Nguồn lực ngôn ngữ trong sự phát triển của Singapore

0

Sẵn sàng du học – Ngôn ngữ không chỉ được xem như một nguồn lực có giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng của văn hóa, đặc biệt với một quốc gia đa ngôn ngữ, đa văn hóa như Singapore. Để bảo đảm sự đa dạng văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời phù hợp với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, Singapore đã xây dựng, thông qua nhiều chiến dịch và chính sách ngôn ngữ.

du-hoc-singapore

Đa dạng ngôn ngữ và chính sách của Singapore

Singapore là một quốc gia đa tộc người. Theo chỉ số Worldmeter năm 2017, dân số Singapore là 5.758.425 người, trong đó có khoảng 76,8% số người gốc Hoa, 13,9% người Mã Lai, 7,9% gốc Ấn Độ, 1,4% là các tộc người khác(1). Những cuộc kết hôn chéo và sự chung sống hòa hợp giữa những dân tộc khác nhau đã dệt nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc, hình thành nên xã hội Singapore đa dạng nhiều mặt, để lại cho đảo quốc này kho tàng ngôn ngữ phong phú. Ngôn ngữ ở Singapore đa dạng bởi trong các nhóm ngôn ngữ chính ở đây như tiếng phổ thông Hán ngữ, Anh, Mã Lai, Tamil lại có sự biến thể, mở rộng thành nhiều ngôn ngữ địa phương khác. Chẳng hạn, người Hoa ở đây không chỉ nói tiếng Trung phổ thông (còn được gọi là tiếng phổ thông Hán ngữ), họ còn nói tiếng Mân Nam, Triều Châu, Quảng Đông, Khách Gia, Hải Nam, Phúc Châu… Hay người Ấn Độ, ngay từ khi đến Singapore giao thương, họ lại đến từ các bang khác nhau của Ấn Độ, trong khi mỗi bang tại Ấn Độ lại có một ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy, ngoài nói tiếng Tamil, Hindi là chính, người gốc Ấn Độ còn nói tiếng Telugu, Kannada, Panjabi, Gujarati, Sindhi, Urdu… Các biến thể ngôn ngữ của Mã Lai tại Singapore dù số lượng ít hơn tiếng phổ thông Hán ngữ và Ấn Độ, nhưng cũng bao gồm các ngôn ngữ chính là Mã Lai, Java, Boyanese và một số ngôn ngữ khác. Ngay cả tiếng Anh ở đây cũng có biến thể “bồi” của nó được gọi là Singlish – một dạng tiếng Anh lai tạp với tiếng Trung và tiếng Mã Lai được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày giữa người Singapore với nhau. Ngoài ra còn rất nhiều ngôn ngữ của các tộc người thiểu số tại Singapore góp phần làm đa dạng hệ thống ngôn ngữ của quốc gia này.

Xuất phát từ bối cảnh trên, có hai quan điểm về ngôn ngữ nổi bật được Chính phủ Singapore thông qua:

Một là, quốc tế hóa: Quan điểm này đòi hỏi thông qua một ngôn ngữ không phải là bản địa như một ngôn ngữ chính thức. Chính phủ Singapore đã thông qua việc sử dụng tiếng Anh bên cạnh các ngôn ngữ bản địa của Singapore.

Hai là, đa nguyên ngôn ngữ: Quan điểm này đòi hỏi công nhận và hỗ trợ cùng tồn tại của nhiều ngôn ngữ trong xã hội. 

Từ đây, nhà nước tiến hành phân loại dân cư và chia thành từng nhóm cụ thể để kiểm soát tính đa dạng tộc người và ngôn ngữ của Singapore. Theo đó, các tộc người chính và thành viên bao hàm được xác định thông qua sự sát nhập ngôn ngữ trong lịch sử, tập quán văn hóa và đặc trưng chủng tộc. Singapore công nhận nhóm người gốc Hoa, Mã Lai, gốc Ấn Độ và lai Á – Âu như “các chủng tộc sáng lập” đã góp sức đáng kể giành độc lập. Trên thực tế, ba chủng tộc sáng lập đầu tiên có đủ số lượng thành viên để xem như những cộng đồng có quyền lợi riêng, trong khi chủng tộc lai Á – Âu được xem là “người gốc khác” vì số lượng quá nhỏ. Trên cơ sở phân loại này, nhà nước đưa ra chính sách song ngữ gồm tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ áp dụng cho các chủng tộc này. Cụ thể, tiếng phổ thông Hán ngữ cho người gốc Hoa, tiếng Mã Lai cho người Mã Lai và tiếng Tamil cho người gốc Ấn Độ. Tuy người lai Á – Âu thường sử dụng tiếng Anh, nhưng nhà nước không chấp thuận tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ vì những lý do muốn giữ tiếng Anh như nhân tố trung lập giữa các chủng tộc. Điều 153A Hiến pháp Singapore công nhận tiếng Mã Lai, phổ thông Hán ngữ, Tamil và tiếng Anh là bốn ngôn ngữ chính thức và xác nhận tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính của đất nước. 

