Nhận diện cảm xúc, điều nào đang chi phối bạn

0

Sẵn sàng du học – “Muốn hình thành trí thông minh cảm xúc, trước nhất mình cần hiểu được những cảm xúc đang chi phối mình trong hiện tại.” Hiếu vừa đi vừa tự nhủ, nhưng làm thế nào, thì cậu chưa nghĩ ra.

– Hả, ai lấy mất quyển sách tớ để trong ngăn bàn rồi? Tiếng Ngân, cô bạn học cùng lớp Hiếu vang lên, khiến cậu phải rời mắt khỏi trang sách đang đọc và ngước nhìn lên. Chiều qua tớ để quên trong ngăn bàn, tớ hỏi cô lao công, cô bảo không thấy đâu. Có ai trong lớp nhìn thấy nó ở đâu không?

– Lại mất cắp nữa à? Bây giờ thì là ai đây? Cả lớp nhao nhao.

– Tao thấy dạo này cái Dương hay về muộn lắm, hình như nó cũng lảng vảng chỗ mày nữa đấy. Mày thử hỏi nó xem. Long – thằng nổi tiếng đưa chuyện trong lớp lên tiếng.

Hiếu giật mình, “Không đúng, cả tuần nay mình lúc nào chả gần Dương, làm gì có chuyện cậu ấy ăn cắp đồ người khác. Và cậu ấy cũng không phải người như vậy.”

Chẳng hiểu sao càng nghĩ, Hiếu càng cảm thấy khó chịu. Một mặt, cậu bực mình với thằng Long, không biết còn đổ tội người vô tội, mặt khác cậu cảm thấy hơi có phần lo sợ, e ngại vì nếu mọi người tra hỏi Dương, lộ ra chuyện cậu đang có “hẹn hò bí mật” với cậu ấy thì khốn. Càng nghĩ, cậu càng thấy hoảng.

Giữa lúc cảm xúc đang dâng trào và gây khó chịu trong cậu, cậu chợt nhớ đến cuốn sách về trí thông minh cảm xúc mà cậu vừa mới đọc. Giờ là lúc cần thực hiện rồi đây. Cậu liền thực hành theo các phương pháp:

Quan sát cảm xúc, chú ý đến những cơ chế khi cảm xúc xuất hiện

Bình thường khi những cảm xúc xuất hiện, cậu chẳng bao giờ có ý thức để ý đến nó. Hoặc cậu cảm thấy sợ phải đối mặt với chính cảm xúc của mình, nên cậu sẽ làm một điều gì đó và giả vờ nó không tồn tại. Điều đó làm cho cảm xúc của cậu luôn ở trong tình trạng bị nén vào trong.

Đó cũng là một trạng thái kiềm chế cảm xúc của mình. Kiềm chế không phải là cậu khống chế nó đâu (cậu đâu có ý thức được nó, cũng đâu có nhận thức rằng phải làm thế). Đơn giản chỉ là cậu không muốn người khác phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực của mình. Bởi cậu quen với việc là người “dĩ hòa vi quý,” luôn cố gắng lấy lòng mọi người.

Cậu nhớ đến một câu nói, của ai chẳng rõ: “Khi bạn che giấu cảm xúc của mình, nó càng thể hiện ra. Bạn càng phủ nhận cảm xúc của bạn, nó càng phát triển lên.” Cậu thấy đúng quá.

Giờ thì, Hiếu cố gắng nhận thức cảm xúc của mình bằng cách đặt ra một loạt các câu hỏi:

– Mình đang cảm thấy ra sao?

– Những cảm xúc gì đang nổi lên trong mình lúc này?

– Mình cần nhận thức thế nào cho phải?

– Mình cần làm gì để “lôi” được nó ra?

– Trạng thái hiện tại của mình có gì khác so với trạng thái cảm xúc chưa nổi lên?

Đó là những câu hỏi Hiếu phải hỏi bản thân thường xuyên, và sau đó cậu miêu tả những trạng thái cảm xúc đó ở mức độ chân thật và cụ thể nhất có thể. Chân thật nghĩa là cậu cố gắng không che giấu chúng nữa. Và cụ thể chính là cậu tránh việc nói chung chung, mơ hồ về những trạng thái cảm xúc đó, để việc phát hiện và tìm ra cũng mơ hồ luôn.

Thật ra, khi bị cảm xúc chi phối, sẽ là khá khó khăn để có thể tỉnh táo nhận thức một cách rõ ràng, minh bạch. Nên Hiếu giữ sự bình tĩnh và nhìn nhận các cảm xúc một cách thẳng thắn, cậu liền phát hiện được ra, đó là điều gì. Cậu có thể gọi tên những trạng thái cảm xúc đang nổi lên lúc này trong mình là sự tức giận, khó chịu, và lo lắng.

Phát hiện ra nguyên nhân gây nên những trạng thái cảm xúc đó

Nhìn ra những trạng thái cảm xúc chưa đủ, Hiếu cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc đó. Bởi cảm xúc xuất hiện luôn đi kèm với những nguyên nhân ở đằng sau nó.

Nguyên nhân có thể xác định như nào? Thông thường sẽ có hai nguồn nguyên nhân chính mà nếu bạn vận dụng, bạn có thể áp dụng đối với bất cứ điều gì. Đó là nguyên nhân dương và nguyên nhân âm, cũng có thể gọi là nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong. Dễ xác định hơn hẳn. Bạn có thể thắc mắc rằng, vậy nếu tìm ra “cả đống” nguyên nhân thì sao? Thế thì đơn giản chỉ là, bạn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính yếu cho mình. Phải vậy chứ?

Hiếu phát hiện ra, chính sự kiện châm ngòi là thằng Long đổ tội cho Dương, mới làm cậu cảm thấy tức giận đến thế, và nỗi tức giận của cậu còn do, có lẽ nó đã được tích lũy từ bên trong cậu từ rất lâu rồi, từ những khi cậu gặp chuyện gì đó, mà chưa thể tìm ra giải pháp thích hợp, cậu hay xuất ra những cảm xúc tức giận, khó chịu. Do đó, phải dẹp bỏ từ trong cậu trước.

Trước đó, cậu nghĩ rằng những trạng thái cảm xúc xuất hiện hoàn toàn do hoàn cảnh tạo nên. Tức là hoàn cảnh xảy ra chuyện mới khiến trong cậu “trồi lên” những trạng thái đó. Chẳng bao giờ có điều gì là ngẫu nhiên cả. Chính vì trong cậu đã tồn tại sẵn và tích lũy những cảm xúc đó, nên chỉ cần những sự kiện xảy ra, cảm xúc của cậu sẽ được dịp “nổi lên.”

Nếu cậu loại bỏ đi sự rụt rè e ngại của mình, và nghĩ rằng việc “hẹn hò bí mật” với Dương là chuyện bình thường, bạn bè gặp nhau, tâm sự nói chuyện thì cậu đã chẳng phải lo lắng kèm sợ hãi đến thế.

ssdh-cam-xuc-cung-luc-la-tri-khon

 

Biểu hiện, ảnh hưởng của nó thì sao

Cảm xúc xuất hiện thì luôn đi kèm với các trạng thái thân thể, nó khiến cho bất cứ ai đều cảm thấy khó chịu. Tại sao lại thế? Bởi lẽ, bạn hãy nhớ một điều rằng, cảm xúc, tâm lí và lí trí luôn đi cùng nhau. Nếu một trong “ba anh em nhà nó” gặp chuyện thì hai phần còn lại có vấn đề luôn.

Chẳng hạn bạn cảm thấy rất chán nản. Trạng thái cảm xúc chán nản này, khiến cho các bộ phận trên thân thể của bạn rã rời, bạn chẳng muốn vận động hay làm điều gì, trí óc bạn suy nghĩ cũng chẳng thể thông suốt.

Cậu quan sát hết những trạng thái xuất hiện trên thân thể đó, bụng cậu nóng ran, cả người bồn chồn, hơi thở gấp gáp và khó có thể nói được điều gì “nên hồn.” Ở trạng thái này, cậu lỡ miệng nói điều gì mà không suy nghĩ kỹ thì khốn

Đó cũng là những biểu hiện hay xuất hiện đối với thân thể cậu. Nó không đơn thuần chỉ là những biểu hiện thể hiện ra bên ngoài thân thể, mà những cảm xúc đó còn ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của người đó (chúng là một mà). Như có (nhiều) lần Hiếu vì lo sợ mà nói dối, giấu diếm hành động của mình, có những suy nghĩ linh tính, sau đó dằn vặt bản thân.

Cốt yếu ra, cũng chỉ là cậu chưa hiểu cảm xúc của mình và những ảnh hưởng của nó mà thôi. Phân tích ra, cậu mới hiểu rằng, những hành vi xấu, không đúng theo bản thân cậu, đó không phải bản chất của cậu, mà đó chỉ là do những cảm xúc mà cậu chưa hiểu rõ gây nên. Cậu không nhận thức rõ những điều mấu chốt đó, nó còn làm cậu khốn đốn nhiều lần.

Cậu cứ liên tục liên tục nhận thức như thế. Việc này khiến cậu cảm thấy bình tĩnh hơn, phần nào làm chủ những trạng thái cảm xúc bản thân, trên hết là làm chủ những suy nghĩ và hành động bản thân tốt hơn.

Chịu trách nhiệm cho những cảm xúc cá nhân

Thật ra, khi đã nhận ra những cảm xúc của mình, cùng ngọn nguồn và những ảnh hưởng, tác động của nó, người đó đã có thể tự chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của mình. Chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, nghĩa là thế nào?

