Nghịch lý giáo dục Nhật: Sinh viên chán nản, cách dạy thiếu sáng tạo

0

Sẵn sàng du học –  Nền giáo dục đại học không được đầu tư đúng mức ở Nhật Bản đã khiến nhiều sinh viên trong nước và quốc tế e dè với quyết định ghi danh theo học trong những năm qua.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập tới vấn đề môi trường học thiếu sáng tạo ở Nhật Bản khiến cho nhiều sinh viên chán nản và mất dần sự tin tưởng đối với giáo dục nước nhà.

Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe yêu cầu nâng cấp ít nhất 10 trường đại học tại quốc gia này lên top 100 trường đại học hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới.

Với thời hạn 4 năm, mục tiêu này vẫn chưa thể hoàn thành.

Bất chấp những cải cách giáo dục của ông Abe, bao gồm việc trích 7,7 tỷ yen (982 triệu USD) vào quỹ dành cho các trường đại học địa phương, chỉ có 2 trường đại học Nhật Bản hiện nằm trong top 200 của thế giới, theo bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education (THE).

Một trong những lý do khiến sinh viên Nhật Bản cảm thấy nhàm chán là sự thiếu sáng tạo trong môi trường giáo dục ở đây. Ảnh: Flickr.

Một trong những lý do khiến sinh viên Nhật Bản cảm thấy nhàm chán là sự thiếu sáng tạo trong môi trường giáo dục ở đây. Ảnh: Flickr.

Trong đó, Đại học Tokyo xếp thứ 36, thấp hơn so với Đại học Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí 35 và Đại học Kyoto xếp thứ 65, thấp hơn so với Đại học Seoul (Hàn Quốc).

Đối với 604 trường đại học công lập và dân lập, thứ hạng thấp như trên đã và đang là điều đáng lưu ý của Nhật Bản trong nhiều năm.

Xếp hạng đại học thế giới THE đánh giá dựa trên 5 yếu tố: chất lượng dạy học hoặc môi trường học, công tác nghiên cứu, danh tiếng, triển vọng du nhập quốc tế cho nhân viên, sinh viên và cuối cùng là nguồn thu nhập. Mỗi hạng mục có một giá trị riêng và tổng cộng là 100 điểm.

Tất cả 5 chuyên gia giáo dục mà SCMP phỏng vấn đều đồng ý thứ hạng thấp này là do chưa có sự đầu tư về tiếng Anh, hội nhập hóa và các quỹ khuyến học.

Nhật Bản, phần lớn tác phẩm báo chí và nghiên cứu khoa học vẫn được xuất bản bằng tiếng Nhật, ngôn ngữ mà đa số học giả nước ngoài không thường xuyên sử dụng.

Không nhiều sinh viên nước ngoài quyết định du học tại Nhật Bản trong những năm gần đây. Ảnh: The Japan Times.

Không nhiều sinh viên nước ngoài quyết định du học tại Nhật Bản trong những năm gần đây. Ảnh: The Japan Times.

Bên cạnh đó, R. Hugo Horta – nhà nghiên cứu giáo dục tại Đại học Hong Kong – cho rằng vai trò của các trường đại học ở Nhật Bản chỉ là tiếp nhận và truyền đạt kiến thức đến sinh viên, chưa hẳn là một môi trường giúp họ sáng tạo.

Trong năm 2016, chỉ có 1,6% ngân sách của chính phủ Nhật Bản dành cho giáo dục đại học, một trong những mức thấp nhất theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, so với con số trung bình là 2,9%.

Tại đất nước mặt trời mọc, 1,05 triệu học sinh tốt nghiệp trung học vào năm 2019, nhưng chỉ có 54,7% vào đại học cùng năm.

Con số này dự kiến giảm còn 30% vào năm 2040, theo báo cáo của Hội đồng Giáo dục Trung ương. Các tổ chức giáo dục cũng sẽ không thể lấp đầy chỗ trống bằng cách thu nhận sinh viên quốc tế.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, trong số gần 300.000 sinh viên nước ngoài đến các trường đại học ở đây, chưa đến 30% quyết định ghi danh học tập.

Các nam sinh vui mừng khi nhận kết quả đầu vào của Đại học Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Chris 73.

Các nam sinh vui mừng khi nhận kết quả đầu vào của Đại học Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Chris 73.

Connie Look (đến từ Mỹ) – cựu học sinh của Đại học Ngoại ngữ Tokyo – cho biết cô thấy rằng môi trường học ở Nhật Bản thiếu sáng tạo hơn cô nghĩ.

“Giảng viên tiếng Anh dạy học dựa trên sách giáo khoa và như một người máy đang nói. Tôi nghĩ họ cần quan tâm hơn về những giá trị cốt lõi, hơn là sách giáo khoa và những bài kiểm tra”, Connie chia sẻ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Kitamura của Đại học Tokyo lại cảm thấy môi trường học ở Nhật có một số khía cạnh tích cực nên được mọi người công nhận.

“Đối với các môn khoa học, sinh viên hoàn toàn được hỗ trợ việc sử dụng phòng thí nghiệm, nhờ vậy họ có thể học tập và tiến hành nghiên cứu cùng lúc. Thêm vào đó, sinh viên ở đây được làm việc cùng với các học giả nổi tiếng địa phương, điều mà hầu như không thể với các giáo sư nổi tiếng ở Mỹ”, ông chia sẻ.

Thay vì theo đuổi các bảng xếp hạng quốc tế, giáo sư Matsunaga nói rằng các trường đại học Nhật Bản cũng nên tập trung vào các bảng xếp hạng khu vực và hiểu được đặc thù của từng khía cạnh môn học.

Ông hy vọng quốc gia này có thể tạo ra thứ hạng của riêng mình.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply