Tiến sĩ Mỹ cũng thất nghiệp hàng loạt

0

SSDH – Báo cáo dựa trên những số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia (Đại học Chicago, Mỹ) chỉ ra rằng, những Tiến sĩ sau nhiều năm tháng học tập miệt mài hiện đang phải đối mặt với số nợ khổng lồ trong khi chưa chắc đã có được một công việc ổn định. Tuy nhiên, không nhiều người quan tâm tới điều này, trong khi các trường đại học vẫn đều đặn “cho ra lò” ngày càng nhiều Tiến sĩ so với trước đây.

 Tiến%20sĩ%20Mỹ.jpg

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ  ở Mỹ chủ yếu dựa vào các nguồn trợ cấp, lương trợ giảng và nghiên cứu để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. (Nguồn: The Atlantic)

 

Hành trình gian truân

 

Ai cũng biết, để có được tấm bằng Tiến sĩ, các nghiên cứu sinh phải trải qua một chặng đường dài và gian khó. Dù có nhiều chuyên gia kêu gọi cải cách, nhưng thời gian của các chương trình đào tạo Tiến sĩ vẫn chưa giảm đáng kể trong thập kỉ qua.

 

Cụ thể, theo số liệu thống kê năm 2014, trung bình mỗi nghiên cứu sinh phải mất 8 năm để hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngành Khoa học xã hội. Bên cạnh đó, theo khảo sát của NSF, mỗi nghiên cứu sinh mất 9 năm để có được Tiến sĩ ngành Nhân văn, 7 năm để có được bằng Tiến sĩ ngành Điện tử cơ khí và mất đến 12 năm để hoàn thành chương trình Tiến sĩ Giáo dục.

 

Nói cách khác, những nghiên cứu sinh tốt nghiệp chương trình đào tạo Tiến sĩ và bắt đầu vào nghề khi đã khoảng trên dưới 30 tuổi. Trong khi đó, những bạn bè đồng trang lứa của họ đã có thể kiếm được tiền gửi ngân hàng hay đã có thể dành dụm để mua một căn nhà nhỏ cho gia đình mình.

 

Trong khi hầu hết nghiên cứu sinh Tiến sĩ chủ yếu dựa vào các nguồn trợ cấp, lương trợ giảng và nghiên cứu để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt, họ còn phải sử dụng đến tiền tiết kiệm cá nhân, tiền tiết kiệm của vợ/chồng mình hoặc người thân, cùng các khoản vay dành cho sinh viên khác… Vì thế, hơn 12% số người hoàn thành bậc Tiến sĩ với số nợ lên tới hơn 70.000 USD. Tỉ lệ này đặc biệt cao trong ngành Khoa học xã hội và Giáo dục. Những món nợ này hiện đang rất đáng báo động bởi rất ít Tiến sĩ có được công việc đúng như mong muốn ngay sau khi tốt nghiệp so với cách đây 10 năm.

 

Vật lộn tìm việc

 

Theo nghiên cứu của NSF, thị trường việc làm cho những người có bằng cấp chuyên sâu hiện đang thu hẹp lại. Ngày càng nhiều Tiến sĩ trong tất cả mọi lĩnh vực than phiền rằng việc làm của họ không được đảm bảo như trong khoảng thời gian cách đây 10 năm. Khi được khảo sát năm 2014, gần 40% số tiến sĩ không tìm được một việc làm mong muốn dù trong ngành công nghiệp tư nhân hay trong các trung tâm nghiên cứu, học viện sau khi ra trường.

 

Có lẽ sẽ không mấy ngạc nhiên khi biết rằng những Tiến sĩ trong ngành Khoa học xã hội – Nhân văn hiện đang phải vật lộn để tìm được một công việc ổn định trong các trung tâm hoặc viện nghiên cứu.

 

Báo cáo của NSF chỉ ra rằng, dù cho một Tiến sĩ có thể trở thành Giáo sư Đại học thì họ cũng chỉ nhận được mức lương trung bình 60.000 USD/ năm. Những người học lên bậc sau Tiến sĩ cũng chỉ được trả hơn 40.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, mức lương thử việc trung bình của một sinh viên tốt nghiệp Đại học trong năm 2014 đã là 45.478 USD. Bên cạnh đó, hiện chưa biết rõ số 40% Tiến sĩ ở Mỹ không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp hiện đang làm gì để kiếm sống.

 

Theo Inside Higher Ed’s – một trang tạp chí chuyên về giáo dục và tìm kiếm việc làm tại Mỹ, thị trường việc làm thu hẹp sẽ dẫn đến tính cạnh tranh trong thị trường việc làm sẽ tăng lên vì các Tiến sĩ mới tốt nghiệp sẽ không chỉ đấu chọi với người đồng niên của mình mà còn phải đấu chọi với những tiền bối tốt nghiệp trước đó.

 

Trong khi đó, các trường Đại học và trung tâm nghiên cứu vẫn chưa có dấu hiệu cắt giảm đầu vào dành cho các nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Năm 2014, những trường Đại học, trung tâm nghiên cứu tại Mỹ đã cấp bằng cho 54.070 Tiến sĩ – nhiều hơn 12.000 Tiến sĩ so với năm 2004. Tất cả mọi lĩnh vực, ngoại trừ giáo dục, đều có sự gia tăng mạnh về số lượng học viên, đặc biệt là trong ngành khoa học và kĩ thuật.

 

Giới nghiên cứu dự đoán, nếu nước Mỹ không có sự thay đổi hệ thống giáo dục một cách nghiêm túc, chẳng hạn như trả lương cao hơn cho các trợ giảng hoặc giảm thời gian nghiên cứu Tiến sĩ, thì hàng ngàn Tiến sĩ ở độ tuổi 30 sẽ không biết đi đâu, về đâu trong bối cảnh việc làm ngày càng khó khăn này.

 

Nguồn: Báo mới

Share.

Leave A Reply