Thúc đẩy, khẳng định vị thế các ngôn ngữ chính thức

Xác định rõ tầm quan trọng của chính sách ngôn ngữ trong quản lý dân cư, xây dựng và phát triển đất nước, ngay sau khi Singapore độc lập, Chính phủ tích cực thúc đẩy kế hoạch hóa vị thế ngôn ngữ. Do Singapore là xã hội đa chủng tộc và đa ngôn ngữ, tiếng Anh là ngôn ngữ trung lập duy nhất được chấp nhận, bảo đảm việc phân phối lợi thế kinh tế công bằng cho nhóm các dân tộc thiểu số, không gây ra nguy cơ xung đột sắc tộc. Hơn thế, tiếng Anh còn được cho là ngôn ngữ quốc tế, là cây cầu giúp hội nhập, kết nối với thế giới và gắn kết Singapore với sự tiến bộ, khoa học và công nghệ. Bởi vậy, một trong những thay đổi rõ rệt nhất trong bối cảnh ngôn ngữ của Singapore sau độc lập là việc thúc đẩy vị thế của tiếng Anh. Chính sách song ngữ cho thấy, Chính phủ Singapore công nhận tầm quan trọng của tiếng Anh đối với xã hội đa chủng tộc, vì thế, dù bị loại khỏi danh sách tiếng mẹ đẻ, chỉ là tiếng mẹ đẻ của số ít người Singapore vào thời điểm thực hiện chính sách, nó vẫn đạt được vị thế của một ngôn ngữ chính thức. Điều này được Chính phủ thực hiện bằng cách phân bổ nguồn lực để phát triển tiếng Anh trong các lĩnh vực chức năng khác nhau như hành chính, luật pháp, kinh doanh, quản trị, và đặc biệt là môi trường giảng dạy trong các trường học – mặc dù thời gian đó lẽ ra phải được dành cho việc học ngôn ngữ mẹ đẻ. Từ đây, ngoài các lĩnh vực hành chính của Chính phủ – nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, tiếng Anh cũng dần dần được khắc sâu vào các môi trường xã hội, gia đình và cá nhân. Rõ ràng, tiếng Anh đã có vai trò quan trọng trong bối cảnh ngôn ngữ của Singapore, ngôn ngữ nước ngoài nhưng lại đóng vai trò là ngôn ngữ chính của truyền thông so với các ngôn ngữ bản địa trong nước. 

Cùng với tiếng Anh, Chính phủ Singapore thúc đẩy sử dụng tiếng phổ thông Hán ngữ, Mã Lai và Tamil nhằm giữ gìn văn hóa và di sản của ba dân tộc chính, giúp duy trì và xác định bản sắc quốc gia. Nếu tiếng Mã Lai được coi là “sự lựa chọn hiển nhiên nhất” cho cộng đồng Mã Lai, Tamil cho nhóm dân tộc gốc Ấn Độ lớn nhất ở Singapore, thì vị thế của tiếng phổ thông Hán ngữ cũng được nâng cao khi Chính phủ Singapore chỉ định đó là tiếng mẹ đẻ của người dân Singapore gốc Hoa, bắt buộc người Hoa ở Singapore học tiếng phổ thông Hán ngữ như tiếng mẹ đẻ trong các trường học. Theo đó, Singapore khuyến khích hình thức chuẩn hóa duy nhất của tiếng phổ thông Hán ngữ, không khuyến khích việc sử dụng các phương ngữ trong cộng đồng gốc Hoa Singapore như tiếng Quảng Đông, Triều Châu, Mân Nam… Lý do tiếng phổ thông Hán ngữ được ưu tiên lựa chọn trong số các phương ngữ Hán là vì “nó có thể thống nhất các nhóm phương ngữ khác nhau, có sự đa dạng đủ để kết hợp được với văn hóa Trung Quốc cổ đại và các giá trị của nó”(2). Điều này không có nghĩa là Chính phủ coi các phương ngữ Hán khác là hoàn toàn không có giá trị văn hóa. Chính phủ Singapore coi tiếng phổ thông Hán ngữ là ngôn ngữ mang tính chất cầu nối giữa các nhóm đa ngôn ngữ không nói tiếng phổ thông Hán ngữ của Singapore, và là một công cụ để tạo nên bản sắc văn hóa Trung Quốc nói chung. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong thế kỷ XXI cũng là lý do khuyến khích việc sử dụng tiếng phổ thông Hán ngữ nhiều hơn. 

Song song với việc thúc đẩy vị thế ngôn ngữ, hệ thống giáo dục cũng được thay đổi để thực hiện chính sách song ngữ, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ chung trong giáo dục, và học song song với tiếng mẹ đẻ. Tony Tan – Bộ trưởng Giáo dục Singapore – trong một bài phát biểu trước nghị viện năm 1986, nhấn mạnh lý do chính sách song ngữ cần được thực hiện: “Trẻ em phải học tiếng Anh để chúng tiếp thu kiến thức công nghệ và khoa học của thế giới. Chúng phải biết tiếng mẹ đẻ để hiểu được thứ mà khiến chúng trở thành chính mình”.

Chính phủ cũng phát động các phong trào ngôn ngữ nhằm tạo ra môi trường sử dụng ngôn ngữ ủng hộ chính sách giáo dục song ngữ quốc gia. Theo đó, Chính phủ khởi xướng Phong trào nói tiếng Anh tốt (SGEM – Speak Good English Movement) khuyến khích người Singapore nói đúng ngữ pháp tiếng Anh chuẩn trên toàn cầu; phát động Chiến dịch tiếng phổ thông Hán ngữ với mục tiêu đơn giản hóa môi trường ngôn ngữ, cải thiện giao tiếp giữa những người Singapore gốc Hoa từ các nhóm phương ngữ khác nhau; tháng ngôn ngữ Mã Lai được tổ chức liên tục nhằm khuyến khích cộng đồng Mã Lai nói tiếng mẹ đẻ của họ trong cuộc sống hàng ngày; Lễ hội ngôn ngữ Tamil cũng được tổ chức nhằm thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Tamil, khơi dậy niềm tin, sự tự hào trong cộng đồng người Singapore gốc Ấn Độ qua giao tiếng bằng tiếng Tamil.

Rõ ràng, việc Chính phủ Singapore công nhận bốn ngôn ngữ chính thức, phân loại các tiếng khác ngoài bốn ngôn ngữ trên là phương ngữ và có những thay đổi đối với ngôn ngữ dựa trên sự phân loại này đã khẳng định vị thế của các ngôn ngữ chính thức cao hơn so với các ngôn ngữ khác. 

Chủ động thực thi chính sách giáo dục song ngữ

Chính sách song ngữ được Chính phủ thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống giáo dục, từ đây gây ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng. Giáo dục song ngữ chính thức được thực hiện trong hệ thống trường học, bắt buộc trong các trường tiểu học từ năm 60 của thế kỷ XX và sau đó là trong trường trung học vào năm 1966. Theo chính sách song ngữ, học sinh trong các trường học tiếng địa phương phải học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, trong khi học sinh các trường học tiếng Anh bắt buộc phải học thêm ngôn ngữ khác. 

Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1990: Chính phủ đưa ra nhiều sáng kiến thực hiện chính sách song ngữ trong các trường học. Năm 1966, sử dụng các ngôn ngữ thứ hai trong một số môn học tại kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE), sau đó trong kỳ thi lấy chứng chỉ của trường Cambrige – môn thi điều kiện trước khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp giáo dục phổ thông (GCE) vào năm 1969. Để mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai tại trường học, nhiều môn học được dạy bằng các ngôn ngữ khác nhau kể từ nửa cuối những năm 60 của thế kỷ XX trở đi. Ví dụ, toán học và khoa học được giảng dạy bằng tiếng Anh tại các trường tiểu học dùng tiếng bản địa, trong khi môn công dân và lịch sử được giảng dạy bằng tiếng phổ thông Hán ngữ ở các trường dạy tiếng Anh. Chính phủ cũng thử nghiệm thời gian tiếp xúc ngôn ngữ (LET) – khoảng thời gian học sinh được tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai thông qua các bài học ngôn ngữ hoặc thông qua việc sử dụng nó làm phương tiện giảng dạy cho các chủ đề khác. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học song ngữ, ngôn ngữ thứ hai được tính trọng số gấp đôi trong PSLE năm 1973. 

