Những món tráng miệng nổi tiếng nhất tại xứ sở bạch dương (Phần 2)

0

Sẵn sàng du học – Đất nước Nga xinh đẹp không chỉ có mỗi súp củ cải đỏ hay bánh mì lúa mạch đen mà còn có nhiều món tráng miệng hết sức xinh đẹp và ngọt ngào.

Với địa thế trải dài, nước Nga có cảnh sắc đa dạng, hấp dẫn và đan xen giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Bên cạnh những cánh rừng hùng vĩ, kiến trúc cổ kính và dòng sông Volga hiền hòa, ẩm thực Nga cũng rất hấp dẫn với nhiều món ăn nổi tiếng như súp củ cải đỏ, súp lạnh, salad Nga…

Món tráng miệng đóng một vai trò lớn trong sự hình thành nên nền ẩm thực đặc sắc của nước Nga. Trái với vẻ ngoài tưởng như cục mịch, tính cách người Nga rất ôn hòa, thân thiện và ngọt ngào như những món tráng miệng này. Người dân Nga đặc biệt yêu thích những món ngọt mềm, nhiều mật ong và chocolate.

Dưới đây là những món tráng miệng đặc sắc bậc nhất của nền ẩm thực Nga mà bạn không nên bỏ qua nếu có cơ hội đến với quốc gia xinh đẹp này.

Xem phần 1 tại đây!

Bánh gối Nga

Bánh gối là món tương đối phổ biến tại Nga, tuy nhiên khác với bánh tại Việt Nam, người Nga thường hay luộc chứ không rán bánh. Bánh gối có thể là loại ngọt và mặn, tùy thuộc vào phần nhân bên trong. Người Nga có thể làm bánh gối nhân thịt, nhân bắp cải, cà rốt phiên bản ăn chay và nhân ngọt để sử dụng làm món tráng miệng.

ssdh-banh-goi-nuoc-nga

 

Trong số các loại bánh gối ngọt để tráng miệng thì nhân anh đào là loại phổ biến nhất tại Nga. Những trái anh đào tươi được bọc trong lớp bột bánh gối, sau khi luộc chín, để nguội sẽ được ăn kèm chút kem chua và đường bột.

Medovik

Medovik là loại bánh ngọt mật ong có 8 lớp rất được ưa chuộng tại xứ sở bạch dương. Cốt bánh bông lan bình thường được thêm mật ong khiến bánh trở nên ẩm mượt và ngọt ngào hơn. Một chiếc bánh Medovik được coi là hoàn hảo nếu có đúng 8 lớp bánh và kem xen lẫn ở giữa.

ssdh-medovik

 

Giữa 8 lớp bánh của Medovik có thể là bất kỳ loại kem nào mà bạn yêu thích, từ sữa đặc, kem bơ cho đến kem chua, kem sữa trứng… Những phần bánh thừa sẽ được nghiền vụn và được sử dụng để phủ lên chiếc bánh. Theo truyền thuyết, đến ngay cả người vợ khó tính, kiêu kỳ của Sa hoàng Alexander cũng phải chết mê, chết mệt chiếc bánh này.

Bánh quy Vatrushka

Chiếc bánh quy nhân mứt này đã có mặt trên đất nước Nga từ hàng ngàn năm nay. Ngày xưa, chúng là món ăn dành riêng cho vua chúa, quý tộc, ngày nay Vatrushka là món ăn vặt bình dân, dành cho mọi tầng lớp.

ssdh-vatrushka

 

Vatrushka thực chất cũng giống như những loại bánh quy bơ khác, nhưng sau khi được nặn tròn, người thợ làm bánh sẽ dùng ngón tay ấn lõm một lỗ trên bề mặt của bánh rồi mới đem đi nướng. Sau khi được nướng và để nguội xong, mứt hoa quả hoặc phô mai sẽ được thêm vào chính chỗ lõm trên bề mặt bánh. Đơn giản là vậy thôi, nhưng vị giòn giòn của bánh quy và chua ngọt từ mứt quả sẽ rất dễ khiến bạn "ăn nữa, ăn mãi".

Táo nướng Nga

Hầu hết mọi vùng trên nước Nga đều rất lạnh, và vì mùa hè ngắn ngủi nên trái cây rất khan hiếm. Táo ở Nga có xu hướng chua, nhưng đầu bếp tại nơi đây đã tìm ra cách để khiến chúng trở nên ngọt ngào hơn.

ssdh-tao-nuong

 

Đầu tiên, táo sẽ được khoét lõi ra, rồi được ngâm vào siro ngọt. Phần táo khoét ra sẽ được ướp với đường, quế, nước chanh, chút rượu rum, trộn thêm các loại hạt và nhồi trở lại vào quả táo đã ngâm siro và cuối cùng chúng sẽ được nướng lên.

Pryanik

Công thức cổ xưa nhất của bánh gừng Pryanik đã có mặt tại đất nước Nga từ tận thế kỷ IX. Vào thời điểm đó, bánh gừng được làm từ bột lúa mạch đen trộn với mật ong và nước quả mọng. Khi gia vị Ấn Độ và Trung Đông trở nên phổ biến hơn ở Nga, công thức bánh đã được thêm vào quế, gừng, bạch đậu khấu và nhiều loại gia vị khác, khiến chúng mang tên "bánh gừng" hay "bánh mì cay".

ssdh-pryanik

Cái tên Pryanik của bánh xuất phát từ một từ cổ trong tiếng Nga là "pryanost", có nghĩa là "gia vị". Ngày nay, bên trong bánh còn có cả nhân mứt quả hoặc mứt sữa kiểu Nga. Thành phố Tula tại Nga nổi tiếng về món bánh gừng và ở đây có cả một bảo tàng chuyên trưng bày và giới thiệu lịch sử ra đời của món bánh này.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply