Ở Mỹ, ngày nay việc học trở thành món nợ lớn, vì sao?

0

Sẵn sàng du học – Theo anh Joshua Durkin (người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam), giáo dục đại học ở Mỹ quá hiện nay quá đắt đỏ. Khi tốt nghiệp đại học, anh Durkin gánh trên vai mình khoản nợ 40.000 USD học phí.

Phụ huynh đón học sinh sau khi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phụ huynh đón học sinh sau khi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Câu chuyện giáo viên phải cho học sinh yếu lên lớp vì bệnh thành tích không chỉ có ở Việt Nam. Theo chia sẻ của một giáo viên người Mỹ, tại đất nước cờ hoa chuyện này cũng phổ biến…

Tôi tin rằng nếu một học sinh không học ở nhà mà chẳng ai quan tâm thì em cũng không thể có sự tập trung khi học ở trường. Do đó, vai trò của cha mẹ trong việc học của con là rất quan trọng

 Anh Joshua Durkin

* Anh Joshua Durkin (người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam):

Mỹ cũng có nhiều học sinh "ngồi nhầm lớp"

Anh Joshua Durkin

Hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp theo tôi là khá phổ biến ở Mỹ. Tại Mỹ, mỗi trường công đều nhận được sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ. Số tiền tài trợ này có thể bị giảm nếu trường có những học sinh học lực với kết quả không tốt. 

Do đó, đáng buồn là nhiều học sinh cần sự giúp đỡ đặc biệt như bị khó đọc, khó viết, tăng động giảm chú ý… bị chậm hơn nhiều so với các bạn, nhưng đều được lên lớp để làm đẹp hồ sơ của nhà trường nhằm tiếp tục được chính phủ hỗ trợ. 

Giáo viên dạy lớp trên cũng phải cố gắng tiếp nhận những "món quà bất ngờ" từ người đồng nghiệp lớp dưới và dạy trên tinh thần tiếp tục cố gắng giúp học sinh nắm bắt lại kiến thức.

Hiện nay, tiền hỗ trợ của thành phố, tiểu bang cho các trường bị cắt giảm rất nhiều. Vì vậy dù số học sinh gặp vấn đề hiện nay còn nhiều hơn cả vào thời tôi học cấp I, cấp II (những năm 1990), nhưng nhà trường lại phải cắt nhiều hoạt động bổ ích như thể thao hay phụ đạo cho các học sinh gặp khó khăn.

Trước đây, chính quyền coi giáo dục là quan trọng và cần phải đầu tư thích đáng, nhưng giờ đây giáo dục phải cạnh tranh với các vấn đề xã hội khác nên chỉ chiếm lấy phần nhỏ trong ngân sách và kết quả là thường bị cắt xén.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra giáo dục là một trong những đầu tư tốt cho tương lai vì thời gian và tiền bạc mà bạn đầu tư cho việc học sẽ được đổi lại bằng mức lương tốt hơn về sau. 

Một nghiên cứu mà tôi nhớ mình đã đọc là hễ bạn đầu tư 1 USD cho giáo dục, sẽ mang lại 4 USD về sau. Như thế, đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư có lợi và việc chính quyền cắt hỗ trợ giáo dục nghĩa là họ chấp nhận luôn mức lỗ đã được tính toán trong tương lai.

Trong quá khứ, các gia đình ở Mỹ rất phấn đấu và nỗ lực vượt qua khó khăn để gửi con đi học. Nhưng đáng buồn là ngày nay việc học trở thành món nợ lớn. Giáo dục đại học ở Mỹ quá đắt đỏ. Khi tốt nghiệp đại học, tôi gánh trên vai mình khoản nợ 40.000 USD học phí. 

Sau ba năm vừa làm vừa trả góp, tôi để dành được đúng 1.000 USD dù đã sống một cuộc sống khiêm tốn. Đến nay tôi vẫn đang trả nợ khoản tiền mình đã vay để đi học.

Nói về việc học thì gia đình có vai trò quan trọng đối với việc học của học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã không giúp đỡ con cái ở nhà trong học tập vì họ quá bận rộn.

* Chị Akiko Gotoda (người Nhật, điều phối viên giáo dục tại TP.HCM):

Nhà trường quan tâm đến học sinh cần hỗ trợ đặc biệt

Chị Akiko Gotoda

Tại Nhật, nhà trường thông qua giáo viên sẽ rất quan tâm đến các học sinh cần sự hỗ trợ đặc biệt. 

Chúng tôi cố gắng hỗ trợ các em ở trường cũng như thường xuyên liên lạc với phụ huynh các em để cùng tìm cách phù hợp nhất cho mỗi học sinh.

Ở Nhật, mỗi trường đều có giáo viên làm công tác tư vấn (tư vấn các vấn đề về cuộc sống hằng ngày, việc chọn nghề hay chọn trường đại học). Những học sinh cần được hỗ trợ có thể nói chuyện với các giáo viên này. 

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, những người hiểu rõ về các em nhất, cũng tham gia hỗ trợ. Ở Nhật Bản, tất cả giáo viên phụ trách lớp phải có kế hoạch thăm nhà từng học sinh và chia sẻ với phụ huynh về tình hình của từng em.

Tôi cho rằng đối với những học sinh bị thiếu kiến thức cơ bản, các em cần có sự hỗ trợ từ hai phía: nhà trường và gia đình.

