Snapchat và Instagram đang hủy hoại trí nhớ của chúng ta như thế nào?

0

Sẵn sàng du học – Bạn có biết, việc ghi lại cuộc sống bằng Snapchat và Instagram trong thời gian dài khiến trí nhớ của chúng ta đứng trước nguy cơ bị suy giảm?

Mùa Hè 2016 là một thời điểm mang tính quyết định của truyền thông xã hội (social media) với rất nhiều biến động. Lúc ấy, Facebook là một “ông lớn”, nắm trong tay Instagram và các nền tảng ứng dụng khác. Twitter cập nhật từng phút một với chu kỳ tin tức nhanh như chớp mặc cho mọi người tranh cãi về tự do ngôn luận và ý nghĩa của nó trong nền chính trị đương đại. Còn có thông tin cho rằng Google sẵn sàng trả 30 tỷ USD để mua lại Snapchat. Vào lúc ấy, chúng ta không ngần ngại chào đón các phương tiện truyền thông xã hội với một vòng tay rộng mở mà không biết rằng, trí nhớ của mình đang bị đe dọa.

TÍNH NĂNG STORY – “KẺ CẮP” TRÍ NHỚ

Việc tạo ra trí nhớ bắt đầu bằng nhận thức. Bộ não của chúng ta ghi lại cảm giác của các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác. Tất cả các cảm giác sẽ được gửi đến hồi hải mã (tên khoa học là hippocampus, một bộ phận có chức năng lưu giữ thông tin và hình thành trí nhớ). Tại đây, bộ não của ta sẽ quyết định liệu những cảm giác đó có được lưu trữ thành trí nhớ dài hạn hay không. Các yếu tố như sự quen thuộc, lặp đi lặp lại và kích thích cảm xúc sẽ giúp xác định trải nghiệm nào vượt qua rào cản trí nhớ ngắn hạn đến dài hạn.

Nhà khoa học thần kinh James L. McGaugh đã lưu ý trong bài báo năm 2013 của ông về việc tạo ra những ký ức lâu dài: Khi ghi nhớ ý nghĩa và có cảm xúc mạnh, chúng ta sẽ tiết các hormone. Đặc biệt, trong những dịp căng thẳng hoặc thú vị, não bộ con người sẽ mã hóa chúng thành trí nhớ dài hạn. Nghiên cứu này vẫn đúng cho đến hiện tại, khi cuộc sống luôn gắn liền với dòng chảy phát triển công nghệ.

Trở về năm 2016, khi các công ty công nghệ phải đối mặt với sự gia tăng ảnh hưởng của truyền thông xã hội. Các nền tảng thiếu tầm nhìn xa, như Vine và Tumblr, lùi dần vào bối cảnh bão hòa công nghệ. Trong khi đó, những nền tảng phát triển hơn được dự đoán sẽ lên ngôi thống trị.

Snapchat đã tìm thấy thành công ban đầu với hình thức “các thông điệp có khả năng biến mất”. Nói rõ hơn, đó là khởi đầu của Story – một chức năng cho phép người dùng chia sẻ ảnh và video với khoảng thời gian tồn tại 24 giờ. Kể từ khi phát hành năm 2013, chức năng này đã thay đổi cục diện của các phương tiện truyền thông xã hội.

Ba năm sau, một đại diện tiêu biểu là Instagram (nền tảng chia sẻ ảnh được Facebook mua lại năm 2012), cho ra mắt tính năng Story. Vượt qua sự hoài nghi của nhiều người, sau khi Story xuất hiện, cơ sở người dùng hoạt động hàng tháng của Instagram tăng từ 500 triệu lên 700 triệu vào tháng 4/2017.

page

 

CÁC YẾU TỐ LÀM SUY GIẢM TRÍ NHỚ

Người dùng cảm thấy các câu chuyện của bạn bè, người thân chân thật hơn vì họ luôn có thể theo dõi cuộc sống thường ngày của họ. Nhưng chính điều này cũng tạo ra áp lực phải luôn cập nhật thường xuyên những trải nghiệm thú vị để làm hài lòng người theo dõi.

Julia Soares và Benjamin Storm, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Santa Cruz, đã nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số lên bộ nhớ trong nhiều năm. Nghiên cứu họ công bố vào tháng 3 năm ngoái cho thấy, khi chụp ảnh trên điện thoại, mọi người sẽ ít tập trung vào khoảnh khắc thực tại mà chỉ nghĩ đến chuyện làm sao chụp được bức ảnh đẹp. Do đó, ký ức họ lưu trữ lại thường sẽ không sâu sắc.

Hai nhà khoa học đã thực hiện một cuộc thí nghiệm sâu hơn về các tác nhân làm giảm trí nhớ. Những người tham gia được chia thành 3 nhóm: nhóm quan sát thuần túy, nhóm chụp ảnh trên điện thoại và nhóm dùng các ứng dụng có chức năng ghi lại Story, như Snapchat.

Nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng một bộ nhớ đáng tin cậy, chẳng hạn máy ảnh, sẽ làm suy giảm trí nhớ của con người. Các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh hiệu ứng giảm tải nhận thức (khi đó, thay vì giữ lại ký ức trong não bộ, chúng ta sẽ lưu trữ ký ức vào một bộ nhớ ngoài). Nhưng Soares và nhóm của cô đã kiểm nghiệm xem liệu giảm tải nhận thức có phải là nguyên nhân duy nhất gây suy giảm trí nhớ khi chụp ảnh hay không. Đáng ngạc nhiên, nó không phải là yếu tố duy nhất.

Cô ấy đã đưa ra một giả thuyết mới về sự suy giảm chú ý, rằng: Việc sử dụng camera và các phương tiện truyền thông xã hội làm giảm sự hình thành ký ức. Đặc biệt, khi sử dụng Snapchat, những người tham gia thí nghiệm bị suy giảm trí nhớ thậm chí nhiều hơn so với người chỉ chụp ảnh bằng camera. Có thể, những phiền nhiễu như filter (bộ lọc hình ảnh), hiệu ứng hoặc văn bản trong giao diện ứng dụng đã gây nên hiện tượng này.

ssdh-sinh-vien-dien-thoai

 

Nghiên cứu này cùng những phát hiện trước đây của McGaugh về mối liên hệ giữa kích thích cảm xúc và trí nhớ đã làm rõ sự ảnh hưởng sâu sắc của Story đến cả một thế hệ. Chúng ta ngăn cách mình và sự kiện chúng ta muốn ghi lại bằng màn hình điện thoại, do đó, việc cảm nhận trọn vẹn khoảnh khắc đã bị cản trở.

Nhưng chúng ta cũng bị ám ảnh bởi tốc độ của kỷ nguyên công nghệ, khi con người không thể ngăn bản thân mình refresh liên tục trang Twitter cá nhân để cập nhật tin tức từ người khác, hay luôn cảm thấy bứt rứt vì muốn chia sẻ Story đến mọi người. Áp lực của việc phải liên tục tạo ra thông tin để chia sẻ thường khiến chúng ta bị phân tâm và không thể tập trung vào công việc của mình. Cuối cùng, việc chụp ảnh vô tội vạ chỉ để đăng lên Facebook sẽ làm con người ta ít quan tâm đến khoảnh khắc hơn là chụp ảnh có chủ ý.

CHỤP ẢNH CÓ CHỦ Ý

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Aaron Ricketts tự hào về khả năng của mình khi đặt sự chủ ý lên hàng đầu trong công việc. Anh thường nhắm đến những khoảnh khắc chuyển động hay những chi tiết bắt mắt. Khác với những người quan sát đơn thuần, Ricketts nhấn mạnh rằng, anh có nhận thức cao độ và sự quan sát đối với từng chi tiết.

“Khi tôi chụp ảnh, đó không chỉ đơn thuần là chụp. Lúc nào cũng cần có kế hoạch hoặc những sự tính toán nhất định”, Ricketts cho hay. Quan trọng hơn nữa, chính việc quan sát tỉ mỉ đã kích thích cảm xúc của nhiếp ảnh gia, tạo ra cảm giác rằng anh ấy luôn là người trực tiếp trải nghiệm.

Sự chọn lọc và quan tâm của Ricketts phần nào sẽ hữu ích trong việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Về mặt cá nhân, dù nhiếp ảnh là nghề nghiệp mưu sinh của Ricketts, nhưng anh không cảm thấy cần phải liên tục “chạy” theo xã hội. Thay vào đó, anh đã tìm thấy sự cân bằng giữa việc cho thế giới thấy những gì anh hướng tới và lưu lại những khoảnh khắc ấy để bản thân tận hưởng.

Có lẽ Ricketts đã tìm thấy bí mật để thành công. Chụp ảnh là một việc quan trọng và cần thiết, nên được tiếp cận với sự điều độ và có chủ ý. Lần tới, khi lấy điện thoại chụp một cảnh cho Story của mình, chúng ta nên tự nhắc nhở rằng: Có thể việc chụp ảnh sẽ phá hỏng những khoảnh khắc diệu kỳ thay vì giúp ta nhớ chúng.

Khi không thể hoàn toàn ngưng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta nên thận trọng về những khoảnh khắc chọn để chụp lại. Vì mọi thứ sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi mọi người hiểu Story với ý nghĩa là “câu chuyện” mà chúng ta có thể kể cho người khác nghe.

Cá Domino (SSDH) – Theo elle

Share.

Leave A Reply