Chính sách giáo dục miễn phí của Đan Mạch khiến nhiều SV “lười” tốt nghiệp

0

Sẵn sàng du học – Là một trong số ít các quốc gia miễn học phí cho sinh viên đại học, Đan Mạch đã giải phóng cho sinh viên khỏi áp lực tài chính nhưng lại gây ra tình trạng “sinh viên lười tốt nghiệp”.

sinh-vien-quoc-te

Một số người Đan Mạch, đặc biệt là các công dân lớn tuổi trong lực lượng lao động, cho rằng sự miễn phí này có thể khiến cho những người trẻ đang ở độ tuổi 20 khó mà… trưởng thành được.

Đất nước bây giờ phải đối mặt với tình trạng "sinh viên lười tốt nghiệp" – những người ở lại trường đại học trong 6 năm hoặc hơn mà không có ý định tốt nghiệp, chỉ vì họ không phải chịu bất kỳ gánh nặng tài chính nào.

Đất nước Đan Mạch đang phải đối mặt với tình trạng "sinh viên không bao giờ tốt nghiệp” ( Ảnh minh họa: Freepik) "Với giáo dục miễn phí, một thuật ngữ trong tiếng Đan Mạch 'evighedsstuderende' đã xuất hiện", Daniel Borup Jakobsen, một sinh viên 24 tuổi mới tốt nghiệp và là phó chủ tịch của công ty phần mềm Plecto, nói với tờ Business Insider.

"Từ này dùng để chỉ một người không bao giờ hoàn thành việc học của mình nhưng lại liên tục thay đổi chương trình học từ năm này qua năm khác”, Borup nói. Năm 2015, Đan Mạch đã có những sửa đổi trong luật để cải thiện tình trạng “sinh viên lười tốt nghiệp”.

Trong nhiều năm, Đan Mạch đã có chương trình dành cho sinh viên khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 1.000 đô la để trang trải chi phí sinh hoạt. Cùng với đó, Chính phủ Đan Mạch đã đề xuất và thông qua một sửa đổi đối với cuộc cải cách tiến bộ giáo dục, trong đó cho phép các trường đại học nhiều quyền lực hơn để thúc đẩy sinh viên tốt nghiệp.

Hàng ngàn sinh viên đã phản đối vào thời điểm đó, họ chỉ trích sự thay đổi và cho rằng đó là một cách để loại bỏ quyền tự do của họ. Những người ủng hộ việc sửa đổi thì lại khẳng định việc này sẽ góp thêm nhiều tiền thuế cho nền kinh tế – khoảng 266 triệu đô la, theo ước tính của chính phủ – và làm cho hệ thống trường đại học hiệu quả hơn.

"Chương trình miễn học phí đã được mở rộng trong những năm qua, vì vậy khi cải cách này được đưa ra, một sinh viên đại học đã mất một khoảng thời gian dài hơn chương trình học bình thường là một năm rưỡi", Søren Nedergaard, một quan chức của Bộ Giáo dục Đại học và Khoa học Đan Mạch, nói với tờ The Atlantic. "Điều này là quá thừa thãi. Giáo dục đại học không cần phải mất nhiều thời gian đến thế”.

Tình trạng “sinh viên lười tốt nghiệp” đang giảm dần nhưng chưa biến mất hoàn toàn. Những can thiệp của chính phủ làm giảm số “sinh viên lười tốt nghiệp”, nhưng những sinh viên thế này vẫn có trong các trường đại học. Người dân Đan Mạch thậm chí có từ “fjumreår”, hoặc "năm học của những kẻ ngốc", khi có những sinh viên chỉ học ít môn còn lại dành thời gian đi du lịch.

Tuy nhiên, một số người lại phủ nhận ý kiến cho rằng miễn học phí là một điều xấu vì nó gây ra tác dụng phụ khi có những sinh viên phải mất quá lâu để tốt nghiệp.

"Một người ngoài cuộc có thể nêu lên câu hỏi liệu sinh viên được cung cấp giáo dục đại học miễn phí có động cơ học tập chăm chỉ như những người phải trả tiền hay không. Ấn tượng của tôi là tiền và việc học không liên quan tới nhau. Tôi tin rằng động lực để thành công trong việc học không liên quan đến việc bạn có phải trả tiền học phí hay không”, một sinh viên Đan Mạch bày tỏ quan điểm.

Thái Hải (SSDH) – Theo Scholarship Planet

Share.

Leave A Reply