Nhiều đại học Mỹ mở rộng khu vực tuyển sinh trên Thế giới

0

Sẵn sàng du học – Ngân sách dành cho giáo dục đại học tại Mỹ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm, vì nó có biểu hiện phụ thuộc vào nguồn học phí từ sinh viên quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

nhieu-dai-hoc-my-mo-rong-vung-tuyen-sinh-tren-the-gioi

Vắng bóng những “thiếu gia” từ Trung Quốc

Cách đây khoảng 10 năm, lượng sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ là 62.000 người. Nhưng đến năm 2015, con số này đạt mốc 328.000 sinh viên, chiếm 31% trong tổng số sinh viên quốc tế theo học ở Mỹ.

Mặc dù vậy, sự “bùng nổ” về số lượng sinh viên Trung Quốc đã có phần suy yếu. AP ngày 14.11 dẫn báo cáo dữ liệu liên bang của Viện Giáo dục Quốc tế (IEE, Mỹ) cho thấy lượng sinh viên Trung Quốc tăng 9% vào năm 2018. Đây là tỉ lệ tăng thấp nhất kể từ năm 2005.

Nguyên nhân của sự sụt giảm trên có thể thuộc về vấn đề kinh tế, cũng như việc các trường đại học Mỹ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ những hệ thống đại học Úc cũng như những nơi khác.

“Vì nhiều nhân tố khác nhau, chúng tôi đang chứng kiến một sự sụt giảm trong lượng sinh viên Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng những năm trước chúng ta đều nhìn thấy mức tăng trưởng hai con số (của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ)”, AP dẫn lời ông Todd Maurer, một nhà phân tích ở California, chuyên gia tư vấn cho các trường và tổ chức giáo dục về xu hướng ở châu Á.

Các đại học tại Mỹ vẫn tìm cách đa dạng hóa sinh viên quốc tế, nhưng lại gặp cản trở quanh vấn đề tài chính. Hầu hết các trường đều không cung cấp học bổng cho sinh viên quốc tế, thay vào đó lấy học phí toàn phần. Điều này dẫn tới những thâm hụt về ngân sách hoạt động cho trường, đặc biệt trong bối cảnh các trường công đang khó khăn vì thiếu quỹ hỗ trợ từ nhà nước.

Trước đây, sinh viên Trung Quốc vẫn được biết đến như nhóm du học sinh rủng rỉnh tài chính và đóng góp lớn trong việc giải quyết vấn đề ngân sách cho các trường ở Mỹ. Tuy vậy theo ông Stephen Dunnett, phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục quốc tế tại Đại học Buffalo, nhiều trường đại học đang lo lắng về sự phụ thuộc vào lượng sinh viên Trung Quốc.

Ông nói: “Họ sẽ tổn thất nặng nếu có sự thu hẹp như thế. Không hề có phương án dự phòng nào cả. Không một quốc gia nào khác (ngoài Trung Quốc) có thể gửi đến số lượng sinh viên tương ứng”.

Mở rộng khu vực tuyển sinh

Để giải quyết vấn đề này, các trường đại học Mỹ trong đó có Đại học Buffalo, đã thực hiện chiến lược mở rộng tuyển sinh trên toàn cầu nhằm đối phó với khả năng sinh viên Trung Quốc tiếp tục thưa thớt.

Ông Dunnett cho biết ngoài việc tiếp tục mời gọi người Trung Quốc, Đại học Buffalo đã chuyển sự chú ý nhiều hơn vào việc thu hút sinh viên từ các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam và Myanmar. Ngoài ra vào năm 2020, Đại học Buffalo tiếp tục triển khai kế hoạch tuyển sinh ở Iran – nước đang trên đà bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Mỹ sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Năm nay, Đại học Massachusetts Amherst cũng lần đầu tuyển sinh ở Mexico, đồng thời đẩy mạnh thu hút sinh viên Singapore và Việt Nam. Trong khi đó, Đại học Bucknell ở bang Pennsylvania đã chuyển sự chú ý sang Ấn Độ và lần đầu tiên sau 10 năm đã gửi quan chức tuyển sinh sang Nam Mỹ.

Xa hơn, một số trường khác lùng sục ở những nền giáo dục tiềm năng cận Sahara ở châu Phi. Những nước như Uganda, Ethiopia và Angola đều có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu phát triển – vốn là hai tiêu chí đại học ở Mỹ đang ưu tiên, nhưng một số ý kiến lo ngại rằng chính phủ các nước này ít hỗ trợ tài chính cho sinh viên du học. Ngược lại, học phí cao là rào cản của các đại học Mỹ, dẫn tới nhiều trường hợp chọn Anh và Úc để theo học.

Để nói về sự gia tăng đáng ghi nhận, dữ liệu cho thấy du học sinh từ Nepal và Việt Nam nằm trong số các nhóm sinh viên gia tăng nhiều nhất ở các đại học tại Mỹ. Ngoài ra, du học sinh Ấn Độ tiếp tục gia tăng ổn định, còn Nigeria và Cuba cũng có những đóng góp lớn về số lượng sinh viên.

Thái Hải (SSDH) – Theo Kênh Tuyển Sinh

Share.

Leave A Reply