Giáo dục Thụy Điển phát triển nhờ chính sách đúng đắn, hợp lý

0

Sẵn sàng du học – Thụy Điển là một trong số ít quốc gia có nền giáo dục phổ cập và đại học thuộc loại tốt nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia, thành công này có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ chế độ phúc lợi xã hội rất cao của quốc gia này. Tuy nhiên, yếu tố chính vẫn phụ thuộc vào những chính sách đúng đắn và hợp lý.

Giáo dục phổ thông cũng như đại học ở Thụy Điển đều được nhà nước đài thọ hoàn toàn. (Nguồn: The Local)

Giáo dục phổ thông cũng như đại học ở Thụy Điển đều được nhà nước đài thọ hoàn toàn. (Nguồn: The Local)

Nền giáo dục miễn phí

Giáo dục phổ thông cũng như đại học đều được nhà nước đài thọ hoàn toàn. Trẻ em tới trường từ năm 6 tuổi và phải kết thúc 9 lớp bắt buộc. Sau đó, chúng được chuyển tới học 3 năm tại trường trung học dành cho các lớp trên. Trong suốt thời gian học, học sinh được nuôi ăn và đảm bảo y tế miễn phí, nhận những trang thiết bị phục vụ học tập như cặp, vở, bút, màu vẽ v.v… Xe buýt của nhà trường sẽ đưa đón học sinh tới trường và về nhà. Điều thú vị là ngay từ lớp đầu tiên, học sinh đã được nhận học bổng hàng tháng khoảng 750 Krona (gần 90 USD) để tiêu vặt.

Đối với người lớn, Thụy Điển đã thành lập gần 147 trung tâm đào tạo khác nhau với nhiệm vụ cơ bản là hỗ trợ và đào tạo những nghề nghiệp tương thích với các yêu cầu hiện đại như công nghệ thông tin, thiết kế, quản trị, tiếp thị v.v… Giáo dục đại học không những chỉ miễn phí và phổ cập với tất cả mọi người, mà thậm chí còn khuyến khích về mặt vật chất. Mỗi sinh viên được nhận học bổng hàng tháng khoảng 250 USD.

Một ưu điểm nổi bật nữa của hệ thống giáo dục Thụy Điển – đó là đất nước này có tất cả các điều kiện học tập tốt nhất dành cho trẻ em các chủng tộc khác nhau. Quốc gia này là nơi sinh sống của gần 1,8 triệu kiều dân từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Chile, Iran, Israel, Nga v.v… Dành cho đối tượng này có hơn 100 trường học đặc biệt và các trường này có thể giảng dạy bằng… 60 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đối với các cộng đồng thiểu số này, chính phủ cũng xem xét xây dựng các thư viện riêng, các chương trình truyền hình và phát thanh đặc biệt bằng ngôn ngữ của họ.

Ở Thụy Điển, mọi nhu cầu tài chính của nhà trường đều do sự đóng góp bắt buộc của các cấp chính quyền. Mỗi cộng đồng dân cư đều có một hội đồng gồm các nhà lãnh đạo địa phương trong các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp. Họ thường kỳ tổ chức nói chuyện cho học sinh nghe về các nhu cầu kinh tế của cộng đồng, nêu rõ nên được chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng tham gia lực lượng lao động. Các doanh nghiệp địa phương thường hỗ trợ các phương tiện, thiết bị cho việc thực hành của học sinh, và sắp xếp tạo công ăn việc làm cho học sinh tốt nghiệp.

Việc thiết lập và triển khai kế hoạch học tập riêng đòi hỏi học sinh phải sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Học sinh được cho vay một số tiền để mở doanh nghiệp thực sự trong cộng đồng, thường dưới dạng dịch vụ trực tuyến, dưới sự bảo đảm của ban giám hiệu và tiền vay phải được hoàn trả cho ngân hàng trước khi học sinh tốt nghiệp. Thống kê cho biết, rất hiếm khi các doanh nghiệp này làm mất tiền vay.

Phát triển cả trường công, tư

Khác với phần lớn các quốc gia phương Tây, nền giáo dục phổ thông của Thụy Điển được xếp vào loại công bằng và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận: không hề có trường tư hay trường dành cho những thành phần đặc biệt.

Trẻ em tới trường từ năm 6 tuổi và phải kết thúc 9 lớp bắt buộc. (Nguồn: Expatica)

Trẻ em tới trường từ năm 6 tuổi và phải kết thúc 9 lớp bắt buộc. (Nguồn: Expatica)

Những năm 1970, các trường công lập ở Thụy Điển đã trở thành công cụ của chính sách xã hội hướng tới bình đẳng chứ không nhắm tới thành tích giáo dục. Cuộc tranh luận chính trị rộng rãi hồi cuối những năm 1980 về nhu cầu cải cách giáo dục, trong đó có tự do lựa chọn trường lớp, phụ huynh giữ số tiền mà ngân sách địa phương dành cho việc học tập của con em họ, và để họ tự tổ chức hoạt động nhà trường một cách hiệu quả hơn. Ý tưởng phiếu thanh toán học phí (school voucher) được chính thức hóa từ năm 1992, dẫn đến sự ra đời của các trường tự chủ nhưng vẫn dùng tiền từ ngân sách của Nhà nước.

Về cách thức tổ chức hoạt động, ngoài một số nội dung chương trình giảng dạy căn bản do Nhà nước quy định, các trường tự chủ được toàn quyền quyết định việc tổ chức chương trình và phương pháp giảng dạy. Nhà nước chỉ kiểm soát kết quả và chất lượng đầu ra của học sinh. Như vậy, với nguồn thu không lớn hơn so với các trường công lập được bao cấp, trong khi vẫn bị kiểm soát về chất lượng sản phẩm đầu ra, các trường tự chủ chỉ có thể đứng vững nếu chất lượng đào tạo tương đương hoặc cao hơn so với các trường công lập được bao cấp.

Mô hình trường tri thức (Kunskapsskolan) là một đề xuất đổi mới giáo dục từ khu vực tư nhân với những nhà đầu tư ý thức được giáo dục có tiềm lực mạnh. Từ ý tưởng hình thành cho đến cách thức tổ chức, công nghệ, phương pháp giảng dạy của những trường này đều hướng đến việc cá nhân hóa giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm của giáo dục. Tất cả mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đều được hoạch định độc lập cho từng cá nhân học sinh, và được thường xuyên theo dõi, điều chỉnh nếu cần thiết. Các trường trong hệ thống hoạt động tương tác nhằm thường xuyên trao đổi phương pháp giảng dạy, để liên tục đổi mới, tạo ra một cách giảng dạy tốt, phù hợp và hiện đại nhất.

Hệ thống trường tự chủ cũng nhận được phản hồi tích cực qua các cuộc điều tra khảo sát. Đa số phụ huynh, học sinh, và cả những người trực tiếp giảng dạy khẳng định họ thấy hài lòng hơn với các trường tự chủ. Điều đặc biệt đáng ghi nhận là ở tác động tích cực với mô hình cũ: các trường công lập buộc phải hoạt động tốt hơn do phải cạnh tranh với những thành tích và ưu thế ngày một rõ rệt của các trường tự chủ. Hiện nay, hơn 60% các trường được tự chủ hoạt động như các công ty trách nhiệm hữu hạn sinh lợi.

Có một loạt tác nhân đằng sau thành công của mô hình trường tự chủ nói chung và mô hình trường tri thức nói riêng. Mô hình phiếu thanh toán học phí đem lại cho phụ huynh các phương án để họ lựa chọn và khuyến khích các nhà trường phải cạnh tranh. Ngoài ra còn có một đặc điểm quan trọng nữa, đó là động cơ thị trường. Nếu trường tự chủ có số học sinh theo học đông thì họ sẽ có lợi nhuận và chỉ có chất lượng cao mới làm cho số người đăng kí học gia tăng.

Ở Thuỵ Điển, bất kể trường công hay tư, mức học phí của học sinh đều được tính dựa theo tổng thu nhập của gia đình với trần cao nhất là 1.287 Krona/tháng, tương đương 3,3 triệu VNĐ. Khoản tiền này đã bao gồm học phí, tiền ăn sáng, trưa, 2 bữa xế, các hoạt động ngoại khoá theo lịch của nhà trường như: đi công viên, đi picnic trong rừng, đi xem phim ở rạp thiếu nhi. Chưa hết, kể từ khi trẻ vào lớp 1 đến khi tốt nghiệp cấp 3, toàn bộ chi phí học, sách vở, ăn trưa ở trường đều được miễn phí.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Một Thế Giới

Share.

Leave A Reply