Thiên đường sách ở Paris

0

Sẵn sàng du học – Đó là một hiệu sách cũ kỹ, trầm lặng nằm giữa vùng đắc địa của Paris, bên trong là những kệ sách cao ngất và nườm nượp người mua.

Hẹn hò với Paris là cuốn sách du ký mới nhất của nhà báo Trương Anh Ngọc. Ở những cuốn sách trước, anh dẫn người đọc tới với miền đất đầy mê đắm Italy, thì tới cuốn sách này, tác giả đưa độc giả đến vùng đất lãng mạn Paris.

ssdh-hen-ho-voi-paris

 

Theo chân Trương Anh Ngọc khám phá mọi ngõ ngách mơ màng của Paris, trong đó có thiên đường sách mà tác giả dành nhiều tình cảm. Thiên đường sách ấy thật ra không rộng lớn, cũng chẳng hào nhoáng rực rỡ. Đó là một hiệu sách với mặt tiền cũ kỹ sơn màu xanh và vàng, một chiếc ghế cũ tróc lở phía bên ngoài, diện tích hiệu sách chỉ bằng khoảng một nửa quảng trường.

Hiệu sách Shakespeare and Company ấn tượng tới mức Trương Anh Ngọc không chỉ nhớ về diện mạo của nó, mà còn miêu tả chính xác những gì nằm xung quanh nó. Từ hiệu sách ấy, nhìn một chút ra phía trước, qua những khóm cây, đó là sông Seine. Nhìn xa hơn về bên trái, tháp chuông cao vút của nhà thờ Đức Bà Paris vươn lên. Cách đấy không xa là khu Latin, và quảng trường Saint-Michel và đại lộ Saint-Germain náo nhiệt.

Không gian nhỏ bé ấy chính xác là một thiên đường dành cho những “mọt sách”. Đối lập với những náo nhiệt phồn hoa cách đó chỉ 10 bước chân, bên trong hiệu sách là sự yên tĩnh ngự trị.

Quang cảnh bên ngoài hiệu sách Shakespeare and Company.

Quang cảnh bên ngoài hiệu sách Shakespeare and Company.

Anh Ngọc miêu tả: “Thiên đường ấy thực ra không lớn, có lúc người ta đã phải đưa ra tấm biển yêu cầu khách đứng ngoài chờ. Bên trong, những giá sách cao ngất phải dùng thang để trèo lên lấy và người ta khó có thể tìm sách hoặc đứng đọc tại các giá được phân loại theo chủ đề mà không va chạm nhau”.

Hiệu sách được ví là “Một utopia (thế giới không tưởng) của trí thức, sách vở, kiến thức, của mọi thứ liên quan, từ triết học cho đến Albert Camus, từ sách khoa học cho đến các tiểu thuyết bán chạy của Stephen King".

Nơi đây, người đến mua nườm nượp, khiến những người đứng sau quầy thu tiền làm việc mệt nghỉ, nhưng vẫn không quên hỏi khách mua rằng họ có muốn đóng một dấu logo của hiệu sách (có gương mặt Shakespeare bất hủ và dòng chữ “kilomet số 0 của Paris) vào sách không.

Tiệm sách quá nổi tiếng, đến mức nó không chỉ là nơi bán sách nữa. Đây vừa là nơi dòng người đến mua sách, du khách ghé qua thăm và chụp ảnh, nơi các thi sĩ ít tên tuổi đọc các vần thơ của mình, nơi các nhà văn mới đến giao lưu, ký tặng độc giả.

Bên trong hiệu sách thiên đường.

Bên trong hiệu sách thiên đường.

Ở hiệu sách này có một không gian yên tĩnh cho việc đọc sách miễn phí, có các hoạt động liên quan văn học hàng tuần. Đa phần những người đẩy cánh cửa bước vào thiên đường này là thanh niên.

Shakespeare and Company xuất hiện một cách lãng mạn và thơ mộng trong các bộ phim như Midnight in Paris (Woody Allen), Before Sunset (Richard Linklater), serie phim truyền hình Triumph in the Skies 2

Lịch sử của hiệu sách được Trương Anh Ngọc kể như thể nơi đây không phải là chốn bán mua, mà là một địa điểm văn hóa. Năm 1951, hiệu sách được mở với cái tên Le Mistral bởi George Whitman.

Nơi đây đã đón tiếp hơn 30.000 thanh niên yêu văn học và thơ ca đến trú ngụ mà không phải trả đồng nào. Họ ngủ trong các góc của hiệu sách hoặc trên lầu bốn, mỗi ngày đứng bán sách hai tiếng đồng hồ, phải đọc một cuốn sách, phải viết một câu chuyện để giới thiệu bản thân và buổi đêm thì sáng tác.

Ngày nay, hiệu sách do Silvia – con gái George Whitman – tiếp quản. Nằm ở vị trí đắc địa của Paris, mỗi mét vuông của hiệu sách có giá hàng tấn tiền, nhiều nhà đầu tư đã tới đây, vẽ lên không trung biểu tượng của đồng euro, hỏi giá bao nhiêu để mua toàn bộ không gian cho những dự án kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Nhưng bà chủ Silvia luôn đưa ra câu trả lời là một chữ “non” (không) thật hãnh diện.

Trương Anh Ngọc đánh giá, ở thời đại mà những hiệu sách trực tuyến như Amazon và công nghệ Steve Jobs chế ngự cuộc sống, thì sự tồn tại của những hiệu sách như Shakespeare and Company giữa lòng Paris giống như một sự thách đố với trào lưu sách điện tử và là cách chống chọi với làn sóng thương mại hóa nhìn đâu cũng ra tiền.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply