Phần Lan: Đối diện với nạn chảy máu chất xám

0

Sẵn sàng du học – Năm 2016, khoảng 500 nhà nghiên cứu rời Phần Lan ra nước ngoài làm việc. Ở chiều ngược lại, Phần Lan chỉ thu hút được vài trăm chuyên gia trong cùng giai đoạn. Đây là một dẫn chứng cho xu hướng chảy máu chất xám tại Phần Lan mà nguyên nhân sâu xa là từ cắt giảm ngân sách…

nan-chay-mau-chat-xam_KEXSChảy máu chất xám

Trong những năm gần đây, Phần Lan chứng kiến làn sóng những chuyên gia bằng cấp cao ra nước ngoài giảng dạy hoặc nghiên cứu. Theo số liệu của cơ quan Thống kê Phần Lan, nếu như năm 2011 chỉ có khoảng 270 nhà nghiên cứu – hoặc tiến sĩ khoa học – ra nước ngoài thì đến năm 2016 con số này tăng lên gần 500.

Trong năm 2016, chỉ có vài trăm người có trình độ tương tự đến Phần Lan làm việc – cho thấy Phần Lan không còn là cục nam châm trong thế giới khoa học và nghiên cứu.

Có nhiều nhân tố dẫn tới làn sóng chảy máu chất xám ở Phần Lan. Quy mô đào tạo tiến sĩ đã tăng trong vài thập kỉ qua và khoảng 1.000 tiến sĩ mới tốt nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên nhiều người không có việc làm do số vị trí việc làm được trả lương rất ít. Sau khi những người trẻ tuổi hoàn tất nghiên cứu, họ thường được khuyến khích tìm trải nghiệm quốc tế ở nước ngoài.

Cơ hội việc làm thu hẹp là bởi chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ đối với các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu nhận ngân sách Nhà nước. Nhiều chuyên gia có học vấn cao đã rơi vào tình trạng thất nghiệp do hệ quả của chính sách này, trong khi một số chuyên gia khác nhận thấy dự án của họ dễ nhận được tài trợ nghiên cứu hơn tại các quốc gia như Thụy Điển, Đức, Nauy, Anh và Mỹ.

“Rỗng ruột” hệ thống đại học

Đại bộ phận những người có bằng cấp cao nhất giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học. Việc họ ra nước ngoài làm việc đang làm “rỗng ruột” hệ thống đào tạo đại học tiếng tăm của Phần Lan.

Các trường đại học Phần Lan đã khẳng định được vị trí trên bản đồ giáo dục với 8 trường đại học thuộc tốp 5% thế giới về chất lượng đào tạo, dẫn đầu là ĐH Helsinki ở vị trí 76.

Trước đây, Phần Lan miễn 100% học phí cho sinh viên theo học tất cả các chương trình đại học, sau đại học về 4 nhóm ngành luôn cần nguồn nhân lực trình độ cao là: Du lịch – nhà hàng – khách sạn, kinh tế, kĩ thuật và Y tá.

Tuy nhiên từ tháng 10/2015, trong bối cảnh phải cắt giảm chi và tăng thu ngân sách, chính phủ Phần Lan ra quyết định thu học phí sinh viên quốc tế kể từ kì nhập học tháng 8/2017. Mức học phí tối thiểu được chính phủ Phần Lan đưa ra là 1.500 euro/năm, các trường sẽ dựa vào đó định ra chương trình học phí cụ thể cho từng khóa học.

Nguồn thu học phí chỉ đủ bù đắp phần nào khoản cắt giảm ngân sách của các trường. Theo tạp chí chuyên sâu về GD đại học quốc tế Times Higher Education, năm 2015, chính phủ Phần Lan “công bố ngân sách cơ bản cho 15 trường đại học và 26 trường cao đẳng sẽ bị cắt giảm khoảng 500 triệu euro trong giai đoạn 4 năm, bên cạnh đó cũng cắt giảm ngân sách nghiên cứu 100 triệu euro”. Bởi sự cắt giảm ngân sách này mà Đại học Helsinki cho biết sẽ phải cắt giảm gần 1.000 nhân viên vào cuối năm 2017 tương ứng với mức giảm ngân sách.

Như vậy các trường đại học đứng trước khó khăn: Không có giảng viên giỏi cũng đồng nghĩa giảm chất lượng đào tạo.

Theo Docent Tuomas Martikainen, Giám đốc điều hành Viện Di trú thì viễn cảnh việc làm mờ mịt là một trong những lí do chính dẫn tới chảy máu chất xám. Xu hướng này đặc biệt rõ ở các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và mở rộng ra một số lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Share.

Leave A Reply