Làm bác sĩ ở Hungary

0

Sẵn sàng du học – Tôi trò chuyện với Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lam Thủy khi ông trở về Hungary từ Hội thảo khoa học ngành y tại Thụy Sĩ đầu tháng 4-2019. Trong hội thảo này, ông tiếp tục công bố công trình khoa học đang nghiên cứu của mình về “Những chất đối lập với calcium tác dụng trên não và hệ thống tuần hoàn tim mạch”. 

“Để làm một bác sĩ ở Hungary thì việc liên tục học hỏi và nghiên cứu, cống hiến sáng tạo cho khoa học ngành y là một bắt buộc”, GS-TS Thủy cho biết.

Hơn 2 thập niên qua, Nguyễn Lam Thủy là bác sĩ tại Bệnh viện Szent István, Budapest, Hungary. Ông là một trong 3 giáo sư làm việc tại bệnh viện này. Tuy có học hàm cao như vậy, lại có thâm niên trong nghề, nhưng theo quy định của Hungary, mọi bác sĩ muốn tiếp tục hành nghề thì mỗi năm phải có 50 điểm từ công trình khoa học và từ việc tham gia các hội thảo khoa học ngành y uy tín châu Âu và quốc tế. Thẻ hành nghề của bác sĩ được cấp lại sau 5 năm, nếu ở lần cấp sau, bác sĩ không có đủ 250 điểm thì không được tiếp tục gia hạn thẻ, không được làm việc tại bệnh viện, cũng như không được tham gia chữa bệnh nữa. Do đó, ngoài mục đích công bố công trình nghiên cứu khoa học, việc GS Nguyễn Lam Thủy đi dự hội thảo khoa học tại Thụy Sĩ còn có ý nghĩa như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Lam Thủy cùng đồng nghiệp trong Bệnh viện Szent István, Budapest, Hungary

Bác sĩ Nguyễn Lam Thủy cùng đồng nghiệp trong Bệnh viện Szent István, Budapest, Hungary

Thập niên 80, Nguyễn Lam Thủy là bác sĩ tại Cần Thơ. Sau đó, ông được cử sang Hungary nghiên cứu sinh ngành y. Nhờ quá trình học tập đó, ông trở thành tiến sĩ Sinh lý học và Y học, được đào tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Trường Đại học Y Budapest. Ông cũng đã có nhiều công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới. Đặc biệt, bài báo khoa học của ông về “Phản ứng tổng hợp hạt nhân – nguồn năng lượng của tương lai” công bố năm 2012 đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, thu được những phản hồi tích cực về một giải pháp ưu việt cho nhu cầu năng lượng của nhân loại. 

Khi lựa chọn định cư tại Hungary, và không muốn chỉ đơn thuần làm công tác nghiên cứu, ông thiết tha được hành nghề bác sĩ. Tuy đã có học hàm Tiến sĩ tại Hungary, nhưng tấm bằng bác sĩ của ông từ Việt Nam lại không được công nhận, nên ông tiếp tục phải học thêm 3 năm. Học, thực tập và thi lại từ đầu các chuyên môn: nội, sản, nhi, da liễu, tai mũi họng… để được nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ của Hungary thì mới được hành nghề tại bệnh viện. Trở thành bác sĩ tại đây, nghĩa là cũng cần đi học và nghiên cứu suốt đời.

Vài năm trở lại đây, trên văn đàn xuất hiện tác giả Nguyễn Lam Thủy, chính là Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Lam Thủy. Tuy có khiếu văn chương từ nhỏ, nhưng mãi tới năm 2008 ông mới sáng tác văn học. Nhưng ông viết xong, để đó, cho đến khi được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát hiện, khuyến khích ông gửi tác phẩm về nước, đăng trên tuần báo Văn nghệ. Cái tên Nguyễn Lam Thủy từ đó nhanh chóng được giới văn chương biết đến khi tác phẩm của ông liên tiếp xuất hiện trên tờ báo văn uy tín của đất nước. 

Hơn thế, những trang văn mộc mạc mà ý văn sâu cay, thấm chát đắng vị đời của ông về những thân phận người Việt tha hương, và của chính người bản xứ, đã khiến bạn đọc ngạc nhiên trước một sự thật khác, trước một lát cắt khác về cuộc sống con người ở châu Âu. Châu Âu trong văn của ông, không diễm lệ, xa hoa và văn minh toàn màu hồng như tưởng tượng chung của bạn đọc Việt Nam từ xưa tới nay, mà là một châu Âu còn những nỗi đau cắt xé con người ở tầng thấp, còn những bi kịch lớn trong những thân phận nhỏ. Đó mới thực sự là số đông, là căn bệnh chung lớn nhất cần đến những “bác sĩ tâm hồn” như Nguyễn Lam Thủy mổ xẻ.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo SGGP

Share.

Leave A Reply