Hình minh họa
Người đàn ông tên John đó tự nhận là nhân viên của Bộ Di trú và Quốc tịch Australia (DIAC), đồng thời điều hành một công ty di trú hợp pháp. Ông ta quảng cáo là có thể giúp người nhập cư xin được visa dành cho người tị nạn hoặc PR để định cư lâu dài tại Australia. Trung bình, mỗi khách hàng phải trả 25.000USD cho ông ta.
Tờ báo The Saturday Age cho biết, những nạn nhân của vụ lừa đảo trên chủ yếu là du học sinh và những người ở lại Australia dưới dạng visa làm việc tạm thời. Phần lớn họ đến từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Một nạn nhân là thợ hàn tên Quynh, 30 tuổi, cho The Saturday Age biết anh đã vay mượn 30.000 đôla Australia để trả cho John vào tháng 1/2011. Sau đó, John đã giúp anh điền mẫu đơn và nộp hồ sơ xin PR. “Tôi đã rất tin tưởng ông ta vì ông ta nói rằng mình từng làm việc nhiều năm trong lĩnh vực di trú” – Quynh cho biết. Thậm chí, có một nữ sinh viên Campuchia còn vay mượn 90.000 đôla Australia để trả cho John với hy vọng sẽ được giúp đỡ để ở lại Australia.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho ngày càng có nhiều người nhập cư, trong đó có những sinh viên quốc tế muốn bỏ tiền ra để “mua” giấy PR là vì vào giữa năm 2010, Chính phủ Australia đã thay đổi luật PR theo chiều hướng ngày càng thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, một hệ thống tính điểm mới để xin PR cũng được DIAC bắt đầu áp dụng vào tháng 7/2011. Theo đó, yêu cầu về trình độ học vấn, tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc đã được nâng cao hơn, và điều này khiến cho những người đang ở Australia theo diện visa tạm trú hoặc visa sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin PR.
Nhận định về luật PR mới, luật sư di trú Konfir Kabo thuộc Công ty Luật sư Kabo, cho biết: “Nó có tác động rất lớn. Một số ứng viên có đủ điều kiện để nộp hồ sơ xin PR theo luật cũ cách đây 1-2 năm thì cho đến nay lại không đủ điều kiện theo luật mới”. Rất nhiều người trong số đó là du học sinh đã trải qua ít nhất 2 năm học ở Australia với mục đích xin PR nhưng nay họ đã bị “kẹt lại”.
Theo luật sư Kabo, trong bối cảnh luật PR mới sẽ được áp dụng vào tháng 7/2011, vì quá mong muốn có được PR nên nhiều người đã quyết định chi trả một số tiền lớn cho người đàn ông tên John với hy vọng họ có thể “mua” được PR. Ông Kabo cũng cho biết, công ty của ông đã tiếp rất nhiều khách hàng là sinh viên và người nhập cư đến xin tư vấn về PR cũng như các loại visa để ở lại Australia. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó lại không đủ điều kiện để nộp hồ sơ, đặc biệt là với nhóm đối tượng sinh viên thì khả năng có được PR gần như là còn rất ít.
Theo ông Kabo, sự “tài ba” của người đàn ông tên John được biết đến chủ yếu qua những lời đồn thổi và hứa hẹn của ông ta. Trước câu hỏi tại sao các nạn nhân của vụ lừa đảo không đi báo cảnh sát sớm hơn, ông Kabo nói: “Tôi nghĩ rằng phần lớn những người bị mất tiền đều bị hạn chế về tiếng Anh và có tâm lý e dè cảnh sát”. Đây cũng chính là tâm lý mà John nắm rõ vì ông ta biết rằng khi có chuyện không hay xảy ra thì những người nhập cư sẽ không dám đi báo cảnh sát hoặc sẽ tự động “biến mất”.
Hậu quả là các nạn nhân bị tiền mất, tật mang, bởi trên thực tế, John đã lừa tiền của họ mà không thể thực hiện được lời hứa trong việc giúp họ có được visa để ở lại Australia hợp pháp. Vì vậy, họ phải sống một cuộc sống chui lủi tại đất nước này.
Ông Kabo cho biết, hiện nay Cảnh sát bang Victoria đang vào cuộc để tìm kiếm người đàn ông tên John đó.
Cũng liên quan đến vấn đề PR, theo tin mới nhất từ Cơ quan Truyền thông Quốc gia Australia (ABC), một phóng viên nữ trẻ tuổi gốc Ấn Độ đã bị tấn công sau khi cung cấp cho chương trình Four Corners của ABC một số thông tin có liên quan đến việc mua bán giấy tờ giả để xin visa ở lại Australia.
Nữ phóng viên này đã đóng giả là một khách hàng muốn mua chứng chỉ tiếng Anh IELTS với điểm số theo yêu cầu của DIAC. Cô đã tìm đến hai công ty tư vấn di trú khác nhau và được khuyên là chỉ cần bỏ ra 3.000-5.000 USD sẽ được đáp ứng nhu cầu.
Không những có thể mua được chứng chỉ tiếng Anh, theo ông Karl Konrad, một nhân viên tư vấn du học và di trú tại Sydney, trong những năm vừa qua, đã có rất nhiều người làm giả các loại giấy để ở lại Australia. “Rất nhiều khách hàng sinh viên của tôi nói rằng họ có thể mua được giấy chứng nhận về số giờ làm việc (đối với nhóm học nghề) tại một khách sạn nào đó với giá 3.000USD” – ông Konrad cho biết.