Tình trạng “chảy máu chất xám” tại Đông Nam Á đang tồi tệ hơn?

0

SSDH – Những thập niên gần đây, chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đã tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, tuy nhiên tình trạng người có học thức rời khỏi đất nước vẫn chưa dừng lại. 

dongnamaphilippinesbloomberg_abgu

Nguồn: Bloomberg

Cách đây vài năm, nam sinh viên ngành Y tại Philippines, anh Nyl Patangan, đã rời quê hương để tìm kiếm cơ hội tại nước khác. Cuối cùng, trải qua một thời gian vất vả ở Dubai, anh đã tìm được bến đỗ của mình là một bệnh viện tại Chicago, Mỹ. Giờ anh đang gửi tiền về trợ giúp gia đình ở Philippines, mua cho mẹ một chiếc ô tô Toyota Vios.

Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số lượng những người nhập cư có bằng đại học vào các nước giàu trong nhóm nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong 10 năm tính đến hết năm 2011 tăng đột biến 66% lên 2,8 triệu người. 

Hơn một nửa trong số đó đến từ Philippines. Người Philippines không chỉ tìm đến các nước trong OECD mà họ còn đến một số nước thuộc khu vực Trung Đông.

Xu thế này vẫn tiếp diễn trong thập niên gần đây. Từ năm 2011 đến năm 2015, số lượng người Philippines rời đất nước đi làm ở nước ngoài tăng 27%.

Thập niên 1960, khi hàng loạt các nhà khoa học và tri thức Anh bỏ Anh đến Mỹ, lần đầu tiên người ta nói đến cụm từ “chảy máu chất xám”. Tình trạng tương tự đang diễn ra tại nhiều nước mới nổi, nhiều người trẻ có học thức đang rời đất nước để kiếm cơ hội tại vùng đất mới. Dù tất nhiên, các nước mới nổi hưởng lợi khi kiều hối được gửi mạnh về nước nhưng thiệt hại từ chảy máu chất xám không thể tránh khỏi. 

Ngân hàng Thế giới ước tính tổng kiều hối gửi về các nước đang phát triển năm 2016 lên đến 429 tỷ USD, trong đó riêng tiền gửi về Philippines lên đến 30 tỷ USD, tức tương đương khoảng 10% GDP nước này.

Trong nghiên cứu công bố vào tháng Hai năm nay, ông Jeanne Batalova, Andriy Shymonyak, và Guntur Sugiyarto, chuyên viên nghiên cứu của ngân hàng ADB, nhận xét: “Tình trạng thiếu hụt nhân lực trong hàng loạt các ngành quan trọng bao gồm y khoa, kỹ thuật, quản lý, giáo dục sẽ cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội của nhóm nước mới nổi.”

Khá đông nhân lực nhập cư có trình độ cao tại các nước phát triển đến từ các nước bao gồm Philippines, Singapore, Việt Nam, Lào, Campuchia.

Những thập niên gần đây, chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đã tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, tuy nhiên tình trạng người có học thức rời khỏi đất nước vẫn chưa dừng lại. 

Thống kê đối với cộng đồng người Philippines, Malaysia, Singapore tại các nước OECD cho thấy hơn 50% có trình độ học vấn cao, trong khi tỷ lệ này đối với các nhóm cộng đồng khác chỉ khoảng 30%.

Người nhập cư đến từ các nước Đông Nam Á thường có trình độ học vấn và kinh nghiệm cao hơn rất nhiều so với mức cần thiết của công việc họ đang làm. Khoảng 52% người Thái Lan có trình độ cao vượt trội so với công việc của họ tại nước sở tại. Tỷ lệ này đối với nhóm người nhập cư đến từ Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar là 40%.

Kinh tế nhiều nước Đông Nam Á những năm gần đây tăng trưởng mạnh. Kinh tế Philippines, Lào, Myanmar và Campuchia tăng trưởng đến hơn 6%/năm trong suốt nhiều năm. Thế nhưng điều đó không thể ngăn được làn sóng người có học thức rời khỏi đất nước.

Theo lý giải của ADB, người nhập cư rời khỏi đất nước bởi họ muốn có được mức lương cao, điều kiện sống tốt, cơ hội làm việc với chuyên môn cao và tiếp tục theo đuổi các cơ hội học hành.

Quay trở lại câu chuyện ở đầu bài viết, Patangan cho biết rất nhiều y tá trong bệnh viện nơi anh làm việc đến từ Campuchia, Lào, Thái Lan. Patangan hiện đang làm 2 việc và đã có tư cách lưu trú dài hạn ở Mỹ. 

Trong năm nay, anh sẽ về thăm cha mẹ ở Philippines và du lịch châu Âu. Nói về công việc của mình ở Mỹ, anh chia sẻ: “Tôi nghĩ ở đây tôi phải làm việc vất vả, nhưng ít nhất, tôi đang kiếm tiền tốt.”

Thái Hải (SSDH) – Theo BizLive

Share.

Leave A Reply