Vì sao cần phải trang bị tiếng Anh tốt trước khi du học?

0

Sẵn sàng du học – Nói nỗi đau ngôn ngữ khi du học thì nghe hơi quá, nhưng thực sự ngôn ngữ là vật cản, là rào chắn rất lớn trong quá trình học tập và hòa nhập với cộng đồng nơi sinh viên quốc tế đến theo học. Đây cũng chính là lý do vì sao tất cả các trường cao đẳng, đại học ở Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand,…đều yêu cầu sinh viên phải có năng lực tiếng Anh nhất định tùy vào bậc học để xét tuyển.

foreign-languages

Nếu chưa đủ trình độ tiếng Anh để học thẳng vào chính khóa (thiếu 0.5 hay 1.0 điểm IELTS chẳng hạn) thì vẫn có thể được xét tuyển vào chương trình dự bị, thông thường là học các khóa tiếng Anh từ 12 tuần đến cả năm. Tuy nhiên, có trường hợp sinh viên học không tiến bộ, không qua được các bài kiểm tra cuối khóa thì có thể phải đóng tiền học lại. Việc học tiếng Anh này tốn thời gian, tốn tiền nhiều, nhưng bù lại nó giúp sinh viên quốc tế tự tin hơn vì các kỹ năng giao tiếp sẽ được cải thiện và thái độ học tập cũng đi vào nề nếp.

Vì vậy, nếu sinh viên nào có sẵn trình độ tiếng Anh tốt ngay khi ở quê hương mình thì lợi thế xét về bình diện chung là rất đáng kể, ít nhất là tiết kiệm được chi phí (trung bình mỗi tháng hơn 1,000 đô) và được cấp phép đi làm thêm (sinh viên đang học tiếng Anh thì không đủ điều kiện). Nếu muốn tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hãy cố gắng học tiếng Anh cho tốt ngay khi còn ở quê nhà Việt Nam. Học một kèm một với giáo viên xịn cũng chỉ mất 500,000 đồng/giờ, tính ra 25 giờ/tháng chỉ tốn chừng 12,500,000 đồng. Cũng chừng đó thời lượng học, ở Canada sinh viên phải trả gần gấp đôi, mà phải học với nhiều sinh viên quốc tế khác.

Học tiếng Anh ở Canada hay Úc, Anh, Mỹ, New Zealand có thực sự hiệu quả như hầu hết chúng ta nghĩ?

Có! Nhưng hiệu quả tới mức nào thì còn tùy. Vì sao ở Việt Nam, có nhiều người học tiếng Anh vẫn rất tốt, mặc dù họ chỉ học với giáo viên người Việt Nam? Với kinh nghiệm của mình từ lúc học tiếng Anh (năm 12 tuổi) đến lúc ra trường làm giáo viên tiếng Anh (được 17 năm), giáo viên dạy giỏi là một điều may mắn cho người học, nhưng giáo viên không phải là yếu tố quyết định trên 50% thành công của người học.

Chính đam mê ngôn ngữ (kể luôn cả tiếng Việt), nhận thức mục đích học và tầm quan trọng của tiếng Anh như một phương tiện giao tiếp hội nhập quốc tế, thái độ nghiêm túc khi học, quyết tâm đạt được mục tiêu,…mới quyết định người học có thành công hay không. Từ lớp 6 lên hết lớp 12, mình chưa bao giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, chứ nói gì đến giáo viên từ Anh, Mỹ, Úc, Canada. Lên đại học chuyên ngành tiếng Anh thì được trường bố trí cho mỗi tuần đầu 1-2 tiết giáo viên Mỹ (mình nhớ vậy). Tuy nhiên, mình may mắn được học với nhiều giáo viên, giảng viên Việt Nam có kiến thức chuyên môn cao và hiểu sâu về ngôn ngữ, nhờ đó mình có động lực tự học thêm về sau này.

Không! Các lớp tiếng Anh thường chỉ dành cho sinh viên quốc tế đến từ nhiều nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Nhật Bổn, Việt Nam,…và nhiều nhất là Trung Quốc. Mỗi lớp từ 10 – 15 sinh viên. Cái hay và cũng là cái dở của hình thức lớp “tạp nham” này là sinh viên buộc phải nói tiếng Anh với nhau và với giáo viên nhưng đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi cách phát âm tả lả âm binh của các sinh viên quốc tế khác. Thời lượng mỗi ngày học khoảng 5 giờ nhưng thực tế sinh viên cũng không học được nhiều nếu ù ì, ít chịu phát biểu, ít chịu để ý (cách phát âm, cách dùng câu, ngữ điệu,…) của giáo viên mà phần lớn là trao đổi với các sinh viên cùng lớp có trình độ cũng không hơn nhau bao nhiêu.

Ác hơn nữa là sinh viên đến cùng một nước có xu hướng thích sáp lại với nhau theo nhóm để dễ thảo luận, kẹt thì quay về với tiếng mẹ đẻ. Học trong lớp đã vậy, ra khỏi lớp là ôi thôi rồi luôn: tụ tập theo nhóm để thực tập tiếng mẹ đẻ luôn từ ngoài phố về tới nhà trọ. Thực tế trong lớp mình đang học ở bậc cao học cho thấy, những sinh viên Trung Quốc đã qua học khóa tiếng Anh dự bị cả năm trời, xong vào học khóa chính vẫn vất vả vô cùng khi diễn đạt ý bằng tiếng Anh. Nghỉ giải lao là các em xúm lại nói tiếng Trung Quốc, ra khỏi lớp là rủ nhau đi cùng, dĩ nhiên là nói tiếng Tàu. Bỏ tiền ra đi học thì cố mà học cho ra tiền, chứ vậy là không hiệu quả.

Nỗi đau ngôn ngữ là đây:

Các bạn sinh viên Việt Nam đã học cao đẳng, đại học ở Anh, Úc, New Zealand, Canada có thể xác nhận sự thật phũ phàng này: Sau mấy năm đi học, đóng tiền một đống, nhìn lại thấy tiếng Anh của mình không bằng điểm xuất phát khi mới vào học. Tốt hơn chăng chỉ là khả năng giao tiếp đơn thuần như để đi chợ, hỏi đường, mua thức ăn nhanh,…chứ không bao nhiêu người có thể vượt lên tầm cao mới trong tiếng Anh tạm gọi là gần như những gì dân học thuật sử dụng, nghĩa là nói có câu cú, ngữ điệu, phát âm dễ nghe, ý tứ rõ ràng, ai nghe cũng hiểu được.

khong_phai_cu_cho_con_di_du_hoc_la_thanh_cong_drlb

Mình nói thật, mình không học được gì nhiều từ các bạn cùng lớp đến từ nhiều nước khác nhau, trong khi điều đó mình rất cần, đơn giản là không nghe và không hiểu được hết họ nói gì. Nhược điểm chính của phần lớn sinh viên quốc tế là phát âm quá tùy tiện, bị ảnh hưởng quá nặng bởi tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, thói quen cá nhân khi giao tiếp cũng góp phần vào vấn nạn này: phát biểu trước đám đông mà thì thầm như nói chuyện với bồ nhí, ngữ điệu không khác tụng kinh cầu vãng sanh. Nói vậy có người phản ứng cho mình khó tính và thắc mắc “vậy sao giáo sư nghe họ và hiểu được?”.

Xin thưa, giáo sư năm nào cũng dạy nhiều sinh viên quốc tế nên nghe quen tai. Có giáo sư còn bị chính lỗi phát âm của sinh viên quốc tế đễn đến việc họ cũng phát âm sai – cụ thể là chữ comfortable. Hơn nữa, sinh viên có hỏi thì cũng chỉ xoay quanh môn học nên giáo sư nghe thoáng là hiểu ý và cứ vậy mà trả lời. Tuy nhiên, mình đã kiểm chứng, rằng giáo sư nghe sai câu hỏi và trả lời cũng lạc hướng luôn. Mình biết chắc vậy vì đứa bạn học người Trung Quốc hỏi giáo sư câu hỏi đã thảo luận cặp với mình, nhưng nội dung câu trả lời của giáo sư khác 100% so với nội dung câu hỏi. Rất nhiều trường hợp giáo sư chịu khó nghe hết lời trình bày của sinh viên, xong không hiểu gì hết đành yêu cầu trình bày lại từ đầu, hoặc tệ hơn là xin xem câu hỏi mà sinh viên viết ra trên giấy. Có giáo sư thẳng tính thì nhắc nhở sinh viên nói chậm, nói rõ, chứ lua lua cho nhanh không ai hiểu gì hết. Các giọng tiếng Anh sau đây cực kì khó nghe: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc, sau đó đến Việt Nam. Ít nhất đó là những gì mình có thể xác nhận.

Cuối cùng, không phải vì mình là giáo viên tiếng Anh mà mình quan trọng hóa năng lực tiếng Anh trong khi du học. Mình đã ghi nhận, qua kinh nghiệm cá nhân và một số nghiên cứu không chính thức, rằng nếu một người nước ngoài mà nói lưu loát ngôn ngữ của dân bản xứ (hay ít ra là dễ nghe với họ) thì khả năng hòa nhập cộng đồng bản xứ rất cao, khả năng thành công trong học tập cũng cao (ít ra là không vật vã với việc học), và khả năng không bị kì thị là rất rõ. Trình bày quan điểm, đưa ra yêu cầu, tranh luận phản biện, đi phỏng vấn xin việc,…mà ngôn ngữ của mình người nghe không hoặc khó hiểu được thì hỏng hết. Vậy không phải là nỗi đau sao?

Tóm lại một điều vầy: Cố gắng cải thiện tiếng Anh, nhất là phát âm, ngữ âm, ngữ điệu khi ra đi du học. Bên cạnh trải nghiệm lối sống, văn hóa,…của xứ người, nâng cao vốn liếng ngôn ngữ cũng quan trọng không kém chút nào đâu.

Thái Hải (SSDH) – Theo Bài viết của Anh Tôn Thất Hòa – Viết từ Canada

Share.

Leave A Reply