Những hứa hẹn từ nước Pháp

0

SSDH – Đất nước của kinh đô ánh sáng hiện nay thu hút khoảng 6.000 du học sinh Việt Nam do chất lượng giáo dục cao, mở cửa với sinh viên quốc tế, nhiều cơ hội học bổng và làm việc sau tốt nghiệp.

 1.jpg

 

Không phải ngẫu nhiên mà số du học sinh Việt Nam tại Pháp tăng mạnh như hiện nay. Mỗi năm Pháp tiếp nhận gần 1.500 sinh viên Việt Nam, số lượng này tăng liên tục và không dưới 150 hợp tác được ký kết giữa các trường đại học Pháp và Việt Nam.

 

Chất lượng giáo dục Pháp được đánh giá cao trên thế giới với nhiều ngành mũi nhọn như kiến trúc, mỹ thuật, thời trang, kinh tế, khoa học cơ bản…

 

Đặc biệt việc chi trả cho thời gian học tập ở Pháp khá đa dạng và không quá đắt đỏ so với một số quốc gia Âu – Mỹ khác. Mức học phí đại học tại Pháp rất rẻ, vào khoảng 174 euro một năm cho bậc đại học, 237 euro cho bậc thạc sĩ và 359 euro cho bậc tiến sĩ.

 

Mức học phí này áp dụng chung cho cả sinh viên Pháp và nước ngoài. Ngoài ra, những sinh viên được học bổng của Chính phủ Pháp còn được miễn học phí.

 

Ông Francosi Marc, quản lý trung tâm đào tạo Pháp – Việt cho biết: “Hằng năm có hơn 20.000 suất học bổng học và thực tập tại Pháp được cấp cho sinh viên và các bạn trẻ nước ngoài mới đi làm”.

 

Các học bổng khá dồi dào như: học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp, học bổng tài năng Eiffel trình độ thạc sĩ khá tiếng tăm, học bổng tiến sĩ Erasmus-Dem, học bổng Bộ giáo dục – Đào tạo Việt Nam…

 

Lâm Thanh Phong, du học ngành cầu đường tại Đại học Ecole Nationale des Ponts et Chausesees (ENPC), vốn được đánh giá là trường đào tạo kỹ sư cầu đường tốt nhất Pháp, cho biết: “Nếu quan tâm và đầu tư ngay từ đầu thì việc xin được học bổng du học Pháp là nằm trong tầm tay”.

 

Điểm cộng khác là mạng lưới sinh viên ở Pháp vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú gắn kết các thế hệ du học sinh và hỗ trợ tân sinh viên làm quen cuộc sống mới.

 

Lời khuyên từ rất nhiều cựu sinh viên là dù đến Pháp theo diện du học tự túc hay học bổng thì việc xúc tiến tìm nhà trọ càng sớm càng tốt. “An cư” mới “lạc nghiệp”, ngay khi có giấy báo nhập học của trường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên để làm thủ tục.

 

Ngoài ra, cộng đồng sinh viên Việt Nam thường trao đổi thông tin về nhà ở để giúp đỡ nhau, đặc biệt vào cuối năm học, khoảng tháng 5 thì dễ dàng tìm nhà trọ do các bạn sinh viên Việt Nam học xong chuyển thành phố hoặc vê nước. Việc thuê nhà trọ, bạn cần kĩ lưỡng và có hợp đồng chi tiết để tránh gặp rắc rối về sau.

 

Ở Pháp, với thẻ sinh viên, có thể làm việc mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ lao động không quá 964 giờ trong một năm. Các công việc phổ biến bao gồm trông trẻ, làm nhà hàng, thu ngân ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà…

 

Thu nhập từ công việc làm thêm sẽ giúp trang trải đáng kể chi phí sinh hoạt, giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, thuận lợi để tìm kiếm công việc sau tốt nghiệp bởi yếu tố độc lập, trưởng thành ở phương Tây luôn được đánh giá cao.

 

Yếu tố bảo hiểm cần được lưu tâm. ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc, du học sinh nên mua thêm bảo hiểm bổ sung, chỉ cần chi thêm một khoản nhỏ nhưng được lợi rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

 

Kỳ thực tập bắt buộc có thể bắt đầu ngay từ năm 1, thường kéo dài 1 đến 3 tháng, và kỳ thực tập năm cuối dài hơn, thường 4 – 9 tháng. Do đó du học sinh cần chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm. Một lưu ý nữa là nếu đăng kí khóa thực tập càng dài thì càng dễ bởi điều này mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn.

 

Tại Pháp, bạn có thể theo học các chương trình về tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, do đó yêu cầu biết tiếng Pháp trước khi du học không phải bắt buộc. Tuy vậy, nếu chịu khó đầu tư vốn tiếng Pháp “vừa đủ xài” bạn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ hay xin học bổng cũng như việc sinh sống, học tập sau này.

 

Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi, các cuộc thi thú vị ở các chi hội sinh viên Việt Nam ở các thành phố diễn ra quanh năm là một điểm nhấn đáng yêu của cộng đồng du học sinh nơi xứ người.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Doanh nhân Sài Gòn

 

 

Share.

Leave A Reply