Năm 1979, việc thành thạo ngôn ngữ thứ hai trở thành một yêu cầu khi nhập học dự bị đại học và việc thành thạo cả hai ngôn ngữ cũng trở thành một trong những tiêu chí cho việc nhập học vào đại học từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Trước tình trạng số lượng trường học bằng tiếng địa phương suy giảm nhanh chóng do các bậc cha mẹ tích cực hướng con cái đến với nền giáo dục tiếng Anh, năm 1979, Chính phủ có Chương trình hỗ trợ đặc biệt (SAP) cho 9 trường trung học bằng tiếng phổ thông Hán ngữ truyền thống nhằm bảo tồn văn hóa, giữ gìn lễ nghi xã hội, khuôn phép kỷ luật của các trường này và để phát triển chúng thành các trường thực hiện chính sách song ngữ hiệu quả. Ngoài ra, sau nhiều năm sụt giảm số lượng học sinh trong các trường học tiếng bản xứ, hệ thống giáo dục quốc gia được giới thiệu vào năm 1983 đòi hỏi tất cả các trường, ngoại trừ các trường của SAP, cung cấp tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ đầu tiên và tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ hai vào năm 1987.

Năm 1980, tiếng phổ thông Hán ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai bắt buộc đối với học sinh gốc Hoa ở các trường trung học tiếng Anh. Chính sách này sau đó được mở rộng sang các tiếng mẹ đẻ khác, bắt buộc học sinh người gốc Mã Lai và Ấn Độ phải học tiếng Mã Lai và Tamil. Tuy nhiên, học sinh gốc Ấn Độ được phép lựa chọn học ngôn ngữ Bengali, Gujarati, Hindi, Punjabi hoặc Urdu như là ngôn ngữ thứ hai kể từ những năm 90 của thế kỷ XX. 

Giai đoạn từ năm 1990 đến nay: Do nhu cầu sử dụng tiếng Anh ngày càng phổ biến ở Singapore, số lượng gia đình nói tiếng phổ thông Hán ngữ đã giảm một cách ổn định kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ trẻ em gốc Mã Lai, Ấn Độ sử dụng tiếng Anh ở nhà ngày càng tăng; xu hướng nhiều người Singapore nói tiếng Anh ở nhà dẫn đến mức độ khác nhau về trình độ tiếng mẹ đẻ của học sinh, các bài đánh giá chính về giảng dạy tiếng mẹ đẻ ở trường học vì thế được tiến hành từ năm 1990 để đáp ứng xu hướng này. 

Năm 1997, trước những khó khăn trong việc học tiếng mẹ đẻ của trẻ em gốc Hoa từ các gia đình nói tiếng Anh, Ủy ban Đánh giá phổ thông Hán ngữ được thành lập để nghiên cứu vấn đề. Ủy ban phát hiện ra rằng, chương trình trong sách giáo khoa quá khó đối với một số học sinh và đưa ra sự thay đổi như cung cấp chương trình học trình độ “B” tiếng phổ thông Hán ngữ giản thể vào năm 2001 được giảng dạy ở mức thấp hơn chính khóa giúp học sinh gặp khó khăn trong tiếng phổ thông Hán ngữ vẫn có thể có được ngôn ngữ ở trình độ thông thạo khẩu ngữ. Năm 1999, Ban chỉ đạo về ngôn ngữ Mã Lai và Tamil cũng được thành lập theo sau các bài đánh giá, giới thiệu chương trình học trình độ “B” cho ngôn ngữ Mã Lai và Tamil. Thêm vào đó, chương trình và cơ sở giảng dạy tiếng Mã Lai và Tamil cao cấp cũng được phát triển. 

Năm 2004, Bộ Giáo dục có một số thay đổi đối với chính sách tiếng mẹ đẻ, thông báo mở “Chương trình học song ngữ” dành cho thiểu số sinh viên Singapore gốc Hoa gặp vấn đề với cả tiếng Anh và tiếng phổ thông Hán ngữ ở trình độ bậc cao. Chính phủ cũng tuyên bố sẽ cân nhắc chương trình học bằng cả tiếng Tamil và tiếng Mã Lai để xem phương pháp áp dụng có giống với chương trình cho tiếng phổ thông Hán ngữ hay không. Chương trình giảng dạy này có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng của sinh viên và họ có thể tối đa hóa khả năng ngôn ngữ của mình. Việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ tiếp tục được sửa đổi vào năm 2012. Những thay đổi nhấn mạnh nhiều hơn vào kỹ năng giao tiếp và khả năng nói chuyện của học sinh trong các trường tiểu học, nhằm tăng cường khả năng kết nối của học sinh với di sản văn hóa và sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp.