Một người biết chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, người đấy sẽ không “đổ tội” cho người khác rằng người khác, nguyên nhân nào đó bên ngoài khác, mới chính là mấu chốt mang đến những trạng thái đau khổ dằn vặt của người đó.

Một người biết chịu trách nhiệm với cảm xúc của mình, họ sẽ biết rằng, những cảm xúc xuất phát từ chính họ, chứ không phải từ người khác. Nên họ cần nhận thức từ chính bản thân mình trước

Đồng thời họ cũng hiểu rằng, việc cần làm là phải chấm dứt ca thán, hay than phiền bản thân, và bắt tay vào nhận thức chỉnh sửa cảm xúc, dẫn dắt theo ý chí mình, để đến với những mục tiêu lớn

Một người biết chịu trách nhiệm, chẳng phải với cảm xúc mà với mọi điều thuộc về họ, họ đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường chinh phục bản thân và thế giới xung quanh

Nên là, có thể nói rằng, người biết chịu trách nhiệm, người đó có thể lớn khôn, trưởng thành.

Hít một hơi sâu, nói đâu trúng đó

Hiếu dần định lại bản thân. Cả lớp đang lao nhao thì Dương từ ngoài cửa bước vào. Tiếng xì xào càng ngày càng to. Ngân lao ngay ra cửa (chắc cô bạn sốt sắng với cuốn sách của mình lắm đây):

– Này Dương, cậu làm gì sau buổi học ngày hôm qua? Quyển sách của tớ trong ngăn bàn đã bị lấy mất. Cậu có…

Ngân chưa nói hết câu, Dương đã cục cằn lên tiếng:

– Đừng có ngáng đường tôi, tránh xa tôi ra, đồ bỉ ổi.

Mặt Ngân hết sức hoảng hốt vì bị… chửi bất ngờ.

“Dù sao cũng tại bạn mà, người ta có làm gì đâu mà cậu đổ lỗi cho họ.” Hiếu nghĩ thầm.

Tiếng xì xầm trong lớp lại càng vang lên to hơn. Hẳn nhiên, mọi người lại càng có cớ để đổ tội cho Dương nhiều hơn.

Hiếu hít một hơi sâu, lồng ngực câu căng tràn một luồng không khí mát lạnh. Cậu đứng lên dõng dạc:

– Này, đúng là có những lúc Dương khá kì cục, khó hiểu, nhưng bạn ấy không hề liên quan đến chuyện này. Các cậu cũng không có bằng chứng gì để kết tội bạn ấy như thế cả.

“Tuyên bố” xong, Hiếu chẳng hiểu sao cậu có dũng khí đứng lên dõng dạc, uy nghi như thế. Trong khi bình thường, đến nói chuyện với thằng bạn thân bên cạnh cậu còn ngại, huống hồ là nói với cả lớp, lại trước tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này. Thật ra thì, việc xác định vững chắc cảm xúc bản thân, cùng việc hít một hơi sâu đã tiếp thêm cho cậu động lực và sức mạnh để nói lên những điều đó.

Bạn thấy đấy, để nhận diện được “chu trình” cảm xúc của mình, cần phải trải qua ngần đấy bước. Trước tiên là nhìn thẳng mặt nó, xem đó là cảm xúc gì, như thế nào. Sau đó truy tìm về nguyên nhân, điều gì gây nên cảm xúc đó (nhớ nhé, hai nguồn nguyên nhân chính, Âm – Dương đấy). Xong rồi thì xem nó có ảnh hưởng gì đến biểu hiện thân thể, và những suy nghĩ của mình không, biểu hiện như thế nào. Sau ngần đấy bước, bạn hoàn toàn có thể nắm được những cảm xúc, đồng thời sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm cho nó được rồi.

Quay trở lại câu chuyện dang dở… Lúc này, mọi lời xì xầm, bàn tán của cả lớp không còn hướng vào Dương nữa, mà chuyển hẳn và hướng thẳng vào cả Dương lẫn Hiếu, chủ đề chính chẳng còn là vụ mất sách nữa, mà sang hẳn chuyện tình cảm giữa hai bên (âu cũng là tâm lí của tuổi mới lớn mà, một chút gì manh nha là mon men nghĩ ngay hai đứa thích nhau):

– Á, thằng Hiếu thích Dương chúng mày ơi

– Thật không Hiếu, bấy lâu nay tẩm ngẩm tầm ngầm mà kinh phết nhỉ

– Mày thích Dương thật à? Chúng mày cùng kỳ quặc, hợp nhau quá mà, haha

Hiếu cố lấy lại bình tĩnh, trấn an tình hình cả lớp:

– Tớ chỉ đang cố nhìn nhận khách quan mà thôi. Các cậu đừng nghĩ linh tinh.

Có vẻ dường như càng nói, tiếng cậu càng như chìm nghỉm. Bị động đến chuyện tình cảm, cậu nhanh chóng liếc mắt sang chỗ Hân – người cậu luôn trông chờ nhất, mong rằng nàng có phản ứng gì đó. Nhưng có vẻ như Hân cũng chẳng quan tâm và để mắt lắm đến câu chuyện của cậu làm Hiếu hết sức tiu nghỉu.

– Thôi các cậu muốn nghĩ gì thì nghĩ. Hiếu thầm thì và rồi lại vùi sâu vào quyển sách ưa thích.

Giờ ra chơi, cả lớp lại rộn rã chuyện cậu và Dương. Cậu tranh thủ cơ hội, chuồn ra khỏi lớp, lang thang ngoài hành lang trường học, đầu miên man nghĩ về những chuyện đã qua:

“Chết tiệt, sao tự dưng mình lại nói câu đấy nhỉ. Lẽ ra mình nên mặc kệ Dương, mặc kệ bọn họ thì hơn, tự dưng lại ‘mang vạ vào thân’ như thế. Động tí là gán với ghép, đó là lí do mình đã luôn im lặng.”

– Hiếu!

Tiếng gọi cất lên cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của Hiếu. Cậu vừa giật mình, vừa thót tim (hình như nhịp tim của cậu vừa trật một nhịp.) Sao thế? Cậu giật mình bởi có tiếng gọi, rõ rồi. Cậu trật tim bởi tiếng gọi đó không phải tiếng gọi bình thường của người bình thường, mà là từ giọng nói cậu trông đợi từ lâu, một giọng cậu luôn luôn ngóng trông và hướng tới. Bạn đoán ra là ai rồi chứ? Cậu vội vã quay đầu và hướng luôn cả người về nguồn phát ra giọng nói.

Gặp Hân, cậu đồng lúc gặp hai điều, cậu vừa thấy vui sướng, hạnh phúc, lại vừa cảm thấy lo sợ, hoài nghi. Bởi cuốn sổ nhật ký của Hân vẫn còn đang nằm ngoan ngoãn trong cặp cậu. Cậu vừa nói vừa run, càng run lại càng lắp bắp. Có lẽ lúc này cảm xúc cậu đã trở nên quá bất thường, quá đặc biệt khiến cậu quên xừ luôn những gì vừa làm để nhận thức về nó mất rồi. Mà những điều đó liệu còn có ý nghĩa với cậu lúc này, bởi trong cậu dù lo sợ vẫn luôn nhen nhóm việc muốn được nói chuyện với người đẹp.

– Ơ… Hân à? Có…chuyện…gì…thế cậu?

Từng lời nàng nói ra, cậu ghi tạc luôn trong lòng

– Sáng nay, lúc cậu bênh vực Dương, hóa ra, cậu là người như thế. Cậu tuyệt thật đấy Hiếu ạ.

Hiếu không tin vào những gì chính tai cậu đã nghe. Cô ấy vừa nói gì với mình, mình có nghe lầm không vậy, cô ấy nói mình thật tuyệt kìa. Trời ơi, nàng tiên của đời tôi, nữ thần của đời tôi vừa mới khen tôi xong đấy.

“Có lẽ, câu nói đấy của mình, cô ấy đã chú ý hơn mình tưởng. Nó bắt nguồn từ việc mình có thể nhận thức cảm xúc bản thân. Quyển sách đấy hay thật đấy, vừa mới áp dụng, đã thu được ‘lợi nhuận’ to đùng. Về phải nghiền ngẫm để thực hiện tiếp thôi.” Hiếu hồ hởi, vừa hy vọng, cùng khấp khởi mong chờ vào những điều tốt đẹp sắp diễn ra.

———————-

“Tôi viêt cuốn sách vì thấy người ta không biết trân trọng cảm xúc. Không trân trọng cái gì, sẽ để mất cái đó. Không trân trọng điều gì, sẽ không hiểu điều đó.

Tôi thấy người ta thích đề cao toan tính, mẹo thuật lắm! Thật lòng tôi thấy họ rất bất hạnh. Thật tâm, tôi thấy họ ngốc nghếch. Không ai ngốc nghếch hơn những người không hiểu được sức mạnh quá đỗi to lớn của CẢM XÚC.

Cuốn sách này chắc chắn dành tặng bạn. Vì trái tim bạn đập như trái tim tôi, và máu bạn cũng đỏ nữa. Vì tôi đã đi qua những thế giới của cảm xúc. Tôi biết quyền năng của nó. Hôm nay, bạn hãy bắt đầu hiểu chính mình đi!”

Cá Domino (SSDH) – Theo oopsy

Share.

Leave A Reply