Trải nghiệm văn hóa khác biệt khi sống và học tập tại Anh

0

SSDH – Du học là khi bạn quyết định sống tự lập xa nhà, xa bố mẹ và những người yêu thương mình để đến một thế giới hoàn toàn xa lạ, một môi trường mới với những con người mới, màu da khác, ngôn ngữ khác và một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Du học là khi bạn bắt đầu làm quen và thích nghi dần với hoàn cảnh sống, bắt đầu tìm hiểu về con người và phong tục của đất nước đó, dần dần tự bước đi trên đôi chân của mình, đó là lúc cuộc sống được trải nghiệm của bạn bắt đầu. Cùng đọc một số chia sẻ của bạn Lê Hoàng Hoa (ảnh), hiện là sinh viên trường ĐH Newscatle.

Những ngày đầu tiên

Lần đầu tiên xa nhà đến đất nước Anh xa xôi, tôi tự nhủ với lòng mình sẽ phải sống thật mạnh mẽ, thật kiên cường để không phụ lòng những người mình yêu thương. Qua lớp kính ngăn cách tại sân bay, tôi vẫy tay chào gia đình của mình, cố nén mọi cảm xúc lo lắng và đôi chút sợ hãi vào trong lòng, thế là lần đầu tiên tôi biết đến xa nhà và tự lập.

 

3.jpg

 

Tôi sống trong một căn hộ với bốn bạn đến từ những nước khác nhau bao gồm Srilanka, Ethiopia, Hy Lạp và việc xảy ra bất đồng trong văn hóa là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đã từng được học môn Tìm hiểu văn hóa thế giới cũng như được chuẩn bị khá kỹ những hành trang văn hóa, kỹ năng sống trong suốt thời gian học tại chương trình Dự bị IFY, tôi nhanh chóng hòa mình vào môi trường mới và bắt tay vào việc tìm hiểu thành phố, các cửa hàng tiện dụng, nơi bán vật dụng như chăn, ga và gối hay những nơi bán đồ dụng cụ làm bếp để chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

Qua một vài tuần làm quen với môi trường mới và gặp gỡ những con người mới nơi đất khách quê người, có vài điểm văn hóa nổi bật tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.

Văn hóa cảm ơn và xin lỗi

Thứ nhất đó là văn hóa nói cảm ơn – xin lỗi, bất cứ lúc nào bạn đi đâu ở nơi công cộng, bạn sẽ nhận thấy răng người phương Tây rất lịch sự với nhau, nếu chẳng may họ đụng vào bạn, họ sẽ nói “sorry” ngay lập tức. Trong bất cứ siêu thị, cửa hàng, khi bạn phải xếp hàng mua đồ quá lâu, họ sẽ nói “sorry” hoặc “sorry cause you have to wait”.

Tiếp theo là cảm ơn, khi bạn đi mua đồ ở trong siêu thị hoặc cửa hàng ăn, nơi shopping, họ luôn nói “thank you” bất cứ lúc nào bạn mua đồ và rời khỏi cửa hàng. Văn hóa nói cảm ơn – xin lỗi diễn ra mọi lúc, mọi nơi và hoàn toàn như là một phản xạ đã hình thành từ lâu của người phương tây.

Văn hóa xếp hàng

Thứ hai đó là văn hóa xếp hàng. Khi đến các nước phương Tây, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh con người chen lấn xô đẩy ở những nơi công cộng, trong nhà hàng, siêu thị, nơi đỗ xe bus, nơi rút thẻ ATM, họ luôn luôn xếp thành một hàng dài chờ đợi đến lượt của mình, họ không bao giờ xô xát hay tìm cách chen lên người đối diện để phục vụ cho lợi ích bản thân.

Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện thế này, tôi rất hay đi mua đồ và rút tiền trong cùng một ngày, vì thế xếp hàng cũng trở thành một nét văn hóa mà tôi rất thích, một lần trong lúc xếp hàng thanh toán tiền tại một cửa hàng đồ lưu niệm, vì xung quanh nơi thanh toán có rất nhiều các phụ kiện khác nên tôi đã tiếp tục chọn đồ trong khu vực đó. Tuy nhiên, có một người phụ nữ đã tới khoảng trống đó và đứng vào, khi tôi nhận ra và quay trở lại hàng, người phụ nữ đó đã hỏi tôi rằng: “sorry, are you still queing here?”, khi tôi nói “yes”, ngay lập tức người phụ nữ lùi một bước và đứng sau lưng tôi xếp hàng, hoàn toàn không một phút do dự hay muốn gây hấn, chiếm chỗ.

Điều đặc biệt tiếp theo là người khuyết tật rất được trân trọng ở xã hội phương Tây. Tại mọi điểm công cộng như xe bus, quán ăn, siêu thị, người tàn tật luôn có một không gian trống để có thể di chuyển và trong mọi trường hợp họ không thể tự lên xe buýt, người dân luôn sẵn sàng đứng ra giúp họ và nhường không gian cho họ vô điều kiện.

Cuộc sống yên bình

Cuối cùng đó chính là cuộc sống yên bình mà tôi cảm nhận được trong suốt quãng thời gian sinh sống tại thành phố Newcastle. Mỗi một buổi sáng thức dậy và đi ra trung tâm, bạn sẽ cảm thấy sự nhẹ nhàng và thanh thản trong cuộc sống, bên cạnh những con người đang vội vã đi lại trên đường, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều các cụ già tay trong tay, cùng nhau thưởng thức một bữa sáng phong cách Anh: bánh mì và cà phê, những đàn chim bồ câu chao lượn và đi lại tự do trên phố, hòa quyện vào không gian đó là những bản tình ca của những ca sĩ với chiếc đàn ghi-ta hát rong trên phố.

Bầu trời ở Newcastle thực sự rất xanh và cao, một ngày bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều máy bay đi qua và kéo theo một vệt mây trắng trải dài trên bầu trời, những lúc đó cảm giác nhớ nhà sẽ lại trào dâng trong tim bạn, nhưng cùng lúc đó trái tim bạn lại thôi thúc phải sống mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và phải trải nghiệm nhiều hơn nữa.

Đông Đức – Theo Tiin

 

 

Share.

Leave A Reply