Học Trái Ngành Gửi 3 năm – Lãi 1 đời

0

Sẵn sàng du học – Sự thật về việc Học trái ngành là dấu chấm hết? Hay Học Trái ngành có đáng hay không? Bạn đang học một ngành đi làm một ngành khác, đừng bỏ qua những dòng chia sẻ từ chính kinh nghiệm bản thân thành công từ việc học trái ngành của Peter Phạm, người đã du học và ở lại Úc làm việc cho đến nay nhé.

du-hoc-uc-1447993344

Xin chào mọi người, gần đây sau khi chia sẻ về câu chuyện bản thân từ bỏ học bổng Engineer ở tuổi 18 để đi theo ngành Accounting. Có khá nhiều các bạn đã comment cũng như inbox hỏi mình về quyết định ấy, có người bảo mình khôn ngoan nhưng có người cũng bảo mình “khùng/ngu/chả hiểu nghĩ gì/chắc tuổi trẻ còn non dại”. Mình xin dành bài viết này chia sẻ về việc “Học Trái Ngành” – một việc rất phổ biến tại Úc, phần lớn với các du học sinh và những suy nghĩ của mình qua chính hành trình của bản thân.

1/ Học Trái Ngành là gì?

Ở Úc chắc chắn phần lớn du học sinh chúng ta thuộc vào các nhóm sau : Business (Accounting), Nursing, IT, Engineering và Chef. Ngoài ra có những ngành khác như Lab, Researcher, Childcare, Education. Nhưng thật sự mà nói, có bao nhiêu bạn yêu thích hoặc có đam mê, định hướng theo các ngành này? Ngược lại, có bao nhiêu bạn trong chúng ta yêu muốn học nhưng ngành như Finance, Marketing, Design, thậm chí là theo các ngành về Writing, Logistics nhưng rất hiếm hoặc gần như không có cơ hội ở lại. Hơn thế, có biết bao nhiêu anh chị em ở Việt Nam có kinh nghiệm dày dặn trong việc Sales, Management, Banking, nhưng cũng khó kiếm cơ hội định cư bằng chính các ngành thế mạnh? =

Phương án giải quyết: Đi học (lại) một trong các ngành có cơ hội định cư, dù cho bản thân không yêu thích hay thậm chí không có khả năng. Đây chính là định nghĩa của việc Học trái ngành (theo quan điểm cá nhân).

Bản thân mình cũng cực kì yêu thích môn Vật Lí và rất mê ngành Kĩ sư, đặc biệt là Kĩ sư Hàng Không, và mình cũng đã từng đỗ tất cả 12 nguyện vọng lớp 12 vào các ngành Kĩ Sư ở Melbourne Uni, Monash, RMIT. Thậm chí các ngành về Quang học như chụp X-Ray hay siêu âm cũng trong sở thích của mình. Nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện tài chính không cho phép, mình đã phải “buông bỏ” tất cả, học ngành Accounting như các bạn năm ấy, với mục tiêu duy nhất là dành được tấm vé ở lại.

2/ Vậy… Học Trái Ngành đáng hay không?

  • Câu trả lời của bản thân mình: ĐÁNG
  • Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Đâu cần nhất thiết phải khổ như vậy, học ngành mình thích đi, rồi thành công sẽ theo đuổi, và mình cũng sẽ kiếm được cách định cư mà thôi”. Nhưng liệu “sự thật” có dễ dàng như vậy không.
  • Lí do mình trả lời “ĐÁNG” là vì sao: Thứ nhất, nó “Đáng” bởi vì “Trái Ngọt” mà mình nhận được, và nhiều người khác nhận được sau vài năm học trái ngành, đều thật sự quý giá. Cầm được trong tay Visa ở lại lâu dài, hợp pháp, được làm tất cả những điều mình thích, được sử dụng các hỗ trợ và trợ cấp, được hưởng nền giáo dục, cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh cũng như không khí trong lành là điều mà mình nghĩ không thể đo đạc bằng tiền được. Thứ hai, nó “Đáng” là bởi vì nó là mình chứng cho việc Miễn là bản thân đi đúng hướng, và không bỏ cuộc, thì không có gì là bản thân không làm được. Học trò của mình có những gia đình cả bố mẹ đều đến tuổi 30~40, nhưng vẫn bắt đầu lại từ đầu, nhưng chỉ cần đúng 3 năm, đi học đúng nơi, đúng ngành, với sự chuẩn bị và tính toán kĩ lưỡng, bây giờ họ đã có PR trong tay. Dù cho trong 3 năm đó, cuộc sống không hề dễ dàng, người vợ phải vừa chăm con vừa đi học ngành mình không hề yêu thích và không hề có căn bản, chồng đang làm sếp ở Việt Nam thì bây giờ qua đây làm rửa chén, làm farm ngót nghét $10~$15/giờ. Nhưng với sự đồng lòng và nỗ lực của hai vợ chồng, cả hai đã có thể thoải mái kinh doanh công việc mình thích và con cái cũng hoà nhập vào môi trường, cuộc sống như sáng một trang mới.
  • Tuy nhiên, cũng không nhiều người phủ nhận rằng, Học Trái Ngành là việc không hề dễ dàng, và đặc biệt, khi bạn đi sai đường, hoặc luật thay đổi, bạn sẽ cảm thấy bản thân nhưng đang lãng phí thanh xuân, thời gian, sức lực và tiền bạc. Và cảm giác nuối tiếc cuộc sống và những gì bạn đang có (ở Úc hoặc Việt Nam) đều mạnh mẽ nổi lên trong bạn, khiến cho bạn cảm thấy ngờ vực. Và có khi, bạn bỏ cuộc…. Trong khi một số ít vẫn quyết định dấn thân đi tiếp. Có lẽ với những hoàn cảnh này, Học Trái Ngành có thể “Không Đáng”.

3/ Liệu…Mình có nên Học Trái Ngành hay không?

Theo kinh nghiệm bản thân của mình, việc Học Trái Ngành là rất phổ biến, và với tất cả những ai nung nấu ý định dành lấy một tấm vé ở lại, đây có lẽ sẽ nên nằm trong một phần kế hoạch của các bạn. Và với những gì mình đã đi qua, mình xin đưa ra một số lời khuyên chủ quan:

  • Thứ nhất, cân nhắc Năng Lực + Sở thích bản thân: Mình thường chia sẻ với học sinh, để chọn một ngành học, các bạn nên nắm rõ bản thân thích (hoặc có thể chịu đựng) được những ngành gì, và bản thân có thể làm được việc gì. Ví dụ, chính bản thân mình, mình thích làm học các môn tính toán, và mình có thể làm việc với số được, nên mình chọn Accounting thay vì IT hoặc Nursing. Tuy nhiên, những bạn ghét số, các bạn không nên chọn Accounting hoặc Engineering, vì nó có thể là “3 năm hành xác” của bạn, còn chưa tính việc phải thi lại khi rớt. Hãy thành thật với bản thân xem mình có thể làm được gì, mình thích (hoặc có thể làm quen) với việc gì. Rồi đọc kĩ về các môn học của ngành mình sắp học, hoặc hỏi bạn bè để xem mình có thể chịu được không?
  • Thứ hai, cân nhắc Tài Chính: Đây là yếu tố then chốt. Có thể ngành bạn Thích và Phù hợp nhất lại chưa chắc là ngành bạn theo được, vì lí do “đầu tiên”. Quay lại chính bản thân mình, học bổng $10,000AUD/năm dù rất tốt nhưng học phí vẫn cao với mình – mỗi năm $25,000~28,000 nên mình không theo được, vậy nên mình học Accounting với học phí $16,000/năm. Cho nên bạn hãy cân nhắc xem khả năng bản thân (+ Gia đình) có thể lo được 2-3 năm học của mình hay không. Đừng vì đu theo ngành hot mà đâm đầu vào các ngành đắt tiền. Hiện nay có những ngành rẻ tiền vẫn học được như Wall & Tiling vẫn $10,000/năm mà có cơ hội 190 nữa.
  • Thứ ba, cân nhắc Thị Trường: Đây là việc khiến rất nhiều người đau đầu – Học xong ròi có việc làm hay không? Các bạn có đồng ý với mình là có hàng tá sinh viên Accounting ra trường gặp khó khăn trong việc kiếm việc làm không? IT và Engineering cũng thế. Trong khi IT, Chef, và các ngành tay chân lại “dễ thở” hơn. Chính vì thế, nếu bạn không có khả năng tài chính mạnh, hoặc bản thân phải tự lo mọi thứ, hãy thực tế và nhìn vào các ngành có cơ hội kiếm việc, đặc biệt trong thời thế mọi người ra các vùng regional như Tasmania nơi mình ở, thì các việc tay chân lại có tiềm năng hơn các công việc văn phòng. Hãy tìm hiểu thật kĩ, và nhìn vào bức tranh toàn cảnh thực tế, chứ đừng chỉ nghe những lời đường mật hoặc các lời hứa hão huyền. Thực tế có thể đắng hơn rất nhiều.
  • Thứ tư, cân nhắc Biến Động: Yếu tố này đòi hỏi các bạn phải thật sự nghiêm túc với bản thân, và đòi hỏi các bạn phải xác định khả năng “thích ứng” với các thay đổi. Các bạn có thể thấy rất rõ trong suốt 4~5 năm qua, nước Úc không ngừng thay đổi luật và các chính sách định cư, khiến cho du học sinh nhiều pha điêu đứng. Chính vì thế, muốn là người học sinh khôn ngoan, hãy lên kế hoạch A, nhưng hãy có kế hoạch B. Ví dụ vợ đi học, chồng nên đi làm những ngành có thể thay thế nếu ngành vợ bị ra khỏi list, hoặc nhiều bạn dù là ở chung nhưng vẫn giữ 2 visa du học sinh riêng. Hãy luôn “expect the unexpected” và bạn sẽ không bao giờ bị “bất ngờ” làm cho gục ngã. Chính bản thân mình và vợ đã lên rất nhiều kế hoạch A,B,C để phòng các trường hợp. Và may mắn là không phải dùng đến chúng.

Mình hy vọng các chia sẻ tuy có phần hơi “Thẳng” nhưng giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về việc Học Trái Ngành. Mình đồng cảm và ủng hộ tất cả những ai đang trong hoàn cảnh này. Và với tất cả những bạn có ý định Học Trái Ngành, hãy cân nhắc những chia sẻ này nhé.

SSDH team sưu tầm

Share.

Leave A Reply