SSDH – Sinh viên theo học ngành này tại Hà Lan luôn có cơ hội được tiếp cận kiến thức thực tiễn trong và ngoài lớp, thậm chí sẽ được làm việc tại công ty thiết kế hàng đầu thế giới như Marcel Wanders để có trải nghiệm tốt.
Công nghiệp sáng tạo (Creative Industry) là tên gọi những ngành công nghiệp mới xuất hiện trong thế kỷ 20, tập trung chủ yếu vào các nhóm như: quảng cáo, truyền thông, nghệ thuật. Đặc biệt trong số đó, thiết kế đồ họa là ngành được xem như thỏi nam châm thu hút nhiều nhân tài.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, có thể nói hình ảnh đã dần thay thế ngôn từ dài dòng, truyền tải đầy đủ thông điệp của vấn đề, đem đến sự tương tác tốt nhất giữa con người với nhau. Thiết kế đồ họa (Graphic Design) chính là ngành dùng hình ảnh để làm cho người khác hiểu mọi điều mà không cần dùng đến ngôn ngữ diễn đạt.
Thiết kế đồ họa tham gia vào mọi mặt trong đời sống, xuất hiện trên mọi sản phẩm mà con người cần thiết phải dùng đến như: sách, báo, tạp chí, bao bì, các poster quảng cáo, logo thương hiệu, truyện tranh, phim hoạt hình, game… Ngành Thiết kế đồ họa là một trong những ngành công nghiệp sáng tạo có vai trò làm đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế và xã hội ngày một phát triển cao hơn.
Tại Việt Nam, thiết kế đồ họa còn khá mới mẻ nhưng các hoạt động sáng tạo đang phát triển với tốc độ cao thì đây là ngành đang có nhu cầu nhân lực cao với mức lương đáng mơ ước hiện nay. Qua đó, có thể thấy rõ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ngành này đến cuộc sống hàng ngày cũng như trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Vì thế, đây thiết kế đồ họa (Graphic Design) đang trở thành ngành học “hot” hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Không có quá nhiều quốc gia đào tạo chuyên về công nghiệp sáng tạo, bên cạnh Anh quốc thì Hà Lan là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục tập trung đầu tư cho ngành học này. Vì đất nước Hà Lan được đánh giá là có nền công nghiệp sáng tạo phát triển hàng đầu tại châu Âu và có tầm ảnh hưởng mạnh trên thế giới. Ngành thiết kế đồ họa tại đây cũng tiêu biểu cho sự đổi mới, sáng tạo và nhạy bén trong tư duy của người Hà Lan.
Các kiến trúc sư người Hà Lan luôn được tin tưởng để nhận những thiết kế quan trọng như: Bảo tàng Guggenheim ở Las Vegas, trụ sở Gazprom ở Nga, đảo Thống đốc ở New York, sân vận động Đại Liên ở Trung Quốc và thư viện công cộng Seattle. Hà Lan là quê hương của khoảng 57.600 nhà thiết kế, trong đó, gần ba phần tư làm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ thương mại. Nhờ những thành tựu đó, thuật ngữ nổi tiếng “Dutch Design” (nền thiết kế Hà Lan) ra đời, nhằm nói đến những tính chất tối giản, thể nghiệm táo bạo, ấn tượng. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế Hà Lan cũng giỏi trong việc thổi hồn cho những chất liệu tưởng chừng vô dụng để tạo ra các giá trị mới.
Sinh viên theo học ngành này tại Hà Lan luôn có cơ hội được tiếp nhận kiến thức thực tiễn trong và ngoài lớp, thậm chí sẽ được làm việc tại công ty thiết kế hàng đầu thế giới như Marcel Wanders để có trải nghiệm tốt nhất. Một số trường nổi bật tại đây như: Học viện Thiết kế Eindhoven (Design Academy Eindhoven) đã đào tạo ra nhiều nhà thiết kế nổi tiếng, được đánh giá là một trong những học viện thiết kế tốt nhất thế giới. Một ngôi trường đào tạo cũng rất có tiếng tại Hà Lan là Gerrit Rietveld Academie tại Amsterdam.
Trong 4 năm học tại Hà Lan, sinh viên theo ngành thiết kế đồ họa sẽ được giảng dạy toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh, tập trung vào thực hành để tăng khả năng tích hợp các lĩnh vực chuyên môn (công nghệ, kiến thức người sử dụng, thiết kế, quy trình kinh doanh) để thiết kế ra các sản phẩm thông minh với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu văn học, hội thảo chuyên đề, thực tập thiết kế dự án, làm việc nhóm, trình bày poster, tự đánh giá kết quả. Do đó, những kỹ sư được đào tạo tại Hà Lan có khả năng phù hợp với yêu cầu thực tế và mong muốn của hầu hết nhà tuyển dụng.
Nguồn: Vnexpress