Nhằm mục đích giảng dạy tiếng Anh chuẩn cho người Singapore, sau đó hướng tới việc trở thành trung tâm dạy tiếng Anh cho toàn châu Á, năm 2013, Học viện Anh ngữ Singapore được thành lập.

Cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra của Chính phủ 

Việc thể chế hóa, thúc đẩy tích cực vị thế một vài ngôn ngữ hơn các ngôn ngữ khác và sự thực thi chủ động những chính sách ngôn ngữ đã có tác động rõ rệt lên sinh thái học ngôn ngữ của Singapore. 

 Bảng so sánh việc sử dụng tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ ở Singapore qua các năm(3).

 Bảng so sánh việc sử dụng tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ ở Singapore qua các năm(3).

Bảng số liệu trên cho thấy, trong từng nhóm tộc người cũng có sự đa dạng về ngôn ngữ. Vấn đề đáng lưu ý ở đây là hiện tượng song ngữ. Tất cả các nhóm tộc người ngoài việc sử dụng tiếng mẹ đẻ ra còn sử dụng ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh. Tiếng Anh được phổ biến với số lượng người sử dụng tăng qua các năm. Trong khi đó, tiếng mẹ đẻ có sự biến động khác nhau giữa các nhóm. Ví dụ, nhóm tộc người gốc Hoa, số người sử dụng tiếng Anh tăng từ 10,2% năm 1980 lên 32,6% năm 2010. Số người sử dụng tiếng phổ thông Hán ngữ tăng từ 13,1% năm 1980 lên 47,7% năm 2010, trong khi số người sử dụng các phương ngữ Hán khác giảm đáng kể từ 76,2% xuống chỉ còn 19,2%. Như vậy, chính sách song ngữ được thực hiện làm giảm đáng kể số lượng người nói tiếng địa phương ở Singapore. Đồng thời, tiếng Anh được phát triển, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ ở Singapore.

Có thể nói, phân loại tộc người và việc thực thi chính sách ngôn ngữ dựa trên mô hình phân loại đó là hai yếu tố quyết định dẫn tới sự vượt trội của một vài ngôn ngữ, đặc biệt tác động vào sự phát triển của tiếng Anh. Thông qua hệ thống giáo dục, chính sách ngôn ngữ đem lại kết quả đáng khích lệ về nhiều mặt, cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra của Chính phủ. Nếu “tiếng mẹ đẻ” được xem như kho tàng bản sắc văn hóa địa phương, xác định bản sắc của quốc gia như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, thì tiếng Anh là “ngôn ngữ thương mại”, giúp Singapore hiện đại, năng động, duy trì ưu thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế ở khu vực và thế giới. Rõ ràng, với chính sách ngôn ngữ, đặc biệt là chính sách song ngữ, Chính phủ Singapore đã tối đa hóa giá trị ngôn ngữ, khiến ngôn ngữ thực sự trở thành nguồn lực có giá trị trong phát triển kinh tế và đa dạng văn hóa. 

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra áp lực buộc người dân phải hội nhập vào tiếng Anh và cái giá phải trả là sự suy vong tiếng mẹ đẻ của họ. Vì vậy, một mặt, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển nhiều hơn nữa những chính sách liên quan đến ngôn ngữ và tộc người, góp phần xây dựng xã hội Singapore giàu mạnh, đa văn hóa; mặt khác, việc kế hoạch hóa ngôn ngữ dài hạn phải rất nhạy cảm trong giải quyết các tình huống ngôn ngữ không an toàn nhằm bảo vệ tiếng phổ thông Hán ngữ, Mã Lai và Tamil, thậm chí là tiếng Hindi, Punjabi, Gujarati, Urdu cùng với tiếng Anh./.

—————————————

(1)Worldometer 2017, http://www.worldometers.info/world-population/singapore-population, truy cập ngày 04-2-2018
(2). Wee, L, “Burdens” and “handicaps” in Singapore’s language policy: On the limits of language management. Language Policy, (2010), p. 98.
(3). Lau, K. E. (1993), Singapore census of population 1990; Singapore: Department of Statistics (2005, 2011).

Thái Hải (SSDH) – Theo Tạp chí Cộng sản

Share.

Leave A Reply