Văn hóa và những câu chuyện nối dài từ lịch sử

0

Sẵn sàng du học – Những phong tục đẹp mà cha ông ta để lại tựa như những trái ngọt của văn hóa người Việt. Vậy cội rễ của chúng từ đâu mà thành?

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là giai đoạn mà văn hóa Việt Nam chịu tác động từ nhiều phía. Trong lúc “mưa Âu, gió Á” cùng nhau vần vũ, người nước Nam không khỏi băn khoăn về những căn tính văn hóa của riêng mình. Đâu là cội rễ sâu xa của những phong tục tập quán mà lâu nay chúng ta gìn giữ? Xã hội Việt Nam đã thay đổi ra sao trước những cơn cuồng phong của thời đại?

Hiểu một cách tường tận và đầy đủ hơn về văn hóa dân tộc là cách để chúng ta bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Những giá trị vô hình ấy, bao đời đã trở thành cội nguồn sức mạnh để con dân nước Việt đánh đuổi ngoại xâm.

Không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỉ XX đã có hàng loạt công trình nghiên cứu, khảo luận về văn hóa Việt Nam do các trí thức yêu nước, dày công biên soạn, tìm tòi đã được công bố. Trong đó phải kể đến Việt Nam phong tục (1915) của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương(1938) của Đào Duy Anh, Hội hè lễ tết của người Việt (1944) của Nguyễn Văn Huyên.

ssdh-xa-hoi-viet-nam

 

Khi nhắc tới các công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ trước, thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp. Công trình này thực chất là tên chung của 2 khảo luận: Việt Nam tiến hóa sử và Xã hội Việt Nam. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, tác giả đã thể hiện cái nhìn khách quan và thấu triệt về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc.

Văn hóa và lịch sử – đôi bạn tri kỉ

Xuyên suốt hai khảo luận Việt Nam tiến hóa sử và Xã hội Việt Nam, nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp luôn đặt lịch sử và văn hóa trong mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau. Trong thời kì sơ khai, khi mà con người đang còn “ăn lông ở lỗ”, sống chủ yếu dựa vào săn bắt hái lượm thì văn hóa cũng rất nghèo nàn. Các tín ngưỡng sơ khai lúc này chỉ đơn thuần là tô tem và bái vật.

Đến khi nông nghiệp phát triển, của cải dư thừa, các thị tộc lớn bắt đầu thôn tính các thị tộc nhỏ và hình thành nhà nước. Đó cũng là lúc văn hóa tiến thêm những bước phát triển mới. Các nghi lễ thờ cúng, cầu cho mưa thuận gió hòa được coi trọng hơn. Bởi lúc này, con người đã hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Đúng như người xưa đã nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa”.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, lãnh thổ của chúng ta đã nhiều lần bị các thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược. Bởi vậy, văn hóa cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Nhưng những cuộc xâm lăng ấy cũng làm dấy lên trong lòng con dân nước Việt những ý niệm về bản sắc văn hóa của dân tộc. Để bảo vệ bản sắc và chống lại sự đồng hóa, người Việt đứng lên chống ngoại xâm, giành độc lập.

Trong Việt Nam tiến hóa sử, Lương Đức Thiệp đã có những kiến giải rất hay về việc vua tôi nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên Mông. Ông so sánh cuộc chiến này là “cuộc đọ sức giữa con kiến với con voi khổng lồ”.

Vì lúc ấy “địa bàn nước ta chỉ thu hẹp vào xứ Bắc Kỳ và một phần nhỏ xứ Trung Kỳ” trong khi đó nhà Nguyên là “một đế quốc có diện tích lớn bằng cả một lục địa”. Liệu có sức mạnh phi thường nào phù trợ cho chúng ta không?

Sự đoàn kết dân tộc chính là cội nguồn của sức mạnh phi thường ấy. Cả dân tộc phải đoàn kết để giành chiến thắng mới không bị diệt vong và bảo vệ được bản sắc của mình. Theo tác giả, vua tôi nhà Trần đã khéo léo đồng nhất lợi ích của vương triều với lợi ích của dân tộc.

Người cần mẫn với những địa tầng văn hóa

Trong sự phát triển không ngừng của xã hội, chúng ta đã chứng kiến bao thể chế chính trị lạc hậu, cũ kĩ bị thay thế. Có rất nhiều vương triều mục ruỗng, không chống đỡ nổi các biến thiên của thời cuộc mà sụp đổ. Nhưng văn hóa dù hữu hình hay vô hình cũng mang trong mình những giá trị khôn lường và trường tồn cùng dân tộc.

Có những phong tục đẹp vẫn bền bỉ tồn tại qua hàng ngàn năm, bất kể những cuộc chuyển dời kinh thiên động địa của thời thế. Bởi vậy, khi nói về các phong tục, tập quán của người Việt Lương Đức Thiệp không chỉ liệt kê, mô tả để làm bật lên cái bản sắc riêng.

Ông còn chú trọng đến việc tường thuật, so sánh để người đọc thấy được những thay đổi của phong tục, tập quán ấy trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc.

ssdh-xa-hoi-viet-nam1

 

Văn hóa, kinh tế và chính trị là ba yếu tố then chốt trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Bởi vậy, trong các nghiên cứu của mình Lương Đức Thiệp không bao giờ tách rời văn hóa ra khỏi mối quan hệ mật thiết với kinh tế, chính trị. Điều này, cho người đọc một cái nhìn toàn tri và sâu sắc hơn về văn hóa.

Trong Xã hội Việt Nam, độc giả sẽ thấy Lương Đức Thiệp rất nhiều lần trích dẫn ca dao, tục ngữ vào trong các nghiên cứu văn hóa của mình. Qua các dẫn chứng của ông, chúng ta thấy được ca dao, tục ngữ không chỉ có giá trị về văn học dân gian, mà chúng còn có những giá trị nhất định trong việc nghiên cứu về văn hóa và lịch sử.

Ra đời năm 1944, Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp hấp dẫn bạn đọc ở lối khảo tả đặc biệt kĩ lưỡng những biểu hiện sinh động của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, vốn vẫn còn bảo lưu nhiều giá trị truyền thống. Tuy còn một số điểm sai sót và nhầm lẫn, nhưng sự ra đời của tác phẩm đã có những đóng góp nhất định cho ngành Việt Nam học hiện đại. 

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply