Tìm hiểu nền giáo dục đại học tại Thuỵ Sĩ

0

Tại Thụy Sĩ có các trường nhà nước và các trường tư thuộc các cấp và phạm vi khác nhau. Trường công do chính quyền các bang cung cấp tài chính và giám sát hoạt động.

Nhìn chung, Thụy Sĩ có hệ thống giáo dục chất lượng cao, không chỉ phù hợp với các sinh viên trong nước mà còn phù hợp với cả sinh viên quốc tế. Hiện nay số sinh viên quốc tế đang học tại các trường đại học của Thụy Sĩ chiếm đến 40% tổng số sinh viên của trường và con số này đang có xu hướng ngày càng tăng dần lên.

 

Tìm hiểu nền giáo dục đại học tại Thuỵ Sĩ

Về mặt cơ cấu tổ chức và bằng cấp, giáo dục đại học Thụy Sĩ tuân theo tiêu chuẩn châu Âu, sinh viên dễ dàng học chuyển tiếp tại môi trường đại học trên thế giới. Bằng đại học ba năm; thạc sĩ: hai năm; tiến sĩ: ba năm.

Hiệp định giáo dục châu Âu Bologna

Tháng 1-1999, Hội đồng giáo dục 29 nước phát triển tại châu Âu (Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Ý, Thụy Sĩ…) đã ký kết Hiệp định giáo dục Bologna, nhằm duy trì và phát triển hệ thống giáo dục đại học bảo đảm chất lượng giáo dục tại châu Âu cũng như trên toàn cầu. 

Ngày nay tất cả hệ thống đại học tổng hợp, đại học kỹ thuật và đại học khoa học ứng dụng của Thụy Sĩ đã cải cách hệ thống giáo dục cũ theo các giáo trình đào tạo hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chương trình tu nghiệp của mô hình Hiệp định giáo dục châu Âu Bologna. 

Hệ thống chuyển tiếp tín điểm châu Âu ECTS (European Transferred Credits Systems), căn cứ vào khối lượng việc học tập, nghiên cứu thực hiện các giáo trình đồ án. Hệ thống điểm ECTS đánh giá chính xác thông qua kết quả học tập và khả năng phát triển của mỗi cá nhân. Mỗi năm học tương đương 60 tín điểm ECTS (khoảng 1.500 đến 1.800 giờ).

Hệ thống tín điểm ECTS bảo đảm và mang lại ích lợi cho mọi sinh viên trong việc tiếp thu kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và dễ dàng trong việc chuyển tiếp học tập nghiên cứu tại bất kỳ các trường đại học chính quy châu Âu cũng như trên toàn thế giới, bảo đảm giá trị bằng cấp sau khi tốt nghiệp.

Giáo dục đại học: Giáo dục đại học Thụy Sĩ chia làm hai nhóm chính:

Thứ nhất là các trường đại học tổng hợp dành cho những học sinh theo học chương trình văn hóa chung. Ở Thụy Sĩ có 10 trường đại học tổng hợp trực thuộc bang và hai trường bách khoa trực thuộc liên bang (mỗi trường có nhiều chi nhánh). Các trường trực thuộc bang có cơ cấu tổ chức tương đối giống nhau. Đa số các trường đều có khoa kinh tế, khoa luật, khoa học chính xác, khoa học xã hội. Hai trường đại học bách khoa thì đào tạo kỹ sư, các môn khoa học chính xác, khoa học tự nhiên.

Thứ hai là các trường đại học chuyên ngành dành cho những học sinh học nghề từ THPT muốn đạt trình độ đại học về học nghề: có khoảng 70 trường đại học với hơn 300 chuyên ngành đào tạo. Về mặt trình độ hay bằng cấp các trường này hoàn toàn tương đương với các trường đại học tổng hợp kể trên.

Điểm khác nhau duy nhất là các trường này đặc biệt chú trọng tới thực hành trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, nhạc, nghệ thuật, y tế, quản lý hành chính… (những chuyên ngành trên cũng được dạy trong các trường đại học tổng hợp). Học phí ở các trường (kể cả đại học công lập và tư thục) của Thụy Sĩ tương đối thấp.

Tuy nhiên việc xin học ở các trường này không dễ vì đòi hỏi kiến thức rất cao. Sinh viên cũng có thể lựa chọn bất cứ một chuyên ngành nào theo mong muốn như: Quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, công nghệ thông tin, môi trường, v.v… được đào tạo bằng tiếng Pháp, Đức và Ý. Dịch vụ ngân hàng, khách sạn và du lịch là thế mạnh của giáo dục – đào tạo Thụy Sĩ.

Các trường tư ở Thụy Sĩ độc lập với Chính phủ. Học phí cao, chuẩn mực và đòi hỏi kiến thức khác nhau rất nhiều giữa các trường. Sinh viên cần tự chọn cẩn thận trường mình muốn theo học. Các trường tư đôi khi cũng được Chính phủ trợ giúp, đổi lại Chính phủ cũng có hình thức quản lý tương ứng. Vậy nên một số bằng cấp được Chính phủ Thụy Sĩ công nhận, một số khác lại không.

Hệ các trường quản lý khách sạn

Thụy Sĩ được cho là chiếc nôi của ngành giáo dục nghiệp vụ quản trị khách sạn từ thế kỷ XIX và cho đến ngày nay đã thu hút số đông sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các trường quản lý khách sạn Thụy Sĩ giảng dạy bằng tiếng Anh đều nằm trong hệ thống giáo dục tư thục, học phí cao và chất lượng cơ sở vật chất, điều kiện tuyển sinh cũng khác nhau giữa các trường.

Thụy Sĩ có năm trường quản lý khách sạn giảng dạy bằng tiếng Pháp, Đức, Ý đào tạo ở các cấp trung học, cao đẳng bậc cao, chỉ có Trường Quản lý Khách sạn EHL được công nhận là Trường Đại học Ứng dụng Thụy Sĩ. Các trường khách sạn này trực thuộc Chính phủ do đó học phí thấp và chất lượng chương trình giảng dạy rất tốt.

Tại hệ thống các trường quản lý khách sạn dù là trường tư hay trường công, các khóa học lý thuyết luôn kết hợp xen kẽ với các khóa thực tập có trả lương, điều này không những mang đến kinh nghiệm cho sinh viên mà là cơ hội có thêm tiền để trang trải phần nào cho học phí cũng như cuộc sống sinh hoạt.

Visa du học Thụy Sĩ Dựa vào thời hạn khóa học đã đăng ký, visa sinh viên sẽ được cấp theo các hình thức khác nhau. Khóa học ngắn hơn ba tháng sẽ cấp theo hình thức visa du lịch và được cấp trực tiếp tại Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Việt Nam. Khóa học từ hơn ba tháng đến hơn một năm cấp theo hình thức visa du học do phòng quản lý nhập cảnh mỗi bang xét duyệt. Quá trình giải quyết hồ sơ có thể từ hai đến 12 tuần tùy theo mỗi bang.

Hồ sơ visa du học và du lịch

– Đơn xin du học (ghi rõ lý do mục đích du học, cam kết rời Thụy Sĩ khi kết thúc khóa học).

– Sơ yếu lý lịch ghi rõ chi tiết bản thân.

– Bản sao hộ chiếu bao gồm bảy trang đầu tiên.

– Bản sao giấy khai sinh.

– Ba tấm hình thẻ (4×6).

– Điền ba mẫu đơn cấp visa do lãnh sự quán cung cấp.

– Lá thư mời học hoặc du lịch.

– Giấy chứng nhận đã nhận phí đặt cọc và phí ghi danh.

– Tất cả những bằng cấp học lực nếu có (bản sao có công chứng).

– Khả năng tài chính (sổ tiết kiệm từ 20.000 CHF không quá hạn ba tháng).

– Phí visa 1.300.000 đồng Việt Nam đóng khi nộp hồ sơ.

– Tất cả hồ sơ trên dịch sang tiếng Anh, hoặc Pháp, Đức, Ý có công chứng và sao thành ba bộ.

Chú ý: Từ tháng 1/2008 theo áp dụng mới do Đại sứ quán Thụy Sĩ yêu cầu: Sinh viên đăng ký học chương trình bằng tiếng Anh, cần phải có chứng chỉ IELTS từ 4.5 (không yêu cầu phỏng vấn). Sinh viên đăng ký học chương trình bằng tiếng Pháp, hoặc Đức, Ý cần có chứng chỉ và có thể yêu cầu phỏng vấn tại Đại sứ quán Thụy Sĩ (Hà Nội). 

Các loại giấy phép 

– Loại B: Giấy phép có giá trị một năm và được phép gia hạn tại Thụy Sĩ sau mỗi năm.

– Loại L: Giấy phép thời hạn ngắn hơn một năm có thể gia hạn tùy theo chương trình học tập.

– Loại Du lịch: Ngắn hơn ba tháng do Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cấp (không được gia hạn thêm khi đến Thụy Sĩ). 

Tất cả sinh viên nhận visa tại Đại sứ quán Thụy Sĩ bao giờ cũng có giá trị ít hơn ba tháng và sẽ chuyển đổi sang giấy phép L hoặc B khi sang Thụy Sĩ, giấy phép này có thể ra vào Thụy Sĩ bất kỳ lúc nào theo thời hạn giá trị. 

Địa chỉ  Đại sứ quán Thụy Sĩ 

44B Lý Thường Kiệt, G.P.O. Box 42, Hà Nội 

ĐT: (04) 39346589; Fax: (04) 39346591 

Email: vertretung@han.rep.admin.ch Địa chỉ 

Lãnh sứ quán Thụy Sĩ tại TP.HCM Số 1, đường số 14, phường An Phú, quận 2, TP.HCM

ĐT: (08) 37446996; Fax: (08) 37446990 Email: wafler@hcm.vnn.vn

Share.

Leave A Reply