Quán phở 3 thế hệ trong ngõ nhỏ Hà Nội đông khách nườm nượp

0

SSDH – Một gánh phở, 3 thế hệ cùng chung sức phát triển. Từ chỗ chỉ là một xe hàng rong, giờ đã thành một quán ăn nhỏ, tuy cũng bình dân nhưng đủ để khách nhâm nhi bát phở buổi sáng vừa đầy đặn, giá cả phải chăng.

Một hiệu phở, 3 thế hệ gồng gánh

Lâu nay, phở là món ăn truyền thống, quen thuộc đến nỗi nhiều người cảm thấy nhàm chán. Thế mà mỗi khi đi xa Hà Nội, thứ nhiều người nhớ nhất lại là một bát phở thơm.

Phở ở đâu mà chẳng có. Đi khắp mảnh đất chữ S này, chắc cũng có đến cả nghìn quán phở để bạn ghé chân. Có điều hương vị phở xứ Bắc dường như luôn có nét gì đó đặc trưng, không thể lẫn vào đâu được.

Ngoài những hiệu phở mang hương vị truyền thống của người Hà Nội xưa, tại Thủ đô còn có nhiều quán phở đến từ vùng đất Nam Định. Phở ở đây có đặc điểm dễ dàng nhận thấy là bánh phở sợi nhỏ, mềm mại và thịt bò thái mỏng, đập nát một chút rồi chần qua nước sôi trong khoảng thời gian phù hợp. Khi ăn, khách vẫn cảm nhận được độ mềm của miếng thịt, không thấy chúng còn đỏ hồng nhưng vẫn giữ được mùi thơm và chất dinh dưỡng bên trong.

Bát phở được nấu theo phong cách người Nam Định tại phố Thọ Xương (Hà Nội).

Bát phở được nấu theo phong cách người Nam Định tại phố Thọ Xương (Hà Nội).

Vì đã xây dựng được thương hiệu riêng và ghi dấu ấn trong lòng khách hàng nên các quán phở Nam Định tại Hà Nội đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc bắt đầu bằng chữ Cồ (dòng họ khởi xướng nghề phở ở Nam Định). Tuy nhiên, sâu trong một con ngõ nhỏ mang tên Thọ Xương (Hà Nội) có một quán phở Nam Định chẳng hề có những dấu hiệu ấy. Thế mà trải qua 3 thế hệ với không ít lần thay đổi địa chỉ, quán vẫn đông khách nườm nượp. Nhiều người đã ăn phở ở đây từ tấm bé có thể kể ra vanh vách câu chuyện quán đã đi lên từ hàng phở gánh như thế nào.

Chủ quán phở hiện tại là chị Oanh (SN 1975). Theo lời chị kể, xưa kia, từ đời ông nội mình, quán phở này vốn chỉ là một xe hàng rong. Ông thường chở hàng đi bán quanh khu vực Phủ Doãn, dù không có biển bảng gì nhưng người ta quen gọi là phở Thơ.

Quán phở nằm khuất hẳn trong ngõ nhỏ nhưng ngày mưa, vẫn đông khách tìm đến.

Quán phở nằm khuất hẳn trong ngõ nhỏ nhưng ngày mưa, vẫn đông khách tìm đến.

Không gian bên trong quán.

Không gian bên trong quán.

Ký ức về gánh phở của ông nội, chị Oanh cũng chỉ được nghe kể lại. Khi bắt đầu lớn và nhận thức được mọi việc, chị thấy bố mình bắt đầu mở quán bán phở và rất nhiều lần đổi địa chỉ, vẫn chỉ quanh quẩn ở khu Phủ Doãn – Tràng Thi.

“Cách đây 12 năm, mình nối nghiệp bố mở quán phở trong con ngõ Thọ Xương này. Tên đã đổi nhưng nhiều khách hàng – những người lớn tuổi quanh đây vẫn hay gọi quán là phở Thơ, tên của ông nội mình”.

Sau mấy chục năm tồn tại trên mảnh đất Hà Nội, bí kíp nấu phở của gia đình chị vẫn không hề thay đổi. Vẫn là bánh phở sợi nhỏ, thịt bò tươi, mềm và nhất là công thức pha nước dùng luôn được giấu kín.

