụ cận Linda.

Từng bước từng bước một, Siêu Nhiên tràn về mọi ngõ ngách các thành phố công nghiệp. Xuyên suốt câu chuyện, Siêu Nhiên là nhân vật vô hình, không ai thấy tận mắt, không ai sờ nắm chạm tay vào được, nhưng lại là sức mạnh kỳ bí dẫn đưa hành động, điều khiển suy nghĩ của mọi con người mà “Ngài” tiếp cận đến.

Một mặt Ngài cướp công ăn việc làm trên tay công nhân bằng sức lao động điên cuồng không biết điểm dừng của mình, một mặt Ngài đưa mọi người thuộc mọi tầng lớp vào những cơn cuồng tín khác nhau – đi theo những vị thủ lĩnh khác nhau dù đều chịu ảnh hưởng của thế lực thần bí Siêu Nhiên.

Viễn cảnh tăm tối xuất phát từ bàn tay, khối óc con người

Một điểm đặc trưng trong phong cách của Karel Capek là ông không nhìn một đại thảm họa đơn thuần dưới góc độ vĩ mô hay đi theo duy nhất một nhân vật trong tiến trình tăng dần quy mô thảm họa.

Capek liên tục thay đổi góc nhìn, lựa chọn đối tượng mới cho các chương về sau, khéo léo khắc họa tâm lý và hành động của nhân vật phù hợp với nghề nghiệp, địa vị, và cách mà họ bị cuốn vào vòng xoay thảm họa dù vô tình hay cố ý. Từ đó, tác giả cho người đọc thấy được toàn cảnh câu chuyện một cách gần gũi và dễ hình dung nhất có thể.

Điều này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm của ông, kể cả cuốn tiểu thuyết có thể được xem là đỉnh cao trong văn nghiệp của Capek – Khi loài vật lên ngôi. Riêng trong Nhà máy chế tạo siêu nhiên, họ là nhà khoa học, chủ doanh nghiệp, anh thợ lặn, anh phóng viên, người chủ chiếc đu quay, anh nông dân, vị giáo sư… Mỗi người có một trải nghiệm Siêu Nhiên khác nhau, thậm chí vì điều ấy mà cực đoan đến mức không thể tránh khỏi mâu thuẫn với kẻ khác.

Karel Capek có thể được xếp vào hàng ngũ những nhà văn có tầm nhìn tiên tri xuất sắc mọi thời đại. Ông đã nhìn thấy được cuộc khủng hoảng chạy đua vũ trang của chiến tranh thế giới trước nhiều thập kỷ, nhìn thấy mối lo thế hệ trí tuệ nhân tạo soán ngôi con người trên bước đường tiến hóa trước cách mạng công nghiệp 4.0 gần trăm năm.

Với khối lượng kiến thức đồ sộ trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, chính trị, tôn giáo, nhận thức luận, trong Nhà máy chế tạo siêu nhiên, Capek đã phác họa được chân dung một thế giới không ngừng mâu thuẫn trong nỗ lực thống nhất nhân loại về một mối của con người, điều không chỉ phản ánh quá khứ, hiện tại (thời đại bấy giờ) mà còn là tấm gương soi cho trạng huống thế giới hôm nay.

Đọc Capek, nhiều người dễ nghĩ ông quá bi quan trước những tiến bộ khoa học, nhưng sau tất cả mọi viễn cảnh tăm tối của những thảm họa khởi nguyên từ chính bàn tay và khối óc con người, ta sẽ thấy ở ông niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn, hay chí ít có thể vãn hồi của nền văn minh nhân loại.

Trong bài viết cho series You must read this của National Public Radio, Cara Hoffman – tác giả của các tiểu thuyết So Much Pretty, Be Safe I Love You, cây bút quen thuộc của New York Times mục Book Review – đã đề xuất tác phẩm Nhà máy chế tạo siêu nhiên với lời giới thiệu: “Hãy cho bản thân mình một ân huệ bằng việc đọc cuốn sách này. Cuốn sách chưa bao giờ ngừng thức thời và quan trọng, với những lời châm biếm đơn giản không bao giờ là cũ".

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply