Những điều cần biết về Co-op (Thực tập có lương) và các loại hình thực tập khác

0

Sẵn sàng du học – Đào tạo sau trung học ở Canada, đặc biệt là ở cao đẳng, có rất nhiều mô hình kết hợp học tập tại trường với thực hành/thực tập tại các công ty/tổ chức, gọi chung là “Work Integrated Learning”. WIL có nhiều hình thức khác nhau, tổng thời lượng không được vượt quá 50% thời gian thực học.

sinh-vien-canada

Internship: thực tập, làm việc tại các công ty/tổ chức, có thể được trả lương hoặc không, thời hạn thường từ 1 tới 3 tháng.

Work/Field Placement: thực tập, làm việc tại các công ty/tổ chức, thường không được trả lương, thời gian thường khoảng trên dưới 1 tháng.

Applied Research/Project: thực tập nghiên cứu dự án cho trường hoặc các công ty/tổ chức, thường không được trả lương, thời gian thường khoảng trên dưới 1 tháng.

Practicum: thực tập tại các cơ sở y tế/trường học, công sở v.v., không được trả lương, có thể thực hiện nhiều hơn một lần, thời gian khác nhau tùy theo chương trình.

Co-op (Cooperative Education): thực tập, làm việc tại các công ty/tổ chức, được trả lương, thời hạn mỗi kì co-op là một học kì (4 tháng). Có thể có back-to-back co-op tức là kì thực tập thứ hai, hoặc thậm chí thứ ba, tùy chương trình. Có thể tóm gọn nôm na: co-op là thực tập có trả lương và thời hạn là 4 tháng cho một kì. Một số học sinh có thể được công ty nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp vì đẫ chứng tỏ được năng lực làm việc được với công ty sau kì co-op và công ty có nhu cầu tuyển dụng.

Trong số các hình thức WIL trên, nếu chương trình có Internship/ Work/Field Placement/ Applied Research/Project/ Practicum, thì đây thường là một phần bắt buộc của chương trình học. Học sinh phải hoàn thành các chương trình này mới được tốt nghiệp. Thư nhận học (LoA) thường sẽ có thông tin về các chương trình này và học sinh thường xin co-op work permit cùng lúc với khi xin study permit, hoặc xin sau khi đã tới Canada.

Co-op thường ít khi là một học phần bắt buộc của chương trình học, mà chỉ là một lựa chọn (option), và phải được khoa chấp thuận. Học sinh phải có điểm GPA đủ (thường là B, hoặc 70%) mới được tham gia chương trình. Sau đó học sinh sẽ được tham gia thi tuyển vào các công việc co-op đã được trường chấp thuận thông qua hợp tác với các công ty/tổ chức đối tác. Hoặc học sinh tham gia xin được việc ở bên ngoài và xin khoa chấp nhận như là một công việc co-op.

Sẽ có khả năng học sinh theo học chương trình có co-op option nhưng không đủ điều kiện tham gia co-op (vì điểm GPA thấp), hoặc đủ điều kiện tham gia nhưng không thành công trong việc xin co-op job. Nghĩa là không được tham gia kì thực tập có lương co-op. Cũng có nghĩa là sẽ không được phép xin co-op work permit. Học sinh sẽ chỉ đi làm (bên ngoài) theo off-campus work permit. Tùy học sinh, tùy chương trình học, tùy thời điểm mà việc xin các công việc co-op có thể dễ dàng hay khó khăn.

Vì thế khi lựa chọn chương trình, không nên chọn một chương trình chỉ vì chương trình đó có co-op, vì chưa chắc chọn thì sẽ được tham gia co-op. Nếu đã tham gia một chương trình có co-op option, thì đừng chủ quan nghĩ rằng mình sẽ có co-op job. Cần phải nỗ lực trong việc học và thi tuyển mới hy vọng có co-op job.

Đối với cơ quan di trú (IRCC), chỉ có một loại giấy phép làm việc cho mọi hình thức thực tập (WIL) của sinh viên quốc tế, gọi chung là “Co-op work permit”. Điều này có thể gây hiểu nhầm cho một số bạn là chương trình của bạn có co-op.

Thái Hải (SSDH) – Theo Tin Canada 24h

Share.

Leave A Reply