Ở Nhật, các trường sẽ cố gắng hết sức nhằm không để học sinh nào phải ở lại lớp nhưng đôi khi việc này cũng xảy ra. Phần lớn nguyên nhân là do các em không hoàn thành năm học đó hoặc các em quyết định nghỉ học vì kết quả học tập không tốt của mình.

Đối với những học sinh bị mất căn bản, tôi nghĩ nguyên nhân là do các em vì lý do nào đó không hòa nhập được ở trường, không chỉ trong học tập mà có thể là vấn đề quan hệ bạn bè.

Ở các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore…, phụ huynh rất chú trọng đến giáo dục. Họ đều muốn con mình học tốt hơn và do đó học sinh ở châu Á chịu khá nhiều áp lực. 

Tôi nghĩ cha mẹ cần thực tế về năng lực thực sự của con mình, biết các con mong muốn điều gì, cần hỗ trợ thế nào, sau đó nhà trường và gia đình cần liên lạc thường xuyên để có thể giúp đỡ học sinh một cách phù hợp.

* Anh Sou (người Campuchia, giám đốc Trung tâm Live & Learn Cambodia):

Tích cực dạy phụ đạo giúp học sinh lấy lại kiến thức

Anh Sou

Trung tâm Live & Learn Cambodia hỗ trợ giáo dục cho trẻ em bị thiệt thòi thông qua chương trình dạy kèm cho trẻ ở những cộng đồng gặp khó khăn.

Ngoài ra, tôi từng là giáo viên cấp I nên biết ở Campuchia cũng có tình trạng học sinh yếu, kém. Với các học sinh này, giáo viên sẽ dạy phụ đạo tích cực để các em nhanh chóng lấy lại kiến thức và bắt kịp bạn bè. 

Nếu biện pháp này không hiệu quả, học sinh phải học lại thêm một năm. Theo tôi biết, ở Camphuchia có rất nhiều học sinh phải ở lại lớp nếu học không tốt và không có việc nhà trường cho cả học sinh bị hổng kiến thức trầm trọng tiếp tục lên lớp.

Có rất nhiều lý do khiến học sinh mất căn bản. Các lý do này liên quan đến hệ thống giáo dục, trình độ giáo viên, sự hỗ trợ và tham gia của cha mẹ trong việc giáo dục con cái… Trong đó, tôi nghĩ điều quan trọng là cha mẹ phải chú ý nhiều hơn đến trẻ khi các em vào lớp 1 để chắc chắn rằng các em có thể nắm được những kiến thức cơ bản và vui thích với việc học.

* Chị Lelané Schoeman (người Nam Phi):

Giáo dục để thay đổi suy nghĩ của mọi người

Chị Lelané Schoeman

Tôi thấy trường học ở Việt Nam chú trọng đến danh tiếng của họ hơn là các trường ở nước tôi. Hơn thế nữa, văn hóa Việt Nam rất xem trọng giáo dục, vì vậy nếu học sinh đi học mà ở lại lớp là một việc bị xem là đáng xấu hổ mà nhiều người không muốn như vậy.

Giải pháp là giáo dục để thay đổi suy nghĩ của mọi người đối với vấn đề này. Tôi có cảm giác văn hóa ở Việt Nam không cho phép người ta được "thoải mái" thất bại rồi cố gắng lại. 

Nếu học sinh thi rớt, một số phụ huynh có thể đổ lỗi cho giáo viên và nhà trường, thay vì xem xét có nguyên nhân từ con mình. 

Từ việc đổ lỗi của phụ huynh, nhà trường và giáo viên phải chịu trách nhiệm cho tình huống học sinh thi rớt. Và hậu quả là giáo viên, nhà trường cho học sinh đậu ngay cả khi em ấy không đủ khả năng.

Ở những nước có học sinh lưu ban cho đến khi các em có thể đậu là nhờ văn hóa ở những nước này cho phép những thất bại như vậy. Vì vậy, khi mọi người chưa thay đổi suy nghĩ của mình về giáo dục, tôi không nghĩ rằng các trường học có nhiều sự lựa chọn khác hơn là cho học sinh yếu kém lên lớp.

Có một thực tế là một số trẻ vốn đã chậm hơn so với những đứa trẻ khác nên không thể học theo tốc độ của các bạn cùng lớp. Điều này càng đẩy các em chịu thất bại. Do đó, cha mẹ nên hiểu con mình và đặt các em ở một môi trường phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng các em. Tình hình khó thay đổi nếu cha mẹ không thừa nhận rằng con của họ có khác biệt.

Phải tuân thủ hình thức giáo dục hai chiều

Gia đình và nhà trường có thể kết hợp đưa kỹ năng sống vào bài giảng để học sinh có thể thực hành và nhớ bài. Phải được tuân thủ theo hình thức giáo dục hai chiều – có trao đổi qua lại giữa giáo viên và học sinh, và ý kiến của các em cần được tôn trọng.

Giáo viên cũng nên khuyến khích sự tương tác và học hỏi lẫn nhau giữa bạn bè trong lớp và tạo một môi trường học tập tích cực. Đây là những biện pháp, theo tôi, có thể góp phần thúc đẩy niềm vui học tập nơi học sinh để các em chủ động và yêu thích việc học, tránh những trường hợp bỏ bê quá mức dẫn đến bị hổng kiến thức.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply