Tôi đi học trường đại học số 1 châu Á

0

SSDH – Môi trường kích thích tinh thần tự học, cơ hội tiếp cận tài liệu học thuật, cơ sở vật chất tích hợp là những yếu tố đáng để sinh viên trải nghiệm tại Đại học Quốc gia Singapore.

 

Tôi được học một học kỳ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) theo chương trình Chuyển đổi tín chỉ trong mạng lưới đại học Đông Nam Á (AUN-ACTS). Mặc dù đã nhiều lần nghe về ngôi trường này và có bạn bè học tập tại đây, tôi vẫn bất ngờ về quy mô cơ sở vật chất lẫn chất lượng dạy học, sự đa dạng sinh viên ở NUS.

 

Nơi nào cũng có thể học

 

Về kiến trúc, khuôn viên chính của NUS có thể hình dung như Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM, với nhiều trường đại học chuyên biệt khác nhau như xã hội, tự nhiên, kỹ thuật… Sinh viên di chuyển giữa các trường bằng hệ thống xe buýt miễn phí, phục vụ liên tục từ sáng đến khuya.

 

Điều thích nhất là bất kỳ nơi nào ở trường cũng có thể là nơi học. Các hành lang được trang bị dãy bàn ghế, có nơi cắm sạc và hệ thống wifi mạnh phủ khắp nơi, chỉ cần đăng nhập bằng mã số sinh viên và mật khẩu. Thậm chí, nhiều nơi còn có các laptop công cộng để sinh viên sử dụng.

 

Tôi đi học trường đại học số 1 châu Á

Một trong những khu vực tự học. Ảnh: Diệp Uyên.

 

Bên cạnh đó, trường cũng có một loạt phòng tự học yên tĩnh, trang bị máy tính để bàn hoặc Macbook, phục vụ nhu cầu học và làm dự án đa phương tiện.

 

Một số phòng chuyên dụng cho viêc học nhóm, thảo luận với bảng, màn hình vi tính lớn. Môi trường học tập đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản để tiếp cận thông tin, giao tiếp là động lực đầu tiên để sinh viên tự học và học hiệu quả.

 

Tiếp cận tài liệu học thuật thế giới

 

Năm hai đại học ở Việt Nam, tôi học môn Nghiên cứu khoa học. Nhóm tôi gặp hạn chế trong việc tiếp cận các bài báo, công trình nghiên cứu trên thế giới. Những tài liệu này phải mua, hoặc chỉ cung cấp cho những trường thành viên đăng ký sử dụng.

 

Ở NUS, khi đăng nhập hệ thống thư viện trực tuyến của trường, sinh viên có thể tìm và tiếp cận hơn 90% các tài liệu cần tìm. Đây không phải điều đáng ngạc nhiên ở các trường đại học lớn, ở Mỹ, Anh, Australia,… nhưng khi trải nghiệm ở hai môi trường học, tôi thấy được sự thiệt thòi của sinh viên Việt Nam và sự ưu việt ở ngôi trường hàng đầu Châu Á này, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu. 

 

Ai cũng phải phát biểu

 

Tôi đăng ký học bốn môn ở NUS. Ba trong bốn môn học theo cách truyền thống của các bạn sinh viên ở đây. Chúng tôi sẽ học kiến thức nền tảng ở lớp lớn với giảng viên phụ trách chính module. Sau đó, chúng tôi được chia nhỏ thành các lớp Tutorial, học với các trợ giảng.

 

Ở các lớp nhỏ này, sinh viên được củng cố kiến thức cũng như thực hiện các bài tập nhóm, thuyết trình, hay ôn tập những dạng bài thường gặp trong đề thi giữa và cuối kỳ. Điều này khiến tôi yên tâm sẽ theo kịp các bạn và mạnh dạn đặt vấn đề với trợ giảng nếu còn chưa hiểu bài.

 

Tôi đi học trường đại học số 1 châu Á

Giảng đường của một trong bốn môn học tôi đăng ký. Ảnh: Diệp Uyên.

 

Môn còn lại, tôi được trải nghiệm phương pháp học e-learning. Cứ mỗi tuần, thay vì đến giảng đường, giảng viên sẽ đăng tải các video kèm bài giảng và các tài liệu đọc bổ sung lên website quản lý chương trình học của mỗi sinh viên. Sinh viên có thể học bất kỳ lúc nào thấy phù hợp trước khi đến lớp Tutorial. Lớp này yêu cầu sinh viên phải xem bài giảng và chuẩn bị trả lời các câu hỏi có sẵn, liên quan đến bài.

 

Ngày đầu đến lớp, tôi bị choáng ngợp trước cách làm việc của các sinh viên. Với mỗi bảng tên trên bàn, khi giảng viên đặt câu hỏi, các bạn sẽ dựng bảng tên như “giơ tay” phát biểu. Lớp học diễn ra rất nhanh khi các bạn liên tục đóng góp trả lời bằng chính trải nghiệm, quan điểm riêng. Giảng viên gật đầu, xác nhận và tiếp tục đến sinh viên khác nói.

 

Cứ luân phiên như vậy trong một tiếng rưỡi đồng hồ, 25 sinh viên đều được nói lên quan điểm của mình và so sánh với ý kiến khác. Các ghi nhận trong lớp này cũng sẽ là tài nguyên để các bạn ôn thi cuối kỳ.

 

UTown – mô hình học – ở – chơi tích hợp

 

Những năm gần đây, NUS còn tiến hành xây dựng mô hình học tập-sinh hoạt-vui chơi ở một nơi trong khuôn viên trường để phục vụ sinh viên. Phần lớn thời gian học tập ở NUS của tôi là tại University Town (UTown) bởi sự tiện lợi của nó.

 

Có lần dẫn một người bạn tại Đại học Deakin (Australia) tham quan UTown, cô bạn nói: “Thật ngạc nhiên vì với mức học phí trung bình như vậy mà cơ sở vật chất của trường lại quá tốt và hiện đại”.

 

Tôi đã đặt câu hỏi này với giáo sư của mình và được dẫn đến bức tường tại Trung tâm Nguồn lực Giáo dục với tên của một loạt các nhà tài trợ, cùng lời giải thích, uy tín của NUS là một trong những nguyên nhân chính kêu gọi tài trợ thành công, cùng với sự quan tâm đầu tư giáo dục nghiêm túc của doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội Singapore.

 

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đại học Quốc gia Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng các trường Đại học Châu Á do QS University Rankings bình chọn.

 

Danh tiếng học thuật của trường và tỷ lệ các nghiên cứu được trích dẫn đạt điểm tuyệt đối 100. Tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ đạt 99,4. Tổng số sinh viên của trường là 32.186 người, trong đó 9.868 sinh viên quốc tế.

 

Trước đó, năm 2015, NUS đứng hạng 12 các trường đại học tốt nhất thế giới (môn Kỹ thuật dân dụng và kiến trúc xếp thứ 3 thế giới, ngành Kỹ thuật Công nghệ xếp thứ 4 thế giới – xếp hạng theo ngành).

 

Nguồn: Zing

Share.

Leave A Reply