Nước Pháp trong tôi

0

SSDH – Một nước Pháp tinh tế, hào hoa phong nhã, nức tiếng Châu Âu. Lúc mới đi du học, tớ cứ nghĩ rằng, mình sẽ nhanh chóng hoà nhập với bạn bè, thầy cô và môi trường mới, vì bản tính vốn xởi lởi chẳng chịu thua kém ai. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, tớ đã rất khó khăn để bắt nhịp với mọi người.

 

nuoc-phap-trong-toi

Ảnh minh họa


Bạn bè trong lớp không thích người Trung Quốc, bảo tớ giống họ. Mặc dù tớ đã giải thích: Tớ – người Việt Nam thì họ vẫn cho rằng Trung Quốc với Việt Nam chẳng khác nhau là mấy. Suốt một thời gian, gần như tớ không thể hoà nhập nổi. Bạn nghĩ đi, khi mình cứ cố gắng bắt chuyện còn mọi người thì xúm vào một góc và xem như mình không tồn tại thì sẽ ra sao. Tớ cảm thấy thật sự trống rỗng!

 

Nhưng rồi, dù là rất khó, tớ tỉ mẩn bước từng bước, cải thiện mối quan hệ bạn bè. Sau khi trở về từ chuyến giao lưu văn hoá tại Bỉ, tớ lấy lòng cả lớp bằng một hộp chocolate to uỳnh, tình cảm có vẻ tốt dần lên.

 

Điều may mắn đối với tớ là được homestay (ở cùng nhà dân). Có lẽ gọi bà ấy là mẹ thứ hai cũng không ngoa. Bà chủ nhà rất thích người Châu Á, căn hộ của bà trang trí đồ đạc cực thú vị, như người Châu Á thực thụ. Bà làm tất cả mọi thứ trong gia đình một cách tinh tế và nghệ thuật. Sự thân thiện của bà khiến tớ thấy dễ chịu. Cứ 2 tuần một lần, tớ lại mua hoa tặng bà chủ nhà. Một lần, tớ mua tim về ăn, bà chủ nhà trêu đùa: “Này, đằng ấy đang ăn thức ăn của mèo đấy hả?”. Hề hề, cũng nhờ thế, tớ thấy nguôi ngoai dần dần nỗi nhớ nhà và bắt đầu hoà nhập.

 

Tại La Rochelle, thành phố biển phía Tây Nam nước Pháp nơi tớ đang sống – mùa đông như thế này thường buồn tẻ và vắng lặng. Đơn giản vì đây là thành phố du lịch và thời điểm này chưa phải mùa làm ăn của họ. Cứ khoảng 19h30 – 20h, các cửa hàng đã bắt đầu đóng cửa, đồ vật dường như ngủ quên trong mùa đông lạnh giá. Nhưng cũng vì thế, tớ đã phát hiện ra một điều cực kỳ hay ho, đó là thú chơi của giới trẻ.

 

Những ngày cuối tuần, sinh viên trở về nhà bằng tô tô hoặc tàu điện ngầm và quán bar thành nơi tụ tập của chúng tớ. Tại Việt Nam, bar gợi lên điều gì đó không thiện cảm, thì tại thành phố tớ sống, bar là giải trí đúng nghĩa, lành mạnh và lịch sự. Khi đến bar, bạn phải tỏ ra là người lớn, đàng hoàng chỉn chu và mua vé. Giá vé vào bar nào tùy thuộc vào độ nổi tiếng của bar đó. Trong vé đã có sẵn một loại đồ uống tuỳ chọn, nếu không mua vé, thì giá đồ uống sẽ khá là chát.

 

Đến bar nhảy là chuyện bình thường. Lúc đầu, tớ khá ngần ngại vì ở Việt Nam hầu như tớ chưa vào bar bao giờ. Sang đây, tớ được các bạn “truyền kinh nghiệm tác chiến” bằng một số điệu nhảy của giới trẻ. Sự hoà nhập bắt đầu khi tại trường tớ học, bạn bè tụ tập party thoải mái. Tớ bắt đầu quen với việc cuối tuần không tìm một nơi để giải trí thì tổ chức ăn uống, đi dạo với bạn bè, tối thì nên đến bar để vui chơi lành mạnh.

 

Tớ học chuyên ngành Kinh tế, đó là lý do mà tớ thích thực hành hơn lý thuyết. Kỹ năng mà tất cả các sinh viên khi theo học đều phải chú trọng là làm việc nhóm. Bạn thử nghĩ xem, bạn có thể thành công được không khi bạn chỉ có một mình đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Học kỳ vừa rồi, chúng tớ có một bài nhóm là Thử thách Marketing trong vòng 5 tháng. Mặc dù đang là sinh viên năm nhất, nhưng nhóm tớ đã được nhà trường cho vào hẳn một công ty để xem xét, làm việc với nhân viên và lãnh đạo, cùng giải quyết với họ các vấn đề marketing mà công ty đó đang gặp phải.

 

Cuối tháng 5 này, chúng tớ sẽ trình bày dự án của mình trước công ty và toàn trường. Đây có lẽ là điểm khác biệt thật sự so với cách học của các sinh viên Việt Nam. Trong khi chúng tớ được cọ xát thực tiễn ngay từ những năm đầu, thì có những bạn, đến năm cuối vẫn không biết mình ra trường sẽ làm gì. Hoặc nhiều bạn, phải tự đi tìm việc làm, tự lăn xả vào công việc, trước khi được nhà trường giao cho một việc nào đó phù hợp với chuyên ngành đang học để thực tập và làm việc.

 

Sự tương phản còn ở cách thầy dạy trò nữa nhé. Ở lớp, chúng tớ thoải mái đưa ra ý kiến và bảo vệ nó, nếu sai cũng không ngần ngại vì đó là điều bình thường, nhưng ở Việt Nam, mọi sự đều quy về chữ “cãi” và sinh viên sẽ khó trình bày ý kiến của mình. Nhất là khi giáo viên không đưa ra những câu hỏi mở hay khuyến khích óc sáng tạo của sinh viên.

 

Thêm một nét tương phản đáng yêu nữa giữa Pháp và Việt Nam, đó là tại Pháp, đi lại và đi du lịch còn sướng hơn ở nhà. Nghĩa là đi ra đường, bạn sẽ thấy mọi thứ rất văn minh. Sinh viên đi tiện nhất là xe buýt và tàu điện ngầm rồi. Nếu có thẻ sinh viên, bạn luôn được giảm giá, có khi 50 – 70%.

 

Tớ vốn là dân song ngữ, nhưng hồi mới sang đây, tớ cũng có đôi chỗ bị khớp so với người bản xứ. Chi phí sinh hoạt 500 – 550Eu/1 tháng không phải quá cao đối với những teen nào máu mê “cưa đổ” tháp Eiffel và những trải nghiệm vô cùng lý thú tại một xứ sở lịch lãm bậc nhất Châu Âu này.

 

Hồng Nhung

 

Theo: Ione

Share.

Leave A Reply