Sẵn sàng du học – Mang niềm đam mê công nghệ thông tin đến với Canada, bạn sẽ có thể tìm kiếm được những cơ hội làm việc hấp dẫn với mức lương đáng mơ ước.
Ở tuổi 24, sau khi ra trường 2 năm, tôi đã làm qua 4 vị trí công việc. Không phải tôi muốn khoe khoang khả năng của mình giỏi, mà tôi muốn chia sẻ điều mình tâm đắc nhất sau những gì bản thân đã trải qua. 2 năm nhảy việc liên tục, tôi cảm thấy chán nản với những công việc mình đã làm, và thật sự hoang mang cho con đường sự nghiệp của mình sau này. Sẽ lại tiếp tục mòn mỏi với những công việc mà mình không yêu thích, đi làm như một cái máy, về nhà với sự trống rỗng hay sao? Không tôi nghĩ mình cần thay đổi.
Tôi tự hỏi mình thích nghề gì? Muốn làm công việc gì? 24 tuổi mới bắt đầu đặt ra những câu hỏi như thế này có muộn không nhỉ, có câu nói thế này “Better late than never” – Không bao giờ là quá muộn, tôi luôn tin vào nó.
Mặc dù thích đó, muốn học đó nhưng tôi không nhìn trước được tương lai sẽ làm gì khi học xong, liệu có tìm đươc việc hay không, lương có đủ nuôi sống bản thân và gia đình hay không. Với những lo lắng đó tôi đã từ bỏ sự yêu thích của bản thân, đi theo định hướng sẵn có của gia đình. Nhưng giờ tôi thấy mình đã sai lầm quá, công việc mình không yêu thích quả thật tôi làm không được, chán việc, chán cả môi trường làm việc.
Tôi muốn bắt đầu lại, theo đuổi niềm yêu thích của mình, tìm kiếm một môi trường mới. Tôi bắt đầu tìm hiểu dần về ngành công nghệ thông tin, tôi cần hiểu biết nhiều hơn để không còn hoang mang lo lắng, và cần vạch ra một kế hoạch cụ thể cho sự nghiệp của mình.
Trước đây tôi đã sợ rằng học công nghệ thông tin xong có thể sẽ bị thất nghiệp nên tôi bắt đầu tìm hiểu về nhu cầu lao động trong ngành này. Theo báo cáo của Vietnamworks nếu vẫn tiếp tục mức tăng trưởng nhân lực hiện tại, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự ngành Công Nghệ Thông Tin. (Chi tiết tại https://www.topitworks.com/IT-salary-benefits-skills-vietnam-2017 ). Đây là một cơ hội lớn cho những người xác định theo ngành IT, tôi học xong sẽ không lo lắng rơi vào tình trạng thất nghiệp nữa. Hơn nữa khi tìm hiểu thêm về mức lương của ngành này tôi thấy topITWorks, “sàn” việc làm IT của Vietnamworks đã công bố bản báo cáo cho thấy 80% vị trí tuyển dụng đòi hỏi ứng viên trên 2 năm kinh nghiệm và sẵn sàng trả mức lương lên đến $1.160/ tháng, cao hơn rất nhiều so với bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam cùng kỳ.
Tôi càng thêm tin tưởng, theo ngành công nghệ thông tin tôi sẽ không phải lo đến việc không đủ tiền sinh sống. Mặc dù đã trao đổi, phân tích rất nhiều về quyết định nghỉ làm công việc hiện tại và theo đuổi ngành công nghệ thông tin nhưng gia đình tôi vẫn phản đối rất quyết liệt. Tôi không từ bỏ.
Tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và chất lượng giáo dục đào tạo của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Nếu đã xác định bắt đầu lại, tôi nghĩ mình nên đầu tư tốt nhất cho việc học, và cố gắng hết mình. Tôi nhận thấy không phải chỉ có thung lũng Silicon tại California mới làm được những điều kỳ diệu trong phát triển công nghệ phần mềm. Ngành công nghệ thông tin của Canada cũng thuộc trong top đầu của thế giới với khoảng 30.000 công ty CNTT, tạo ra doanh thu khoảng 140 tỉ USD hàng năm. Ngành phần mềm là một trong 16 ngành phát triển trọng điểm của Canada, với lao động có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiêm, chi phí lao động cạnh tranh, thuế suất ưu đãi và nhiều lợi thế khác làm cho Canada trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phần mềm. (Theo http://www.international.gc.ca/…/sector-secteurs/software). Tôi có thể hoàn toàn yên tâm về sự phát triển của ngành này tại Canada, và tôi sẽ học hỏi được nhiều điều cũng như có nhiều cơ hội phát triển.
Đồng thời, danh tiếng của nền giáo dục Canada được công nhận về chất lượng vượt trội trong giới giáo dục toàn cầu và bằng cấp tại Canada được đánh giá cao trên toàn thế giới. Chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin tại Canada đa dạng, có nhiều sự lựa chọn như: Chương trình Diploma, Advance Diploma, cử nhân cao đẳng, đại học. Hơn thế nữa, chương trình đào tạo ngành này không đặt nặng lý thuyết, chú trọng thực hành, liên tục đổi mới và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. (https://www.jobbank.gc) Học phí cũng như các chi phí khác tại Canada cũng hợp lý hơn so với Anh, Mỹ, Úc.
Điều này có nghĩa tôi có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống thành thị tại Toronto, Montreal hay Vancouver mà không cần bận tâm nhiều về túi tiền. Thêm vào đó, vì các trường đại học ở Canada được hỗ trợ từ các quỹ công lập, học phí ở đây ít hơn so với các trường ở Mỹ. Học bổng từ chính phủ hay từ chương trình học bổng của Canada cũng là những nguồn hỗ trợ tốt. Tôi có thể nghiên cứu thêm về các chương trình này để giúp giảm phần nào về gánh nặng tài chính.
Ngoài ra, tôi cũng cân nhắc tới cơ hội việc làm tại Canada, mặc dù ban đầu tôi xác định rằng tôi sẽ trở về Việt Nam làm việc và cống hiến. Tôi hy vọng một ngày nào đó Việt Nam cũng sẽ có một thung lũng Silicon như tại California. Tuy nhiên, nếu ngành phần mềm tại Canada có nhu cầu việc làm lớn, tôi sẽ có nhiều cơ hội được vận dụng những kiến thức của mình vào thực tế. Một vài năm đi làm sẽ giúp tôi tích lũy thêm kinh nghiệm khi về Việt Nam.
Theo tìm hiểu tôi được biết ngành công nghệ thông tin đã tạo ra một số lượng lớn cơ hội việc làm cho sinh viên, nhu cầu nhân lực tại các bang Canada ngày càng tăng và dự kiến trong giai đoạn 2015-2024 sẽ cần tới 18.600 lao động. Ngành công nghệ thông tin tại Canada là một trong các ngành có mức lương khởi điểm cao nhất ở Canada trung bình khoảng $45.000/ năm (https://www.jobbank.gc.ca/report). Điều này rất hấp dẫn tôi với nhiều cơ hội nghề nghiệp và mức lương cao.
Cũng phải mất thời gian khá dài để tôi biết đến và tìm hiểu về hệ thống phân cấp nghề nghiệp của Canada theo NOC (National Occupational Classification) và phân loại chương trình giảng dạy CIP (Classification of Instructional Programs). Vì cũng như bao người khi bắt đầu tìm hiểu về việc đi du học chỉ nghĩ đơn giản là chọn trường nào, ở đâu mà thôi. Cũng ít ai nghĩ đến việc học xong chương trình học tại trường thì có phù hợp với yêu cầu của công việc, yêu cầu của nghề hay không, cơ hội việc làm như thế nào. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết để làm việc trong ngành phần mềm, tôi có thể tìm các công việc theo NOC 2173 (software engineers and designers)
Có rất nhiều sự lựa chọn chương trình học theo NOC 2173 tại Canada, tôi cũng đã khá hoang mang giữa biển thông tin về các trường, các chương trình học, làm thế nào để lựa chọn cho phù hợp. Tuy nhiên theo nghiên cứu thông tin trên https://www.jobbank.gc cho thấy nhu cầu công việc trong ngành này tại Ontario chiếm khoảng 43,5% tỉ trọng của toàn Canada. Cũng như việc học tập và nghiên cứu về ngành phần mềm, tôi sẽ ưu tiên lựa chọn những trường có thế mạnh về nghiên cứu và ứng dụng đồng thời đi đầu trong chất lượng đào tạo. Sau khi tìm hiểu thông tim và phân tích sơ bộ thì tôi lựa chọn trường University of Waterloo, ON cho con đường học tập và nghiên cứu của mình.
Đầu tiên University of Waterloo nằm trong top đầu về chất lượng giáo dục nói chung và ngành phần mềm nói riêng, xếp thứ 36 trên thế giới và đứng thứ 2 của Canada (https://www.theguardian.com/higher-education-network). Hơn nữa, đây còn là trường được thành lập dựa trên tinh thần đổi mới và nghiên cứu ứng dụng để phục vụ cho nhu cầu thực tế của khu vực và tỉnh bang. Waterloo University xếp thứ nhất trong đối tác với các nhà tuyển dụng theo bảng xếp hạng người sử dụng lao động QS, 2017, xếp thứ nhất trong xếp hạng các trường đổi mới nhất theo Mclean’s, Chương trình khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính lần lượt được xếp thứ 24 và 43 trong bảng xếp hạng của QS World University Rankings và Academic Ranking of World Universities.
Waterloo được tạp chí Mclean’s bình chọn là trường đại học tốt nhất trong 13 năm gần đây với chương trình giảng dạy tiên tiến đa dạng như: chương trình truyền thống, chương trình liên ngành, chương trình chuyên ngành, chương trình trao đổi. Đây là ngôi trường cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất tại Canada và trên thế giới. (https://uwaterloo.ca/find-out-more/about-waterloo). Tôi tin rằng mình sẽ có được những kiến thức bổ ích và chất lượng đào tạo tốt nhất khi học tập và nghiêm cứu tại đây. Ngoài ra sinh viên năm nhất còn được đảm bảo sắp xếp chỗ ở tại các khu ký túc xá của trường. Vì với tôi Canada là một đất nước xa lạ, tôi không có người thân nào ở đó, nên thời gian đầu khi bước chân sang Canada, tôi cần hỗ trợ rất nhiều, nhất là về nơi ở.
Bên cạnh đó, Waterloo mang đến những trải nghiệm của cuộc sống sinh viên muôn màu với các CLB như học múa Salsa, các hoạt động thể thao như Quidditch, các hoạt động ngoại khóa khác. Tôi vẫn luôn mê mẩn những trận đấu Quidditch hấp dẫn trong bộ phim nổi tiếng Harry Poter, và lần đầu khi biết rằng tại Waterloo cũng có môn thể thao đó(Mặc dù tất nhiên là không có chổi bay) tôi cứ nghĩ mình đã lạc vào thế giới phép thuật kỳ ảo và ngay lập tức có thể gặp Harry. Tuy là những điều nhỏ nhặt nhưng sẽ làm cuộc sống sinh viên của tôi thú vị hơn bao giờ hết. (https://uwaterloo.ca/future-students/student-life).
Trong các chương trình học tại đây, tôi chọn học theo chương trình Bachelor of Software Engineering của Waterloo, chương trình đáp ứng được các yêu cầu theo NOC 2173. Các khóa học trong chương trình này không chỉ cung cấp nền tảng vững chắc về toán học, kỹ thuật và khoa học máy tính mà còn bao gồm quá trình phát triển phần mềm, quả lý dự án và tài liệu kỹ thuật. Điều hấp dẫn tôi ở chương trình học này là tôi sẽ có trong tay lợi thế với 2 năm kinh nghiệm co-op sau khi tốt nghiệp và có một khoản thu nhập để trang trải chi phí. (https://uwaterloo.ca/future-students/programs/software-engineering).
Và tất nhiên một trong những vấn đề quan trọng để tôi quyết định có theo học chương trình này hay không là học phí và những chi phí kèm theo. Học phí cho năm học đầu tiên 2 kỳ/8 tháng tại đây của chương trình Software Engineering là $36.430, chi phí cho sách $2.000. Phụ phí $1.700-$2.000. Học phí sẽ tăng dần trong những năm học tiếp theo. Tôi cần nghiên cứu kỹ càng và có một kế hoạch tài chính để đảm bảo cho quá trình học tập của mình không bị gián đoạn (https://uwaterloo.ca/future-students/financing/tuition).
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng và vạch ra kế hoạch cụ thể về con đường sự nghiệp cùng những kế hoạch tài chính kèm theo, tôi trao đổi lại với gia đình và thể hiện quyết tâm của mình. Cuối cùng thì gia đình tôi cũng đồng ý.
Và sau hơn 5 năm cùng những nỗ lực của bản thân và sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình bạn bè tôi đã thành công với công việc mà mình yêu thích, và tất nhiên là đủ khả năng cho gia đình một cuộc sống khá giả. Nhiều khi bạn bè tôi cũng hỏi, tôi sẽ như thế nào nếu năm đó mình không quyết tâm theo nghề này. Tôi trả lời rằng tôi không biết, vì tôi đã lựa chọn bắt đầu lại, theo đuổi niềm yêu thích của mình rồi. Nếu có cơ hội lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ theo ngành công nghệ thông tin, dù có bỏ ra 5 năm vất vả, chậm lại hơn so với bạn bè đồng trang lứa nhưng kết quả đạt được là xứng đáng. Tôi muốn nói rằng, hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Thái Hải (SSDH) – Theo Hỗ trợ du học Canada