Thói quen dịch khi nói tiếng Anh

0

Sẵn sàng du học – Tập trung diễn đạt ý tưởng thay vì tìm từ có nghĩa y hệt trong tiếng mẹ đẻ giúp bạn giao tiếp trôi chảy hơn.

taiwanviet-1418

Con mình sang Mỹ được ba tháng, đã hoàn toàn giao tiếp được bằng tiếng Anh với các bạn người Mỹ, có thể làm quen bạn mới ở các khu vui chơi hay mua sắm. Tiếng Anh của cháu đã khá hơn trước rất nhiều.

Sáng nay đi siêu thị, khi nói về chuyện nhà cửa, cháu nói “so it’s a house big”. Mình cười, sửa cho cháu: “it’s a big house”, rồi quay sang nói với cô bên cạnh – người đang nghiên cứu ngôn ngữ học – “that’s Vietnamese grammar”.

Mình nhớ câu chuyện về đời kinh doanh của Vikrom, tỷ phú người Thái Lan, có một đoạn ngắn viết về quá trình học tiếng Anh để xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Ông nói, mới đầu, giao tiếp tiếng Anh không tốt, ông thường nghĩ bằng tiếng Thái rồi dịch ra tiếng Anh. Giống như nhiều học viên tiếng Anh, quá trình này gây ra nhiều phiền toái. Nhưng sau này, khi giao tiếp nhiều, tự nhiên ông không dịch nữa, mà nghĩ bằng tiếng Anh luôn.

Trong phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở Mỹ, sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) để dạy ngôn ngữ thứ hai (tiếng Anh) cũng là một phương pháp thường được sử dụng. Như vậy, ngay trong giáo dục, dịch cũng là một trong những cách thức để người học tiếp cận ngôn ngữ.

Qua hai ví dụ của con mình và tỷ phú người Thái, cũng như kinh nghiệm của nhiều học viên khác, việc dịch trong giao tiếp tiếng Anh rõ ràng là xu hướng tất yếu của người học ngôn ngữ thứ hai. Nó thường bắt nguồn ở giai đoạn đầu, người học có xu hướng “bấu víu” vào ngôn ngữ mẹ đẻ khi ngôn ngữ thứ hai chưa hoàn thiện, ở cả khía cạnh từ vựng và ngữ pháp.

Về ngữ pháp, ví dụ về con trai mình là điển hình. Về từ vựng, chẳng hạn khi muốn diễn đạt “Tôi đón con ở trường lúc 5h” và không nghĩ ra chữ “đón” là gì trong tiếng Anh, thông thường bạn sẽ không nói được.

Sự thiếu từ vựng và ngữ pháp này, theo quan sát của mình với hai cháu đang hòa nhập ở Mỹ, dẫn tới “silent period” – giai đoạn trẻ không nói. Ở giai đoạn này, các cháu cố nghe để học cách nói đúng của người bản xứ và bắt chước theo, thường mất 3-4 tháng. Trẻ con khi học tiếng Anh ở nước bản xứ ít gặp hiện tượng dịch, có lẽ vì nó không hiệu quả trong giao tiếp, hoặc vì trẻ em không biết học theo cách của người lớn.

Với người học tiếng Anh ở Việt Nam, hiện tượng dịch phổ biến hơn. Trong giao tiếp, người học xây dựng một câu gần hoàn chỉnh, tới khi gặp từ mới là “bí”, như ví dụ “đón” ở trên. Nếu người nói ít nghe hoặc đọc, sự bí từ do dịch này sẽ trở thành rào cản lớn trong giao tiếp.

Làm thế nào để vượt qua được thói quen dịch? Cách tốt nhất là giao tiếp thật nhiều. Như đã nói ở trên, trình độ càng thấp thì xu hướng dịch càng tăng. Khi đã nghe và nói tiếng Anh tốt, xu hướng dịch sẽ giảm dần.

Nếu bạn giao tiếp đủ nhiều, từ vựng sẽ “tuôn trào” khi bạn cần đến nó. Đôi khi bạn sẽ mắc lỗi, nhưng nếu diễn đạt chính xác ý tưởng chứ không phải từ, bạn đã giao tiếp thành công và nhận ra mình không còn dịch nữa.

Cá Domino (SSDH) – Theo vnexpress.net

Share.

Leave A Reply