Thầy trò và phụ huynh tại Pháp làm gì cuối năm học?

0

SSDH – Cuối năm học nào cũng vậy, vào chủ nhật cuối tháng sáu, hội phụ huynh học sinh trường tiểu học nơi các con tôi đang học cũng tổ chức ngày hội bế giảng, quy tụ không những thầy trò, phụ huynh của trường, mà còn các ông bà nội ngoại, cô, dì, chú bác của các cháu trong trường cùng tham dự.

 chuyen%20du%20hoc%20phap.jpg

 

Trình diễn văn nghệ và mục tiêu giáo dục

 

Ngày lễ hội bắt đầu bằng các màn biểu diễn của học sinh, tất cả học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 đều tham gia các tiết mục văn nghệ theo chủ đề, trước mặt đông đảo khán giả là người thân của các cháu. Năm nay, chủ đề biểu diễn là lịch sử, nội dung các tiết mục gắn liền với những câu chuyện được lưu giữ trong các viện bảo tàng, các lâu đài, các di tích lịch sử tại Pháp.

 

Mở đầu là màn trình diễn của các bé lớp mầm và lớp chồi với câu chuyện sinh hoạt của cộng đồng người tiền sử xa xưa, sau đó lần lượt là các tiết mục của các học sinh các lớp lớn hơn.

 

Các màn trình diễn luôn là tập thể, thường là theo đơn vị lớp, cũng có khi kết hợp toàn trường. Các tiết mục của từng lớp khác nhau nhưng lại được nối kết với nhau trong một câu chuyện kể chung. Trong hàng chục lần lễ hội nhà trường mà tôi đã tham dự, chưa thấy một tiết mục cá nhân hoặc nhóm nhỏ nào được trình diễn trên sân khấu.

 

Tất cả học sinh đều là “diễn viên”, cô – trò đã chuẩn bị các tiết mục này từ trước và những sinh hoạt này nằm trong chương trình giáo dục của nhà trường. Mục tiêu của những trình diễn không hề là để lấy thành tích điểm số, hay cạnh tranh giữa các cá nhân hay lớp học trong các phong trào thi đua như chúng ta thường thấy được tổ chức ở VN, mà là giáo dục các kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần hợp tác, và nhất là làm cho học sinh mạnh dạn trước đám đông.

 

Các phụ huynh chúng tôi chẳng ai đi xem văn nghệ để thưởng thức nghệ thuật do con cái mình trình diễn, cũng chẳng ai tranh luận về chất lượng của các tiết mục, mà đi để ủng hộ, khuyến khích các cháu, xem con cái mình tham gia thế nào với tập thể, các cháu đã trưởng thành thế nào thông qua những hoạt động trước mặt đám đông như thế.

 

Sau chương trình văn nghệ, mọi người ra sân của hội trường, các gia đình xếp hàng mua đồ ăn thức uống do hội phụ huynh tổ chức bán, ngày hội kéo dài tới cuối buổi chiều với đủ thứ trò chơi của trẻ con và người lớn.

 

Về mặt kinh phí, trong những sinh hoạt được hội phụ huynh tổ chức thế này (được tổ chức hai lần một năm học, một lần trước kỳ nghĩ Giáng sinh, một lần là bế giảng), thường là hội có lãi, số tiền hội thu được đủ để trang trải cho các hoạt động quanh năm, cũng như hỗ trợ những sinh hoạt liên quan đến học sinh khi cần thiết. Nói cách khác, đây là cách kiếm kinh phí cho quỹ hội.

 

Sự tham gia của người dân

 chuyen%20du%20hoc%20phap2.jpg

 

Tại Pháp, mà cụ thể là tại ngôi trường này, những hoạt động liên quan đến học sinh, đến nhà trường đều thu hút sự quan tâm của người dân một cách đặc biệt. Trong những lễ hội thế này, hoặc các buổi họp phụ huynh, hầu như không có phụ huynh nào vắng mặt. Họ đến để tìm hiểu và bàn bạc với giáo viên về cách thức phối hợp nhà trường – gia đình trong việc giáo dục con họ; họ tranh luận, góp ý một cách nhiệt tình vì họ ý thức rằng trường học không chỉ là nơi dạy các kiến thức và kỹ năng, mà còn là nơi “xã hội hoá giới trẻ”, đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh.

 

Mặt khác, sự tham gia nhiệt tình của các phụ huynh còn có một ý nghĩa khác, phản ánh một cơ chế, một môi trường xã hội dân chủ, trong đó các nhà lãnh đạo đã huy động được các hội nhóm dân sự, từng người dân đóng góp vào việc chung một cách tích cực. Tôi nghĩ, xã hội nói chung và giáo dục nói riêng sẽ luôn năng động và phát triển một cách hài hoà khi từng cá nhân cụ thể ý thức và chủ động tham gia vào việc chung như thế. Đơn giản là vì khi có nhiều sáng kiến được đóng góp và triển khai, sự thay đổi sẽ được thúc đẩy; mặt khác, khi có sự tranh luận, cọ xát các ý kiến, những điều không thích hợp sẽ được lược bỏ bớt và tạo ra sự cân bằng.

 

Một trong những vấn đề lớn của giáo dục VN hiện nay mà chúng tôi thấy rõ qua các nghiên cứu của mình là hệ thống đã làm “tê liệt” bên dưới, làm hạn chế sự đóng góp của các thành viên do cơ chế quản lý tập quyền gây ra. Một hệ thống mà các giáo viên chỉ là những người “thợ dạy” thụ động, không có quyền hành gì đáng kể trong nghề nghiệp, các phụ huynh lại càng không biết gì nhiều, không thể can thiệp vào những gì xảy ra với con cái mình tại trường học. Một hệ thống như thế sẽ khó thay đổi, khó phát triển vì nó không kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, thiếu nguồn cung các sáng kiến, không có khoảng trống cho những điều mới mẻ đến từ từng cá nhân được thể hiện, thiếu sự cọ xát, trao đổi giữa các chủ thể trong giáo dục để có thể thúc đẩy sự thay đổi …

 

Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều phụ huynh ở VN, đa số họ đều cho biết, họ chỉ được kêu đến trong các buổi họp phụ huynh để nghe chuyện đóng các khoản tiền, để nghe con họ được mấy điểm, được xếp loại thế nào, chẳng ai hỏi ý kiến của họ về những điều xảy ra trong nhà trường như các chương trình sinh hoạt, hay nội dung chương trình giảng dạy. Có lẽ vì vậy, các phụ huynh chẳng mặn mà gì với việc họp phụ huynh, họ tham gia một cách chiếu lệ để nghe phổ biến hơn là để góp phần vào việc chung.

 

Tôi nghĩ, nếu tạo ra được môi trường và văn hoá dân chủ như ở Pháp, người Việt chúng ta cũng sẽ rất tích cực đóng góp và tham gia vào việc chung, nhất là những việc liên quan đến học hành của con cái họ vì tinh thần hiếu học, sự xem trọng sự học vốn đã là một truyền thống ở nước ta.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Vietnamnet

Share.

Leave A Reply