Những vấn đề tồn tại trong suy nghĩ của những bạn chưa sang Pháp

0

Sẵn sàng du học – Sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng và thực tế luôn là một cú shock đối với nhiều du học sinh Pháp. Để tránh cho các bạn khỏi rơi vào tình trạng kỳ vọng quá cao mà thực tại lại không như mong muốn, Trang Ami chỉ ra một vài vấn đề còn tồn tại trong suy nghĩ của những bạn chưa sang Pháp, để các bạn có cái nhìn chân thực hơn, khách quan hơn về chính bản thân và tương lai của mình.

ssdh-sinh-vien3

Ảo tưởng sức mạnh

Cứ nghĩ với bằng Đại học của một trường danh tiếng (hay một ngành có tỉ lệ chọi cao ngất thời thi Đại học) ở trong nước và thành tích giỏi là đã có khả năng xin được học bổng, thế là học bổng nào cũng đâm vào và nhiều khi chưa được cái nào đã… bâng khuâng không biết nếu được cấp nhiều cái cùng lúc thì sẽ biết chọn cái nào, bỏ cái nào. Tất nhiên là điểm số Đại học cũng quan trọng, nhưng nó chỉ là một trong vài tiêu chí đánh giá. Và nếu bạn không nhất lớp, nhất khoa gì đấy thì cũng chưa đủ tạo ấn tượng với trường.

Không khoanh vùng loại học bổng phù hợp

Mỗi loại sẽ có một nhóm đối tượng nên tiêu chí cũng khác nhau. Chẳng hạn nếu bạn mơ ở lại Pháp thì đừng xin học bổng của Bộ giáo dục vì học bổng này yêu cầu bạn phải về nước làm việc sau tốt nghiệp.

Quá tự hào về khả năng tiếng của mình

Rất nhiều bạn chỉ cần cầm tấm bằng DELF B2 trên tay là đã thở phào một cái, coi như mình đã qua cửa tiếng nên không đầu tư vào học tiếng nữa (mình thấy giai đoạn sau khi có bằng DELF B2 và trước khi lên đường mới nên học « dữ » hơn). Sang Pháp đi học trong môi trường bản địa, B2 vẫn không đảm bảo việc hiểu bài đâu nhé, nhất là các bạn học Xã hội, Ngôn ngữ cần phải viết luận và thuyết trình liên miên.

Không có quyết tâm rõ ràng trong học tập

Chia tay người yêu, tốt nghiệp mà chưa muốn đi làm, muốn đi tham quan du lịch… mình đã nghe rất nhiều những lí do không liên quan khác nữa đã đẩy các bạn đến quyết định du học. Tốt thôi, nhưng thật khó mà phấn đấu trong việc học nếu động lực của bạn là « chỉ để sang được Pháp ».

ssdh-sinh-vien1

Quá tự tin vào viễn cảnh ở lại

Rất nhiều bạn thắc mắc về việc xin việc ở Pháp hoặc các nước châu âu khác sau tốt nghiệp. Thực tế vẫn có những người xin được, nhưng cũng có người được cả công ty bảo lãnh nhưng không được. Cái này nó phụ thuộc vào yếu tố chuyên môn, thành tích học tập, sự lanh lẹ của bản thân, thị trường lao động, chính sách nhập cư và cả may mắn nữa.

Nghĩ sang Pháp là kiếm được việc làm thêm ngay

Điều này không dễ như bạn nghĩ, nhất là đối với các thành phố ở tỉnh. Nếu bạn không nói tốt tiếng Pháp, không có các mối quan hệ với người bản xứ cũng chẳng quen nhiều du học sinh và đặc biệt là có lịch học quá dày đặc, sức khoẻ không đảm bảo, tính cách rụt rè… thì đừng mơ tới chuyện xin được việc. Bạn có đủ hóm hỉnh và lanh lẹ để trò chuyện với khách bản địa khi chạy bàn cafe? Bạn có kĩ năng nấu nướng để phụ bếp? Bạn có hiểu biết về việc chăm sóc trẻ con để làm babysitter?… Hãy tự trả lời và bắt đầu thử làm những công việc đó ở Việt Nam để trau dồi kĩ năng về một công việc làm thêm nhất định.

Cứ nghĩ đi học thì phải ngay lập tức, nếu không thì quá muộn

Các trường Đại học có chương trình đào tạo Sau Đại học uy tín, hay đơn cử như các chương trình M2 hấp dẫn, thường có các điều kiện tuyển chọn khắt khe. Một số chương trình đòi ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 2,3 năm. Một số trường thậm chí còn chỉ tiêu rõ ràng promo mỗi năm chỉ 1,2 sinh viên nước ngoài thôi. Vậy thì những người mới tốt nghiệp Đại học trong nước bói đâu ra kinh nghiệm để xin vào học các chương trình này?

Nghĩ « kinh nghiệm xã hội » là phải đi làm từ thiện

Không phải. Cứ hiểu đơn giản đấy là những hoạt động ngoài chuyên môn của bạn. Có thể là đam mê viết lách, tham gia các hoạt động vì môi trường, chủ tịch câu lạc bộ xếp giấy origami… Tất cả những hoạt động có định hướng kết nối cộng đồng, giúp phát triển được các kĩ năng.

Cá Domino (SSDH) – Theo Trang Ami

Share.

Leave A Reply