Những phương án du học tiết kiệm bậc Cử nhân

0

SSDH – Nếu không phải là sinh viên đi học theo diện học bổng, bạn có thể tham khảo những phương án dưới đây để tiết kiệm chi phí hết mức có thể (mà vẫn hiện thực hóa được ước mơ đi học nước ngoài).

 2.jpg

 

Học liên thông

 

Ngay cả đối với sinh viên bản địa, việc học liên thông cũng là một lựa chọn phổ biến. Sau quá trình học đại cương hai năm đầu tiên, sinh viên có thể đi làm/đi thực tập ở môi trường thực tế để lấy kinh nghiệm và sử dụng khoản tiền lương kiếm được trong thời gian đó để chi trả cho những năm còn lại.

 

Ở Mỹ, các chương trình Cao đẳng Cộng đồng kéo dài 2 năm chỉ tốn khoảng 6.000 USD/học phí (trong khi học phí chương trình Đại học đã là 20.000 – 30.000 USD).

 

Nếu chọn du học Úc, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về chương trình Cao đẳng nghề TAFE (TAFE là gì?) cho phép học lên Đại học. Nhiều sinh viên chọn chương trình này vì họ sẽ có nhiều cơ hội làm bài tập thực hành, cọ xát thực tế hơn là học lí thuyết ở hội trường. Tương đương với chương trình Cao đẳng nghề này tại Pháp là chương trình DUT của các Viện Đại học Công nghệ trải dài qua các ngành: Hóa, Cơ khí, Quản trị doanh nghiệp, Truyền thông…

 

Học chương trình cấp tốc

 

Cũng tại Úc, một số trường có chương trình cử nhân cấp tốc kéo dài 2 năm giúp bạn tiết kiệm học phí cũng như phí sinh họat.

 

Ở Anh, trường Kaplan Holborn College có ba chương trình cấp bằng Cử nhân trong 2 năm: Kế toán – Tài chính, Quản lí – Thương mại và Luật Thương mại giúp sinh viên giảm được thời gian học tập mà vẫn không bị ảnh hưởng bởi chất lượng kiến thức yêu cầu. Cũng tại Anh, The University of Buckingham là trường đầu tiên chuyển nội dung chương trình Cử nhân 3 năm sang thời gian 2 năm để tiết kiệm học phí và thời gian cho sinh viên.

 

Đi theo chương trình liên kết

 

Ở Việt Nam hiện có nhiều chương trình trao đổi, liên kết của các trường Đại học trong nước với đối tác nước ngoài, cho phép sinh viên theo học 1 tới 2 năm ở quốc gia đó trong khuôn khổ chương trình 4 năm Đại học.

 

Kim Hương (khoa tiếng Hàn, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) hiện là một trong 4 sinh viên được tham gia chương trình trao đổi tại trường Đại học MyongJi Hàn Quốc. Theo chương trình liên kết giữa hai trường, những sinh viên được chọn sẽ được theo học một năm (từ học kì cuối của năm thứ 4) tại trường đối tác. Sau khi trở về từ Hàn quốc, họ vẫn sẽ tiếp tục học tiếp học kì cuối ở Việt Nam để hoàn thành chương trình cấp bằng Cử nhân của Đại học ngoại ngữ, kèm chứng chỉ của Đại học MyongJi. Những sinh viên này được tham gia chương trình với 0 đồng học phí vì đã được chính phủ Hàn quốc tài trợ.

 

Rachel Helen, du học sinh ngành Thương mại quốc tế (International Business) tại University of Illinois chia sẻ: “Ban đầu mình học ngành này tại khoa quốc tế, Đại học quốc gia Hà Nội. Sau một năm, dựa vào điểm và kết quả IELTS cho phép, mình đã chuyển tiếp vào trường Illinois. Thật ra trường Illinois không nằm trong hệ thống các trường có liên kết với Đại học quốc gia nên mình đã phải tự đăng ký. Những sinh viên có nhu cầu chuyển tiếp với các trường liên kết như Keuka College của Mỹ, Curtin University của Úc… thì cũng rất khả thi, chủ yếu là trường đăng ký có nhận mình hay không. Tuy nhiên, những năm học liên kết tất nhiên bạn sẽ phải nộp học phí tương đương như sinh viên quốc tế”.

 

Rachel chia sẻ thêm, các chương trình liên kết có thể thực hiện theo phương án 3+1 hoặc 2+2 tương đương với 1 hoặc 2 năm học ở nước ngoài. Với phương án này, bạn vẫn có cơ hội du học tại môi trường nước ngoài nhưng rút ngắn được một nửa học phí và chi phí sinh hoạt cho và bằng cấp cũng sẽ do nước ngoài cấp. Đối với trường hợp của Rachel, vì quyết định đi học ngay năm thứ 1 Đại học và chọn một trường không có trong danh sách trường liên kết nên đã không còn là sinh viên diện liên kết nữa. Tuy thế, trường Illinois đã đồng ý thông qua một số môn học mà Rachel đã học ở Việt Nam nên năm học này, cô bạn có nhiều thời gian rảnh để làm quen với môi trường học mới. Những bạn học xong năm một và chuyển tiếp từ năm thứ 2 như Rachel có thể sử dụng khoảng thời gian này để tính chuyện đi làm thêm để giảm bớt chi phí cho những năm sau.

 

Chọn những trường “vừa tầm”

 

Thông thường, những trường Đại học “tai to mặt lớn”, đặc biệt là những trường tư thục, thường có học phí cao vì dựa nhiều vào thương hiệu và bề dày uy tín của trường.

 

Vì thế, bạn nên xác định tư tưởng là học những trường càng danh tiếng thì mức học phí phải trả cũng rất cao.

 

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chất lượng giảng dạy ở những trường “rẻ tiền” không tốt. Nên nhớ là ở nước ngoài có những cơ quan giáo dục chuyên trách về vấn đề chất lượng đào tạo, nhằm tạo ra một mức chuẩn riêng mà bất cứ trường nào cũng phải đáp ứng. Ngoài ra, yếu tố chất lượng còn phụ thuộc vào chuyên ngành mà bạn chọn lựa bởi vì có những trường nhỏ nhưng lại nổi tiếng về một ngành học nhất định nào đó.

 

Bạn có thể vào trang web của trường cùng các kênh thông tin khác nhau để “cân đo đong đếm” tổng chi phí phải trả cho một năm học tại đây. Trên CNN cũng có một công cụ trong mục Tài chính cá nhân giúp bạn tính toán chi phí của trường Đại học ở Mỹ.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Hotcourses

Share.

Leave A Reply