Từ 2.400 điểm thi SAT1 đến học bổng toàn phần đại học danh giá nước Mỹ

0

SSDH – Hoàng Minh Tuệ vừa được Đại học Duke trao học bổng 72.000 USD/năm trong 4 năm và còn được cấp thêm 21.000 USD để tự theo đuổi các dự án nghiên cứu trong quá trình học tập.

 

Tháng 6/2015, Hoàng Minh Tuệ là người Việt Nam đầu tiên đạt kỷ lục điểm SAT 1 tuyệt đối 2.400/2.400 chỉ trong một lần thi. Hôm nay, cậu học sinh lớp 12 trường Amsterdam – Hà Nội đã biến thành tích của mình thành suất học bổng toàn phần Karsh International Scholarship của Đại học Duke (Mỹ). Học bổng Tuệ nhận được là phần thưởng danh giá do tỷ phú Bruce Karsh tài trợ trị giá 310.000 USD (gần 7 tỷ đồng) trong 4 năm.

 Hoàng%20Minh%20Tuệ.jpg

Hoàng Minh Tuệ đã giành suất học bổng 7 tỷ đồng trong 4 năm học.

 

Tuệ chia sẻ, nộp hồ sơ vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ là quá trình chuẩn bị lâu dài, đòi hỏi thí sinh tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, đầu tư thời gian chọn trường, chọn ngành, đồng thời phải hoàn thành các yếu tố quan trọng trong hồ sơ, như: các bài luận, điểm số sát hạch, kê khai tài chính…

 

Thông thường, học sinh Việt Nam muốn tìm hiểu và chuẩn bị quá trình ứng tuyển du học Mỹ sẽ lựa chọn đi theo các trung tâm tư vấn và được hỗ trợ rất nhiều. Tuệ thì chọn cách tự làm gần như tất cả, từ viết luận, làm hồ sơ, xin học bổng… “Điều kiện gia đình có hạn, trong khi ngoài chi phí các gói dịch vụ, trung tâm tư vấn còn yêu cầu gia đình kê khai đóng góp ít nhất 10.000 USD mỗi năm để chắc chắn được các trường nhận. Gia đình em không thể vay mượn, thậm chí thế chấp nhà để thỏa mãn điều kiện này”, Tuệ chia sẻ.

 

Trong bối cảnh các trường đại học của Mỹ ngày càng siết chặt nguồn quỹ học bổng cho học sinh quốc tế, việc dám trình bày một bộ hồ sơ thiếu tiền nhưng thừa khát vọng, là rủi ro mà Tuệ chấp nhận. Lý do thứ hai Tuệ đưa ra là phong cách làm việc của em không tương thích với phương châm và định hướng của một số trung tâm tư vấn và hỗ trợ du học. Em không cố săn lùng các cơ hội tham gia hoạt động ngoại khóa, không đánh bóng bất cứ đầu mục nào trong hồ sơ, và nhất quyết không mượn hay nhờ ý tưởng của ai để viết bài luận cho mình.

 

Về hoạt động ngoại khóa, thay vì tham gia các thể loại dự án và câu lạc bộ, Tuệ tập trung làm đúng một số đầu việc và chỉ quan tâm tới đẩy mạnh chất lượng, quy mô của những việc đó, như: viết sách, giảng dạy, và huấn luyện học sinh nhỏ tuổi dự thi các cuộc thi Olympic toán bằng tiếng Anh trong nước và quốc tế.

 

“Về ý tưởng bài luận, em không mượn bất cứ câu chuyện bay bổng hay lý tưởng vĩ đại nào, chỉ đơn giản là phát biểu thẳng thắn những năng lực và phẩm chất hiện có của bản thân, định hướng thực tế của em trong cuộc sống và cách mà em sẽ tận dụng những cơ hội đang mở ra của trường để một ngày kia hoàn thành định hướng đó”, Tuệ cho hay.

 Hoàng%20Minh%20Tuệ2.jpg

Hoàng Minh Tuệ (ngoài cùng bên phải) – lãnh đạo của đội tuyển Việt Nam

tham dự kỳ thi Thách thức các Nhà Toán học Tương lai (CFM) 2015 tại Philippines.

 

Trong bài luận của Tuệ có một đoạn viết: “Ở độ tuổi trẻ như tuổi 17, tôi không có tiền và cũng chẳng có địa vị để lúc này có thể đóng góp đáng kể cho trường hay xã hội. Tất cả những gì tôi có là nhân cách, ý tưởng, năng lượng và một định hướng rõ ràng. Việc của các ngài là tin vào tôi còn việc của tôi là cống hiến tất cả những gì tôi đang có, để một ngày kia chính tôi sẽ ở vị trí của các ngài bây giờ, một vị trí có thể dùng tiền để giúp đỡ và mở ra cơ hội cho những người mà sẽ đang ở vị trí của tôi bây giờ”.

 

“Có lẽ chính suy nghĩ này đã thuyết phục thành công các nhà xét tuyển khó tính cho quỹ học bổng Karsh International của đại học Duke”, Tuệ phỏng đoán.

 

Chia sẻ kinh nghiệm dành cho các bạn trẻ lớp 10, 11 sắp sửa nộp hồ sơ du học, Tuệ nhấn mạnh: “Các bạn cần chuẩn bị con người trước, hồ sơ sau. Chuẩn bị phẩm chất trước, thành tích sau. Chuẩn bị mơ ước trước, bài luận sau. Và dù còn trẻ nhưng luôn cố gắng tìm cách hiệu quả nhất hy sinh thời gian và tài năng của mình, để đóng góp những giá trị dù lớn dù nhỏ cho người khác và cho càng nhiều người càng tốt”.

 

“Cũng như nhiều du học sinh Việt Nam khác, mình đã bước đầu thành công trong việc đặt chân vào giảng đường đại học Mỹ, nhưng việc học đại học dù danh tiếng đến đâu cũng mới là sự khởi đầu. Chỉ có thời gian mới kiểm định và chứng minh giá trị tài năng cốt lõi của con người”, Hoàng Minh Tuệ nói.

 

Đại học Duke là một trong các trường lâu đời và chất lượng tốt nhất của Mỹ, gần đây nhất xếp hạng thứ 8 toàn Mỹ theo bảng xếp hạng USNews. Năm học 2016 có tổng cộng hơn 32.100 hồ sơ ứng tuyển, nhưng tỷ lệ trúng tuyển của Duke đạt mốc thấp kỷ lục (8,7%). Một vài phần trăm trong số học sinh trúng tuyển sẽ được cấp học bổng với nhiều mức độ và chỉ một vài du học sinh quốc tế mới được nhận học bổng Karsh International Scholarship.

 

Học bổng này được sáng lập và tài trợ bởi vợ chồng tỷ phú Bruce và Martha Karsh, vốn là cựu sinh viên Đại học Duke. Mỗi năm quỹ học bổng Karsh chỉ trao tặng học bổng toàn phần cho khoảng 5 du học sinh xuất sắc trên toàn thế giới. Mỗi suất gồm toàn bộ chi phí học tập, ăn ở, bảo hiểm, vé máy bay… trong suốt thời gian học tại Duke. Riêng Hoàng Minh Tuệ được Duke trao học bổng $72.000/năm trong 4 năm và còn được cấp thêm $21.000 để tự theo đuổi các dự án nghiên cứu và làm việc trong quá trình học tập.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply