Những truyện ngắn đặc sắc từ xứ sở Đại bàng trắng

0

Sẵn sàng du học – Hai tập “Những truyện ngắn kinh điển Ba Lan” của dịch giả Nguyễn Văn Thái giới thiệu 5 tác giả nổi tiếng nhất của Ba Lan thế kỷ 19.

Eliza Orzeszkowa, Maria Konopnicka, Henryk Sienkiewicz, Boleslaw Prus và Stefan Zeromski là những tác giả có tác phẩm được giảng dạy và tuyển chọn trong nhà trường phổ thông của Ba Lan.

Trong những năm vừa qua, các dịch giả văn học Ba Lan, những người tôn vinh và đam mê nền văn học của đất nước Đại bàng trắng, đã làm việc hết mình để chuyển ngữ thành công sách văn học Ba Lan, từ cổ điển đến đương đại, sang tiếng Việt.

Ba Lan là một đất nước có diện tích nhỏ, nhưng riêng về văn học, có thể coi đó là một “cường quốc” với bốn giải Nobel văn học và nhiều tác giả được đề cử Nobel. Tác phẩm của cả bốn tác giả đoạt Nobel của Ba Lan đều đã được dịch sang tiếng Việt.

Những câu chuyện của các tác giả không chỉ kể với chúng ta hiện thực, nỗi niềm của thời đại cách đây hai thế kỉ mà còn gieo hạt giống tình cảm trường tồn qua thời gian, bắt rễ vào phần sâu lắng nhất nơi trái tim mỗi con người.

Tập 1 của tuyển tập truyện ngắn kinh điển Ba Lan với tựa đề Giấc mơ cối xay gió.

Tập 1 của tuyển tập truyện ngắn kinh điển Ba Lan với tựa đề Giấc mơ cối xay gió.

Lòng yêu tổ quốc, yêu quê hương của những người Ba Lan xa xứ, đi kiếm ăn nơi đất khách quê người, được phản ánh thật cảm động trong kiệt tác Người gác đèn biển mà ông già Skawinski, người gác đèn biển trên một đảo nhỏ, nhân vật chính trong truyện, là một điển hình.

Câu chuyện là bài ca bay bổng và xúc động, nhắn nhủ một thông điệp, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn có có thể sống xa quê hương mình, nhưng tổ quốc, quê hương sống mãi trong trái tim bạn.

Ở nhiều truyện, hành trình phải sống lìa xa đất nước cũng là cuộc trở về của họ trong tâm tưởng. Cũng vậy, đói nghèo bệnh tật, có thể cướp đi người thân, mái nhà… nhưng không lấy được ước mơ, khát vọng của con người lương thiện. Hình ảnh trẻ em, được các tác giả thể hiện trong những khát vọng hồn nhiên trong trẻo (Giấc mơ cối xay gió, Bà chủ tốt bụng…).

Đó là những đứa trẻ trong gia đình khốn khó, phải bán từng đồ vật trong nhà để chữa bệnh cho mẹ và chống đói ở Con ngựa già của chúng tôi, nhưng giàu lòng nhân ái, tìm đến những mơ ước đẹp: “Tôi mơ thấy nào là cây trong vườn nhà và cây tử đinh hương nở hoa trên lò sưởi, rồi mơ thấy chim họa mi hót trong hiên nhà, nơi treo chiếc đồng hồ giờ đây có một vầng trăng bạc tròn vành vạnh soi bóng”.

Là cậu bé trong Janco, người chơi nhạc luôn mơ ước được chạm vào cây đàn vĩ cầm… Lòng yêu thương thuần khiết, thanh danh của người lương thiện luôn chói sáng, vượt lên đói nghèo, bon chen, ích kỷ… trôi chảy, hiện lên trong một đời sống tươi dòng, nỗi cô đơn trong đêm tối có nơi nương tựa và con người nhận ra con đường của mình, ước mơ của mình. (Khói, Vì miếng bánh mì, Những tội lỗi tuổi ấu thơ, Đàn quay…).

Người gác đèn biển là tựa đề của tập 2 bộ truyện ngắn kinh điển Ba Lan.

Người gác đèn biển là tựa đề của tập 2 bộ truyện ngắn kinh điển Ba Lan.

Người đọc nghẹn lòng cùng người mẹ nghèo mất con trong ước mơ được có tiếng đàn trên thiên đường, những đứa trẻ mồ côi, gánh chịu thiếu thốn nhưng không mất đi vẻ hồn nhiên, tình thân ái.

Hay chàng trai làng tài hoa rời bỏ quê hương, mang theo mối tình câm lặng, trao gửi thân mình vào thế giới mênh mông. Cô bé mồ côi tưởng như đã tìm được mái ấm bình yên bên bà chủ tốt bụng, nhưng cuộc sống ấm êm đó cũng mỏng manh như những cánh hoa hồng trong lời ca cô hát…

Sau tất thảy, các tác phẩm để lại cho chúng ta niềm tin vào sự nhân ái, nỗi khát vọng. Gửi gắm của các nhà văn sẽ là niềm an ủi, chia sẻ với con người, tỏa sáng theo năm tháng: “…Đêm tàn dần, từ trong bóng đêm lộ ra những cánh rừng, bụi rậm, hàng loạt căn nhà, cối xay, hàng dương. Giếng nước cót két kêu giống như cờ đuôi nheo bằng bạc trên đỉnh tháp. Mảnh đất này sao thân thương, tuyệt vời đến thế trong ánh hồng ban mai…” (Người gác đèn biển).

Trước đó, tiến sĩ khoa học – dịch giả Nguyễn Văn Thái từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 về dịch thuật với tiểu thuyết kinh điển, được coi như bộ sử thi của dân tộc Ba Lan Nông dân của tác giả Wladyslaw Reymont.

Để dịch tuyển tập này, dịch giả Nguyễn Văn Thái đã phải mất gần ba năm, với gần 600 trang sách dịch tâm huyết và công phu. Đây là những tác giả hoặc được giải thưởng Nobel văn học, hoặc được đề cử giải Nobel văn học viết về thế kỷ 19, là thời kỳ Ba Lan đang nằm trong ách thống trị của ba đế quốc Nga, Phổ, Áo. Bức tranh về cuộc sống của nhân dân Ba Lan dễ cho người đọc liên hệ tới hiện thực đời sống của nhân dân Việt Nam thời thuộc Pháp.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply