Những điều tôi yêu từ các giáo viên nước ngoài

0

SSDH – Họ vẫn giữ đúng vai trò của một người thầy, nhưng là những người thầy không khiến sinh viên e ngại khi lại gần.

 giáo%20viên%20nước%20ngoài.jpg

 

Quan tâm đến chuyện đọc của sinh viên

 

Vì là sinh viên ngành Truyền thông (thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội) nên các thầy cô của tôi rất coi trọng việc đọc sách tham khảo. Đầu năm học, bọn tôi luôn được giới thiệu một loạt sách cần đọc cho học kì đó. Hỏi bạn bè học các ngành Kinh tế, Khoa học, câu trả lời cũng y hệt. Xét cho cùng, môn học nào sinh viên cũng được khuyến khích đọc thêm, thêm nữa vì những bài giảng ở lớp là chưa thấm vào đâu so với yêu cầu của giáo viên (mà chính xác là yêu cầu của các bài thi).

 

Đúng vậy, học ở nước ngoài, đôi khi bạn còn không được giới hạn các chương cần đọc trong một quyển sách. Thành ra, đã được giới thiệu quyển nào thì tốt nhất là đọc cho hết quyển ấy đề còn làm bài thi cho tốt.

 

Tôi ấn tượng nhất là thầy Luật. Chữ đọc đối với thầy là không có phạm vi nhà trường hay xã hội, cần cho bài thi hay cho chính bản thân sinh viên. Bao giờ thầy cũng hỏi “các em đã đọc báo sáng nay chưa”, dù tiết học của thầy là tiết đầu tiên trong ngày và sinh viên bên dưới đa số còn đang ngái ngủ. Lúc nào thầy cũng “lượm” ra được những thông tin thời sự sốt dẻo nhất, có liên quan nhất để đưa vào bài giảng, làm cho các tiết học thu hút đến nỗi thầy không thèm điểm danh vắng mặt mà bao giờ lớp cũng đông đủ!

 

Chưa hết, thầy còn kêu gọi sinh viên đăng ký nhận newsletter của các chuyên trang về Luật, cho phép tụi tôi cập nhật những vụ kiện có dính dáng tới chuyên ngành. Những quyển sách đang “hot” trên thị trường tất nhiên cũng là đề tài được thầy đem ra bàn luận sôi nổi vào cuối các tiết học.

 

Lí giải cho thói quen nghiện đọc này, thầy bảo, điều làm nên sự khác biệt giữa con người với nhau nằm ở lượng kiến thức thường thức. Theo thầy: “chỉ cần các em dành 5 phút mỗi ngày để đọc các tít chính trên các trang mạng online, phông văn hóa xã hội của các em sẽ được nhân lên, và đây cũng chính là yếu tố mà nhiều nhà tuyển dụng quan tâm trong thời đại này”.

 

Không tiếc lời khen

 

Học ở môi trường nước ngoài, tôi chưa bao giờ phải xấu hổ khi bị đánh giá thấp quan điểm của mình. Thầy cô và bạn bè luôn luôn lắng nghe ý kiến của tôi. Cái hay nhất mà tôi trân trọng ở các thầy cô nữa là họ đã luôn quan tâm đến tôi, khi đó là sinh viên nước ngoài duy nhất của cả lớp và là một trong số ít những sinh viên nước quốc tế ở trường. Hầu hết các thầy cô đều hào phóng lời động viên dành cho tôi.

 

Trở về sau những tháng ngày du học, bên cạnh những tấm bằng, tôi còn giữ lại cả những bài kiểm tra còn lưu giữ lời khen ngợi của giáo viên, chẳng hạn như “tiếng Pháp của em đã tốt lên”, “cố gắng lên Trang”…

 

Học kì I năm đầu tiên du học, tôi không qua. Cùng với một vài sinh viên bản địa rơi vào thế trượt, tôi đã rất lo lắng khi bị triệu tập lên phòng của thầy trưởng khoa. Thực tế, thầy đã không hề mắng mỏ mà còn… khen ngợi những môn tôi đạt điểm tốt! Thầy nói: “Em thấy chưa Trang, em phải tự hào là điểm các môn Ngôn ngữ và Diễn đạt của em rất tốt. Chỉ cần ráng một xíu nữa thôi, chỉ cần sang học kì II em học tốt những môn kia như những môn sở trường thì thầy tin chắc là em sẽ qua!”

 

Hôm đó, trên đường trở về nhà, chưa bao giờ quyết tâm học tập của tôi lại ngùn ngụt như thế. Một cảm giác chưa từng trải qua trong suốt 12 năm học trước đó!

 

Luôn sẵn sàng chia sẻ “chuyện đời tôi”

 

Sự gần gũi của giáo viên nước ngoài với sinh viên là điều có thật. Họ có thể bận rộn đến mức không có thời gian trò chuyện với bạn quá lâu sau giờ học hoặc “giữ kẽ” đến mức không bao giờ cho bạn biết số điện thoại di động, nhưng họ lại chẳng ngại chia sẻ những câu “chuyện đời tôi” có ích (hoặc không) cho bài học. Từ người vợ của thầy là người Nhật, đến con chó của thầy tên là gì, nền tảng học vấn như thế nào, đến chuyện họ cũng vất vả ra sao trong quá trình xin việc làm… cũng có thể là những thông tin sẽ xuất hiện trong bài giảng.

 

Đôi khi trong không khí nghiêm túc của một tiết học mà chỉ cần một lời nhận xét hóm hỉnh thôi cũng đủ để cả lớp thả lỏng hơn nhiều. Giáo viên môn Kinh tế học đã khiến bao nhiêu “ác cảm” của chúng tôi bay biến khi tiết lộ rằng: “Bài kiểm tra của mấy em cũng di du lịch cùng tôi trong kì nghỉ vừa rồi đấy! Tôi đã chấm bài trên chuyến bay về Nga thăm mẹ già của tôi, vì tôi chẳng muốn bà ấy ăn Giáng sinh một mình, và cũng chẳng muốn bị các em tru tréo đòi bài khi đi dạy lại”.

 

Thế đấy, thầy cô nước ngoài vẫn làm đúng trách nhiệm của một người truyền dạy kiến thức nhưng cái cách thực hiện công việc ấy thật dễ đi vào lòng sinh viên, khiến bọn tôi muốn học hơn nhiều!

 

Nguồn: Báo mới

Share.

Leave A Reply