Thầy giáo ‘săn học bổng’ và bí quyết nộp hồ sơ đâu trúng đó

0

SSDH – Sở hữu nhiều học bổng đáng mơ ước và những kinh nghiệm hữu ích, Phan Thế Anh đã dốc bầu chia sẻ các bí kíp của mình.

 

Phan Thế Anh sinh năm 1988, hiện đang là giảng viên Marketing tại trường Quốc tế Miền Đông – Bình Dương. Anh sở hữu bảng thành tích săn học bổng đáng nể như: Học bổng toàn phần cho sinh viên tiến sĩ có thành tích Xuất sắc của ĐH Tsing Hua – Đài Loan, Học bổng Thạc sĩ- MBA- SolBridge International School of Business – Hàn Quốc, Học bổng toàn phần trường University of Liverpool – Anh…

 

Hiện tại đang theo nghiệp giảng dạy, thầy giáo 8x này cũng ít nhiều hiểu hơn về ưu và nhược điểm mà các bạn trẻ đang có trong quá trình chinh phục ước mơ du học.

 

Cùng lắng nghe chia sẻ của thầy giáo này!

 

Chào thầy Thế Anh! Sở hữu bảng thành tích săn học bổng đáng nể, không biết bí quyết của anh là gì?

 

Xin chào các bạn. Thực ra mình cũng không có bí quyết gì to tát cả. Mình chỉ nhận thấy những điều quan trọng và sắp xếp mức độ ưu tiên chúng. Đầu tiên của việc đi du học chính là bạn phải có ngoại ngữ, bởi các trường quốc tế học sẽ rất ngại nhận học sinh nước ngoài mà không giao tiếp được.

 

Ngoại ngữ cũng là rào cản lớn của nhiều người Việt hiện nay. Mình nghĩ các bạn trẻ phải thực sự tập trung để vượt qua rào cản này.

 

Thầy giáo Phan Thế Anh – thầy giáo 8x đã nhận được rất nhiều học bổng du học quốc tế.

 

Vậy anh đã học ngoại ngữ như thế nào và kinh nghiệm là gì?

 

Mình nuôi ý định du học từ sớm lắm, nên học khá nghiêm túc và chỉn chu môn tiếng Anh ở trường. Thi IELTS đạt 7.0 cũng giúp mình tự tin hơn khi làm hồ sơ xin học bổng du học.

 

Ngoài tiếng Anh, mình cũng yêu thích và đã học một số ngôn ngữ châu Á như tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Thái. Mình cho rằng các bạn trẻ nếu thực sự muốn giao tiếp ngoại ngữ tốt, thì nên tìm đường ra nước ngoài, sống cùng người bản xứ, chia sẻ văn hoá của họ, quan tâm tới những điều họ yêu thích, thì chúng ta có thể tiếp cận ngôn ngữ toàn diện hơn. Chúng ta yêu ngôn ngữ ấy hơn, và dĩ nhiên có thể nói tốt hơn.

 

Du học có gì thu hút anh đến vậy? Và tại sao anh lại chọn các nước châu Á nhiều hơn là châu lục khác, có phải vì để dễ xin học bổng hơn không?

 

Đối với mình, du học là một trải nghiệm cuộc sống quan trọng, không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt đời sống, văn hóa. Cũng không hẳn vì các nước châu Á dễ xin học bổng hơn mà vì mình luôn yêu thích ngôn ngữ, con người và văn hóa Châu Á, nên mong muốn du học ở những nước như Hàn Quốc, Đài Loan nhiều hơn là các nước Mỹ, Úc, Anh… Tình cờ việc này lại trở thành lợi thế cho mình khi xin học bổng, vì rõ ràng với áp lực cạnh tranh không quá cao như các học bổng Mỹ và châu Âu, việc được nhận sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

 

Do đó, lời khuyên mình dành cho tất cả các bạn trẻ đó là nếu có thể, hãy vạch ra cho mình định hướng thật cụ thể: du học ngành nào, nước nào phù hợp với sở thích và con người mình, trước khi chuẩn bị thật kỹ các hành trang khác để bổ sung vào hồ sơ xin học bổng. Không nhất thiết du học là cứ phải sang Mỹ, sang Anh, vào Ivy League, vào trường top,… Hãy đi đến nơi bạn muốn đến và đã tìm hiểu thật kỹ, đi con đường của riêng bạn, chỉ như vậy bạn mới tận dụng được những lợi thế của mình tốt nhất.

 

Theo anh, để xin được học bổng du học ngành kinh tế, ứng viên cần phải có những tố chất hay thành tích gì?

 

Để xin được học bổng trong ngành này, ngoài ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết, thì kinh nghiệm và các thành tích hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, các chứng chỉ, kỹ năng khác có thể hỗ trợ đắc lực cho công việc cũng sẽ giúp hồ sơ của bạn hấp dẫn hơn rất nhiều.

 

Bản thân tôi thì đã có kinh nghiệm khi đi làm rồi mới xin học bổng, đồng thời cũng có nhiều thành tích và giải thưởng khác hỗ trợ để làm đẹp hồ sơ. Tuy nhiên tôi thì luôn cho rằng những bằng cấp hay thành tích mình đã đạt được không đánh giá được hết con người.

 

Đương nhiên là không thể thiếu được bởi vì đó sẽ là thứ gây ấn tượng với phòng tuyển sinh, những người chưa từng gặp bạn bao giờ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân bạn có thực sự xứng đáng với ngôi trường nơi mà bạn đang xin vào học hay không. Hãy đừng ngần ngại tham gia thật nhiều các hoạt động, dự án để tích lũy một kho kinh nghiệm thật hữu ích cho bản thân!

 

Thầy giáo Phan Thế Anh tại Hội nghị Doanh nghiệp vừa và nhỏ Châu Á 2016.

 

Anh nghĩ, các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ gì cho con em mình để giúp các em dễ thành công hơn khi xin học bổng?

 

Tôi cho rằng, đầu tiên, bố mẹ nên trở thành điểm tựa, nguồn động viên, hỗ trợ tinh thần cho con em mình trong quá trình học tập và nuôi dưỡng ước mơ du học.

 

Sau đó, bố mẹ nên tạo điều kiện cho con được phát triển toàn diện bản thân về cả kiến thức lẫn kỹ năng và các hoạt động giải trí, nghệ thuật phong phú, lành mạnh.

 

Riêng đối với ngành kinh tế, các phụ huynh có thể tạo điều kiện cho các em tham gia những khóa đào tạo chuyên môn như về quản trị,  truyền thông, Marketing, đồ họa thiết kế, xây dựng content …. Những kinh nghiệm và chứng chỉ này sẽ khiến hồ sơ xin học bổng của các bạn trẻ vượt trội hơn rất nhiều.

 

Rất cảm ơn anh về những chia sẻ rất thân tình và hữu ích cho các bạn trẻ!

 

Thành tích nổi bật của thầy giáo Phan Thế Anh

– Thành viên hội đồng; khách mời trẻ tuổi nhất Hội nghị doanh nghiệp vừa và nhỏ Châu Á (ACSB) 2016 tại Jakarta.

– Học bổng toàn phần cho sinh viên tiến sĩ có thành tích Xuất sắc của ĐH Chiao Tung- Top 2 Đài Loan.

– Học bổng toàn phần cho sinh viên tiến sĩ có thành tích Xuất sắc của ĐH Tsing Hua – Đài Loan.

– Học bổng Thạc sĩ- MBA- SolBridge International School of Business – Hàn Quốc.

– Học bổng toàn phần trường University of Liverpool- Anh.

– Học bổng toàn phần trường Massey University – NewZealand.

– Học bổng Toàn cầu của trường ĐH Woosong Global Hàn Quốc cho sinh viên. MBA có thành tích xuất sắc.

Hoạt động nổi bật:

Thành viên ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ 2013-2015.

Sáng lập viên tờ Báo trường – Trường ĐH SolBridge.

Thành viên Peer Group Leader Trường ĐH SolBridge 2012-2013.

Hội trưởng hội Sinh viên Việt Nam trường SolBridge 2012-2013.

Giải Nokia Filmmaker 2006.

Ảnh: NVCC

 

 

Share.

Leave A Reply