Nhiều ngộ nhận về Đại học Harvard

0

SSDH – Harvard là đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và là niềm mơ ước của nhiều học sinh, sinh viên.

 

“Harvard được truyền tai là cấp học bổng hàng tỷ đồng, sinh viên ra trường dễ dàng tìm việc, bằng nào của trường cũng danh giá…, nhưng sự thật không như thế”, anh Nguyễn Phúc Anh, học tại Viện Harvard Yenching, chia sẻ.

 

Nhiều ngộ nhận về Đại học Harvard

Harvard là đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và là niềm mơ ước của nhiều học sinh, sinh viên.

 

Có lẽ Harvard là ngôi trường có nhiều thông tin thất thiệt nhất như: cấp những học bổng hàng tỷ đồng, sinh viên “siêu nhân”, những lịch học không tưởng, và đội ngũ giáo sư đầy nhiệt huyết giúp học trò vươn lên đỉnh cao tri thức chỉ trong một vài tháng đến 1-2 năm lưu học.

 

Những tháng ngày học tập và nghiên cứu của tôi ở Harvard tuy không dài (17 tháng), nhưng đủ để trải nghiệm và làm rõ một số ngộ nhận phổ biến hiện nay về đại học danh tiếng hàng đầu thế giới này.

 

Không có chuyện Harvard cấp học bổng tỷ đồng và mời sinh viên học

 

Harvard với tư cách trường thuộc Ivy League không cấp học bổng cho bất kỳ sinh viên nào vào học đại học (undergraduate). Tuy nhiên, nếu gia đình sinh viên có mức thu nhập dưới 65.000 đôla một năm thì trường sẽ hỗ trợ 100% chi phí học tập, ăn ở trong suốt thời gian học ở trường (financial aid). Hầu hết gia đình sinh viên Việt Nam thuộc diện “thu nhập thấp” nên đương nhiên các bạn sẽ được hỗ trợ tài chính của Harvard.

 

Không có chuyện đại học này cấp học bổng nhiều tỷ đồng hay “mời” các bạn vào học vì năng lực của các bạn nổi trội hơn những sinh viên khác ở Harvard. Các bạn phải xin, phải cạnh tranh, đấu đá để “được” Harvard chọn. Khi được chọn, bạn có muốn học ở Harvard hay không, trường cũng chả quan tâm, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Tờ giấy báo trúng tuyển rất khác một lá thư mời với rất nhiều đài thọ như hình dung của nhiều người.

 

Sinh viên Harvard ra trường không dễ dàng tìm được việc làm như ý

 

Tấm bằng từ Harvard rất danh giá. Điều đó hoàn toàn đúng về giá trị học thuật. Tuy nhiên có một thực tế là gần đây việc có một tấm bằng đẳng cấp không đảm bảo có một năng lực đẳng cấp để tìm kiếm được vị thế xứng đáng trong xã hội. Việc học ở Đại học Harvard cũng không đảm bảo sẽ có một công việc đúng chuyên môn sau khi ra trường.

 

Xu hướng thực dụng của thị trường lao động và quá trình toàn cầu hóa cơ hội việc làm ở Mỹ, khiến cho giá trị của một số ngành học ở Harvard bị suy giảm. Sinh viên những ngành này ra trường thất nghiệp hoặc buộc phải làm những công việc không đúng với chuyên môn. Có người đã phải làm trong Starbucks ở Quảng trường Harvard cả năm trời để trang trải sinh hoạt phí đắt đỏ, trong khi chờ tìm công việc phù hợp. Rất nhiều sinh viên Harvard không tìm được việc ở Mỹ, phải dạt sang các nước khác hoặc đi sang châu Á tiếp tục tìm kiếm cơ hội học tập, nghiên cứu cũng như để mưu sinh.

 

Theo dõi và nói chuyện với những cựu sinh viên trên mạng lưới của Harvard, tôi nhận thấy nhiều cựu sinh viên trường này sau khi tốt nghiệp, tìm cách sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc làm giáo viên dạy tiếng Anh và tìm cách xây dựng sự nghiệp sau một thời gian dài tìm và thử việc ở Mỹ không thành công.

 

Sinh viên Harvard không tự tử vì áp lực học tập

 

Sức khỏe tâm thần của sinh viên là vấn đề nhức nhối nhiều năm, gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ cộng đồng Harvard. Harvard Crimson, tờ nhật báo đại học của Harvard đã điều tra về những vụ tự tử diễn ra ở Harvard từ 2007 đến 2012.

 

Họ nhận ra tỷ lệ sinh viên chính quy của trường tự tử đặc biệt cao. Cứ 100.000 sinh viên Harvard thì có khoảng 24 người tự sát. Nhiều người nghĩ rằng áp lực học tập và bài vở là nguyên nhân chính. Nhưng thực tế không đơn giản vậy.

 

Phỏng vấn những sinh viên Harvard từng có ý định tự sát hoặc tự sát hụt, người ta nhận ra, áp lực về thành công là nguyên nhân số một dẫn đến hành vi tự tử.

 

Lặp đi lặp lại trong câu chuyện của các sinh viên này là những ám ảnh về việc họ phải làm như thế nào để không thất bại, rằng họ phải thành công, phải thành lãnh đạo, phải kiếm được một số tiền xứng đáng với vị thế Harvard của mình.

 

Hỏi chuyện nhiều bạn bè đang học ở Harvard, tôi mơ hồ cảm nhận, môi trường học đường ở Harvard hết sức có vấn đề. Harvard dường như không có chỗ cho kẻ yếu, không có chỗ cho kẻ thất bại, và nó dành một góc cô lập con con dành cho những kẻ nổi loạn tài năng.

 

Còn lại khắp nơi đều là khuôn mặt chiến thắng. Mọi sinh viên ở Harvard, dù thông minh hay không thông minh, dù xuất thân từ bất kỳ hoàn cảnh nào, đều cần và phải khoác lên mình một chiếc mặt nạ, hành xử như một sinh viên thành công, như những nhà lãnh đạo không khiếm khuyết hay những vĩ nhân thay đổi, cứu thế giới.

 

Với những sinh viên của Harvard, trước khi đến đây học, họ là “một ai đó”, “một con cá lớn trong cái bể con con”. Sau khi đến Harvard, họ cảm thấy “mình chẳng là ai cả”, thành công của mình cũng chẳng có gì nổi bật hơn so với những người xung quanh.

 

Áp lực phải thành công, phải thành “xịn nhất” không dễ dàng gì vượt qua với nhiều sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, gây ra chứng trầm cảm và tệ nhất là thúc đẩy hành vi tự sát.

 

Bằng cử nhân, thạc sĩ của Harvard mở rộng không tương đương bằng chính quy

 

Không chỉ là đại học hàng đầu, Harvard còn là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ bằng chất lượng đào tạo và cả danh tiếng. Họ mở nhiều chương trình đào tạo như: trường Harvard mở rộng, trường mùa hè, chương trình trao đổi sinh viên, chương trình sinh viên đặc biệt.

 

Những chương trình này cũng cấp văn bằng chứng chỉ nhưng không có giá trị tương đương như những chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chính thống của Harvard.

 

Đơn cử văn bằng của Trường Harvard mở rộng (Harvard Extension School). Một ứng viên tốt nghiệp đại học Việt Nam với học lực trung bình, thậm chí trung bình yếu, nếu vượt qua một số vòng xét duyệt hồ sơ dễ dàng với những điều kiện tối thiểu, chấp nhận bỏ ra rất nhiều tiền để tham dự trường Harvard mở rộng, sẽ được nhận vào học.

 

Hầu như chẳng ai xin vào Trường Harvard mở rộng mà bị từ chối cả. Hình thức học của trường này là học trực tuyến qua Internet kết hợp với học tại các cơ sở của Trường Harvard mở rộng. Suốt khóa, học viên thường học 3 đến 4 môn.

 

Sau thời gian ngắn học tập, nếu điểm trung bình các môn học không quá thấp, họ được tốt nghiệp và nhận bằng “cử nhân” (A.L.B), “thạc sĩ” (A.L.M) của trường.

 

Dĩ nhiên, học viên tốt nghiệp từ Trường Harvard mở rộng không thể và cũng không nên “liều mạng” nhận mình là cử nhân và thạc sĩ Harvard như những bạn được đào tạo ở chương trình giáo dục chính thống khác của Harvard. Một số bạn ở Việt Nam nên chừng mực hơn khi nhận mình là cử nhân, thạc sĩ của Harvard.

 

Harvard không phải thiên đường cho người lao động

 

Hình ảnh những người làm việc cho Harvard đầy chuyên nghiệp, được trả lương cao, đãi ngộ tốt, xứng đáng với danh tiếng của một đại học giàu nhất thế giới không phải lúc nào cũng đúng.

 

Cách đây mấy tuần, một vụ đình công của nhân viên làm việc ở nhà ăn của Harvard (vụ Local 26) khiến dư luận Mỹ băn khoăn tại sao một đại học giàu có bậc nhất thế giới lại có chế độ đãi ngộ nghèo nàn và bỏ mặc người lao động đến như vậy.

 

Việc Harvard sa thải tiến sĩ Kimberly Theidon, khoa Nhân loại học vì đã đứng lên bảo vệ nạn nhân bị tấn công tình dục trong trường (năm 2014) cũng cho thấy nhiều khía cạnh không thực sự minh bạch của nhà trường.

 

Theo nhật báo Harvard Crimson và nhiều chia sẻ của giảng viên, nghiên cứu viên đã và đang làm việc tại Harvard cho thấy, họ bị trầm cảm hoặc từng trải qua những dấu hiệu tiêu cực về tâm lý. Đây là hậu quả của môi trường làm việc áp lực cao, cạnh tranh gay gắt của Harvard.

 

Áp lực giảng dạy, nghiên cứu và công bố, áp lực tìm kiếm nguồn tài trợ cho nghiên cứu, thậm chí áp lực tài chính để chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ của thành phố Cambridge đè nặng lên vai nhiều giảng viên, nghiên cứu viên sau tiến sĩ của đại học hàng đầu thế giới này.

 

Gần đây, xu hướng của nhiều đại học Mỹ nói chung và Harvard nói riêng, nghiêng về mở rộng và thuê thêm những vị trí “ngoài biên chế” thay vì mở rộng “biên chế” khiến áp lực lên những giảng viên trẻ hoặc nghiên cứu viên sau tiến sĩ càng trở nên nặng nề.

 

Nhờ tài trợ hào phóng của Viện Harvard Yenching, tôi có cơ hội được học và nghiên cứu ở Harvard trong một thời gian không dài, nhưng vừa đủ để học được nhiều điều, bớt đi được nhiều ngộ nhận. Một điều mà tôi học được và sẽ mãi tâm niệm là “Harvard thật đẹp, nhưng không đẹp như mơ”.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply