Sẵn sàng du học – Đất nước Canada đang là một trong những điểm đến chất lượng, thu hút sinh viên quốc tế nhờ danh tiếng của ngành giáo dục, chi phí hợp lý và chính sách việc làm, định cư cởi mở đối với người nước ngoài.
Theo sự đánh giá của trang US News & World Report, Canada có chất lượng giáo dục xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Chương trình giáo dục ở đây cũng khá đa dạng, cung cấp nhiều lựa chọn cho người học. Bên cạnh đó, chi phí học tập tại Canada không quá đắt so với Mỹ, Anh hay Úc. Cần chú ý là một số ngành học có học phí cao hơn mặt bằng chung như luật, y khoa, nha khoa, thú y. Mức học phí cũng dao động tùy vào từng trường, từng bang, trường tư thục thường có học phí cao hơn các trường công.
Cẩn trọng với bước chuẩn bị
Để được du học tại Canada, trước tiên cần có thị thực du học. Điều quan trọng nhất khi chuẩn bị hồ sơ xin thị thực là trình bày đúng sự thật để tránh việc hồ sơ bị từ chối. Một số ví dụ về cung cấp thông tin sai lệch là thay đổi bảng điểm, làm giả giấy chứng nhận kinh doanh, và cả việc không thông báo về những hồ sơ trước đây từng bị từ chối hay bị hủy.
Nếu người nộp hồ sơ từng bị Mỹ, Úc hay các nước khác từ chối cấp thị thực mà không thông báo thì văn phòng tiếp nhận hồ sơ và lãnh sự quán Canada có thể từ chối xét duyệt hồ sơ. Người đăng ký cũng sẽ không được phép nộp bất kỳ các loại hồ sơ nào trong vòng năm năm tiếp theo. Thông tin sinh trắc học là bắt buộc phải có đối với các học sinh từ 14 tuổi trở lên. Người đăng ký có thể đến các trung tâm tiếp nhận để chụp hình và cung cấp dấu vân tay.
Ngoài ra, học sinh cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu về ngoại ngữ, điểm số để chủ động chuẩn bị cho hành trang du học Canada một cách thuận lợi. “Để vào thẳng đại học, học sinh nước ngoài phải có điểm IELTS hoặc TOEFL cao và kết quả học tập ở bậc phổ thông rất tốt”, ông Ajay Patel, đại diện trường Langara College, nói bên lề một hội thảo du học Canada ở TPHCM.
Chính sách thông thoáng
Thời gian xét duyệt hồ sơ xin thị thực đối với chương trình xét duyệt visa nhanh (CES) của Cơ quan di trú, Tị Nạn và Quốc tịch Canada là 45 ngày, so với chương trình thông thường là 60 ngày. Chương trình CES được triển khai từ năm 2016 và chỉ dành riêng sinh viên đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.
Một số trường tại Canada cung cấp học bổng dành cho học sinh quốc tế, đa phần dành cho những sinh viên xuất sắc. Theo quy định của Chính phủ Canada, thời gian làm thêm theo quy định cho sinh viên là tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong những kỳ nghỉ. Mức lương trung bình một giờ làm việc khoảng 8-12 đô la Canada.
Theo học tại các trường cao đẳng trước khi chuyển tiếp vào đại học là lựa chọn của nhiều người vì không phải ai cũng đáp ứng đủ yêu cầu để được vào thẳng đại học ở Canada. Cao đẳng cộng đồng là hình thức trường phổ biến ở quốc gia này. Đây là nơi cung cấp các chương trình đào tạo nghề chuyên môn từ 1-3 năm. Một vài trường cao đẳng cộng đồng dạy nghề có chương trình chuyển tiếp đại học, cho phép học sinh theo học các khóa học tương đương với hai năm đầu của chương trình đại học bốn năm. Sau đó, học sinh tiếp tục học hai năm cuối tại trường đại học để hoàn tất chương trình và tốt nghiệp.
Hỗ trợ học tập và định cư
Việt Nam là một trong 5 nước có đông du học sinh theo học tại Canada nhất. Trong vài năm gần đây, một số trường đại học Canada cũng có học bổng dành cho sinh viên Việt Nam theo học trong năm đầu tiên (entrance scholarship). Sinh viên có thể tìm kiếm các học bổng được cấp thông qua một số hiệp định song phương giữa Canada, tỉnh bang Quebec, tổ chức Cộng đồng Pháp ngữ và chính phủ Việt Nam.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là cơ hội định cư tại Canada sau khi tốt nghiệp. Du học sinh tốt nghiệp các chương trình cao đẳng, đại học, sau đại học được ở lại làm việc từ 1-3 năm. Sau khi làm việc toàn thời gian tối thiểu một năm, du học sinh được nộp hồ sơ xin định cư tại Canada theo diện việc làm. Mới đây, chính phủ Canada đặt ra mục tiêu tiếp nhận 51.000 người nhập cư thông qua chương trình Tự ứng cử cấp tỉnh bang (Provincial Nominee Program). Trong đó, tỉnh bang Quebec đưa ra mục tiêu chào đón 29.000 người nhập cư thông qua chương trình định cư kinh tế, trong đó có Chương trình lao động có tay nghề Quebec (Quebec Skilled Worker Program). Một số tỉnh bang như Saskatchewan, Newfoundland và Labrador cũng có chương trình định cư dành cho sinh viên quốc tế.
Thái Hải (SSDH) – Theo SG Tiếp Thị