Cuốn ‘Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản’ sẽ thúc đẩy việc học tiếng Nhật tại Việt Nam

0

Sẵn sàng du học – Vào 9 giờ ngày 21.8.2018 chương trình giao lưu ra mắt giáo trình Margugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản đã được diễn ra tại Hà Nội.

Buổi ra mắt sách có sự tham gia của ông Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (JF), Ông Otsuka – Phụ trách giáo trình Marugoto phiên bản tiếng Việt, Bà Nguyễn Thị Tâm Hằng – PGĐ First News – Trí Việt, Đại diện các trường, trung tâm Nhật ngữ tại Hà Nội, cùng các cơ quan báo Đài tại Hà Nội.

marugoto

Ông Ando Toshiki chia sẻ trong nhiều năm qua Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản đã nỗ lực hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết quốc tế giữa Nhật Bản – Việt Nam cũng như thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật; hỗ trợ các hoạt động giáo dục tiếng Nhật và các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kiến thức về Nhật Bản. Mục tiêu của nhóm là kết nối Nhật Bản với thế giới thông qua 3 yếu tố: văn hóa, ngôn ngữ và đối thoại.

Theo ông Toshiki, quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản là đơn vị tổ chức kỳ thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) trên toàn thế giới, một trong những kỳ thi đánh giá năng lực của người học tiếng Nhật. Số thí sinh dự thi tại Việt Nam năm 2017 đạt 71.242 người, đứng thứ 3 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều đó cho thấy Việt Nam là quốc gia có số người theo học tiếng Nhật rất lớn.

Bộ sách Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản là bộ giáo trình lấy trọng tâm là các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Nhật. Chúng tôi hy vọng việc xuất bản giáo trình tiếng Nhật Marugoto sẽ phần nào thúc đẩy hơn nữa chất lượng học tập, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam.

Cũng trong buổi ra mắt sách Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản – Ông Otsuka – Chuyên gia tiếng Nhật thuộc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản đã đưa ra những ví dụ cụ thể cho người học giáo trình dễ ghi nhớ.

Ở cấp độ A1, yêu cầu đối với người học ở trình độ này “có thể hiểu và sử dụng những cách nói đơn giản thường ngày để đáp ứng những mong muốn cụ thể của bản thân”. Như vậy người học không chỉ hiểu, mà còn phải có khả năng sử dụng tiếng Nhật để thực hiện một hành động trong thực tế.

Trong cách chào hỏi, giáo trình không chỉ giới thiệu cách chào của Nhật mà còn giới thiệu nhiều cách chào của các nước khác. Qua đó người đọc có thể vừa học, vừa tìm hiểu và chia sẻ hiểu biết của mình về nhiều quốc gia khác nhau.

Phương châm của Marugoto là “Thực hiện giáo dục tiếng Nhật nhằm rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề thông qua giao tiếp bằng ngôn ngữ, thúc đẩy hiểu biết về nhiều nền văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.”

Trong đó, những từ khóa mà Marugoto muốn nhấn mạnh là “năng lực giải quyết vấn đề”, “hiểu biết về các nền văn hóa khác biệt” và “khả năng hiểu biết lẫn nhau”.

Bộ Marugoto được biên soạn dựa trên kết quả điều tra về những chủ đề và nội dung mà người học ở nước ngoài sẽ muốn nói với người Nhật. Ngoài ra, cuối mỗi topic đều có một trang “Đời sống và Văn hóa”, để người học vừa có thể biết thêm về văn hóa Nhật Bản, vừa có thể nghĩ và đối chiếu với văn hóa nước mình. Đây là bộ giáo trình không chỉ cung cấp kiến thức từ vựng, ngữ pháp mà còn hướng tới những điều trong thực tế mà người học muốn biết.

Ông Ando Toshiki - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Tâm Hằng - PGĐ First News - Trí Việt đã ký biên bản hợp tác kinh doanh.

Ông Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Tâm Hằng – PGĐ First News – Trí Việt đã ký biên bản hợp tác kinh doanh.

Sắp tới bộ Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản sẽ được dùng làm tài liệu giảng dạy tại nhiều các trường Đại học Việt Nam như: Trường Đại học Việt Nhật, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM…

Thái Hải (SSDH) – Theo Một thế giới

Share.

Leave A Reply