Nơi khách hàng thực sự là thượng đế dù giá phở rất bình dân

Đến đây, thực khách có khá nhiều lựa chọn như phở tái, tái chín, tái gầu hay thịt nhừ… Điều đáng nói là dù họ có gọi thế nào thì giá cả mọi thứ đều đồng quy ở con số 30.000 đồng. Đây là một mức giá khá rẻ vì bát phở không chỉ nhiều bánh mà thịt thà, hành đều nhiều. Ăn một bát đủ no đến tận trưa muộn.

Chị Oanh - chủ quán luôn trong tình trạng tất bật làm việc.

Chị Oanh – chủ quán luôn trong tình trạng tất bật làm việc.

“Nhiều chỗ bán phở gầu thường có giá khoảng 35.000-40.000 đồng/bát nhưng nhà tôi đồng giá hết cho khách dễ lựa chọn, ai thích ăn gì thì ăn”, chị Oanh chia sẻ. Từ nhỏ, khi làm chung với bố, chị đã quen với cuộc sống vất vả nên khá dễ tính với việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chỉ cần họ nêu rõ yêu cầu ít bánh hay nhiều bánh, nước trong hay nước béo, nhiều mỡ hay chỉ ăn thịt nạc, dùng hành sống hay hành trần… chị đều có thể đáp ứng. “Quan trọng nhất là giá cả không vì thế mà tăng lên hay giảm đi”, chị Oanh cười.

Công thức pha nước dùng được chị Oanh xem là bí kíp chỉ truyền cho những người trong nhà.

Công thức pha nước dùng được chị Oanh xem là bí kíp chỉ truyền cho những người trong nhà.

Tuy chỉ là một quán ăn bình dân nhưng khi chế biến, chị Oanh luôn đeo tạp dề, bao tay cẩn thận. Những miếng thịt ở đây nhìn cũng rất tươi ngon và đặc biệt, thịt chín ăn vừa mềm, vừa không bị bã hay khô, dai.

Ăn phở ở đây, người ta vừa cảm nhận được hương vị đậm đà, vừa thấy mùi thơm mà lại không nồng nạc mùi húng, quế. Thế nên, có những vị khách cứ đi theo quán đến cả vài chục năm. Bao lần thay đổi địa chỉ, họ lại lần mò tìm đến vì nhớ mãi một mùi phở thơm.

“Mình cũng không biết quán nhà mình có gì đặc biệt hơn mọi nơi, chỉ biết là được nhiều khách khen không tìm thấy ở đâu có quán phở gia giảm vừa ăn, đầy đặn, nhiều thịt mà lại tươi ngon, nước dùng ngọt nhưng không ngấy và giá cả phải chăng như ở đây”, chị Oanh tự hào.

Thị bò nhìn rất bắt mắt.

Thị bò nhìn rất bắt mắt.

Thành phẩm dù là tái chín hay tái gầu... giá đều chỉ 30.000 đồng/bát.

Thành phẩm dù là tái chín hay tái gầu… giá đều chỉ 30.000 đồng/bát.

Giá bình dân và phong cách phục vụ tận tình ấy có lẽ là lý do khiến nơi đây luôn đông khách. Mỗi ngày chị Oanh chỉ bán từ 6h sáng đến 11h trưa là nghỉ. Trong khoảng thời gian 5 tiếng đồng hồ ấy, chị phải làm việc liên tục, vừa thái thịt, vừa phân bổ vị trí ngồi cho khách và nhắc nhở nhân viên làm việc tốc độ hơn. Tuy không tính toán cụ thể nhưng số lượng người ra vào đây ước chừng cũng 300-400 lượt.

“Gánh phở này đến đời mình là 3 thế hệ, sau này có được kế tục tiếp hay không thì chưa rõ. Mình chỉ biết ngày nào còn khỏe thì vẫn còn bán vì có những hôm trời mưa, khách cũng kéo đến rất đông nên mình nghĩ, nếu mà nơi này đóng cửa, chắc họ cũng buồn lắm”, chị Oanh nói thêm.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn

Share.

Leave A Reply