Du học sinh chi tiêu thế nào hợp lý?

0

SSDH – Một trong những vấn đề khiến các du học sinh (DHS) phải đau đầu chính là làm thế nào để chi tiêu hợp lý, đặc biệt là ở một số quốc gia có mức sống đắt đỏ như Anh, Mỹ, Úc.

Chuthich

Duy Lân (bìa phải) làm thêm để trang trải học phí trong thời gian du học ở Đan Mạch – Ảnh: NVCC

Quản lý tài chính là việc cần thiết, đặc biệt đối với những bạn có dự định du học.

Hết tiền vì quen… 
xài sang

Bạn Nguyễn Hoàng Anh (29 tuổi), cựu DHS tại thành phố Boston (Mỹ), vẫn chưa quên kỷ niệm tiêu gần hết số tiền gia đình cho dằn túi trong tháng đầu tiên sống ở nước ngoài.

Sinh ra trong gia đình khá giả, cô bạn khi ấy chỉ mới 19 tuổi đã quen với nếp sống thích gì mua đó lúc còn ở VN. Điều này khiến Hoàng Anh gặp khá nhiều rắc rối trong việc quản lý chi tiêu khi đi du học. 

“Lúc ấy tôi còn chưa nhận thức được rằng mình cần phải sử dụng tiền hợp lý vì du học là cả quá trình dài chứ không phải như đi du lịch.

Thời gian đầu chưa quen với nếp sống, tôi thường xuyên ăn nhà hàng, thỉnh thoảng đến các trung tâm mua sắm hay tiện tay mua một vài món đồ. Dần dà tiền vơi đi lúc nào chẳng hay” – Hoàng Anh chia sẻ.

Cuối cùng, cô không dám nói thật với cha mẹ mà phải mượn tiền các bạn rồi đi làm thêm trả nợ dần.

Trong khi đó, Đoàn Thảo Nguyên (24 tuổi), DHS tại Úc, cho biết khi vừa sang nước ngoài cũng chật vật với việc xoay xở tiền bạc.

“Khi ở VN tôi chưa từng đi làm thêm nên nửa tháng đầu qua Úc, tôi vẫn dùng tiền của cha mẹ gửi sang” – Nguyên kể.

Sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, Nguyên cầm gần 20 bản hồ sơ xin việc gửi đến khắp các nhà hàng để tìm việc làm bán thời gian.

“Tôi nỗ lực đi xin việc khắp nơi. Hên thì họ gọi mình, không thì đành phải đi tìm tiếp” – cô chia sẻ.

Nhiều cách tiết kiệm

Sau thời gian gặp khó khăn về tiền bạc, nhiều DHS cũng tìm cách “thích nghi”.

“Nếu tiêu xài hợp lý, lại có việc làm thêm, cha mẹ chỉ cần đóng tiền học, các khoản còn lại tôi tự sắp xếp được” – Nguyên cho biết.

Cô sinh viên 24 tuổi chọn cách thuê phòng trọ ở ngoại ô để tiết kiệm. Một số sinh viên khác chọn cách gom thành nhóm 4-5 người, mướn cả căn nhà rồi chia tiền ra.

Tuy nhiên, điểm bất lợi là nhà xa trường nên sinh viên phải đi nhiều chuyến xe buýt, tàu điện mới đến được nơi học.

Trong khi đó, Trần Kim Duy Lân (26 tuổi), DHS tại Đan Mạch, chọn cách tiết kiệm chi phí mua sách, ăn uống bằng việc săn lùng sách cũ và đến siêu thị mua nguyên liệu về nấu thay vì đi ăn bên ngoài.

“Một trong những khoản phí khiến sinh viên tốn kém nhất là sách và tài liệu. Các bạn có thể mua sách đã qua sử dụng trên trang Amazon (trang bán hàng trực tuyến – PV), còn thức ăn có thể đến siêu thị, các cửa hàng bán đồ châu Á để mua với giá khá rẻ” – Lân nói.

Tương tự, Hoàng Anh dần tập cho mình thói quen nấu ăn ở nhà. Ngoài ra, cô tìm gặp các anh chị người VN các khóa trước xin mua lại một số đồ nội thất cũ như bàn, ghế hay dụng cụ nấu ăn với giá khá rẻ.

Rèn cách tiết kiệm từ sớm

Anh L.Đ.T., cựu DHS tại Úc, cho biết các bạn trẻ lần đầu tiên du học đều gặp những khó khăn nhất định về quản lý tài chính, chi tiêu, chẳng hạn như đăng ký mở tài khoản ngân hàng, chi tiêu bằng thẻ tín dụng, cách thức chuyển tiền về và nhận tiền từ VN, tâm lý luôn quy ra tiền VN để định giá mọi thứ…

Đây là những khó khăn ban đầu nhưng sau một thời gian ngắn sẽ quen dần và thấy thoải mái hơn.

“Một trong những giải pháp hiệu quả là phải lên kế hoạch tài chính, tìm cách quản lý khoản tiền của mình để sử dụng trong một tuần, những khoản cần phải chi, dự phòng và tiết kiệm.

Ban đầu phải có kế hoạch của ngày, của tuần rồi sau đó mở rộng ra tháng, hoặc nếu tốt thì cả năm” – anh nói.

Với các bậc phụ huynh có dự định cho con em đi du học, cần phải có sự chuẩn bị từ rất sớm để trẻ có đủ thời gian tích lũy tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, trong đó có kỹ năng quản lý tài chính.

Nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể tập cho bé cách sử dụng tiền và thói quen tiết kiệm hằng ngày. Học sinh lớn hơn có thể tham gia học khóa quản lý tài chính cá nhân hoặc tham khảo qua sách.

Anh chia sẻ thêm các DHS muốn đi làm thêm, cần xác định mục đích rõ ràng như trang trải cuộc sống hay chỉ để trải nghiệm. Từ đó xác lập thời gian dành cho việc làm thêm ngoài giờ học, loại công việc phù hợp.

Chị Nguyễn Phi Vân – chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, từng có thời gian dài học tập tại Úc – cho rằng DHS cần có kỷ luật trong chi tiêu.

Trường hợp lỡ “thâm hụt” thì phải biết tiết kiệm để bù lại, không nên vay mượn bạn bè, gây áp lực yêu cầu gia đình gửi tiền, hoặc làm mọi cách để kiếm tiền vì như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học.

“Qua công việc, các em học được cách kiếm tiền, hiểu giá trị đồng tiền và giá trị lao động, đồng thời tiếp xúc được với tác phong của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, nếu chỉ đi làm để kiếm tiền, không để phục vụ hiểu biết hay kinh nghiệm thì không nên” – chị Phi Vân nói.

Chị Đào Thu Huyền (trưởng phòng du học Học viện Anh ngữ Equest): Đối với DHS được nhận học bổng, trường sẽ trả phần học phí và sinh hoạt phí, còn gia đình chi trả các phần còn lại.

Trường hợp du học tự túc, ngoài việc đóng học phí, các bạn nên cân đối chi tiêu ăn ở cho hợp lý.

Nếu ở trong trường, đăng ký ăn tại nhà ăn của trường, tránh trường hợp lãng phí do bỏ bữa; nếu ở bên ngoài với bạn bè nên tự nấu ăn và lập một quỹ chung để mua các vật phẩm thiết yếu trong nhà như đồ lau nhà, nước giặt…

Để quản lý chi tiêu của con cái ở nước ngoài, cha mẹ có thể mở thẻ tín dụng có hình thức quản lý chi tiêu và có hạn mức.

Khi con cần chi tiêu gì thì báo cho phụ huynh. Từ đó, cha mẹ quản lý được số tiền và mục đích con đã chi tiêu.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply