Sẵn sàng du học – MIT, Stanford University, University of California – Berkeley… là những trường đại học nằm trong top 10 trường đào tạo ngành khoa học máy tính tốt nhất tại Mỹ.
Mỹ là quốc gia đi đầu về khoa học công nghệ đặc biệt là ngành khoa học Máy tính. Đất nước Mỹ sản sinh ra những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Apple, Microsoft, Facebook, Google… và thung lũng Silicon cái nôi của ngành công nghệ khoa học máy tính toàn thế giới. Không khó hiểu khi nhiều trường đại học của Mỹ đứng đầu thế giới về đào tạo ngành khoa học công nghệ máy tính.
Top 10 trường đào tạo ngành khoa học máy tính tốt nhất tại Mỹ theo bảng xếp hạng của USNEWS.
1. MIT (Massachusetts Institute of Technology)
2. Stanford University
3. University of California – Berkeley
4. Carnegie Mellon University
5. University of Illinois – Urbana – Champaign
6. Cornell University
7. University of Washington
8. Princeton University
9. Georgia Institute of Technology
10. University of Texas – Austin
Vài năm gần đây, theo thống kê của American Study, ngày càng nhiều học sinh lựa chọn ngành "Computer Science" (khoa học máy tính) tại Mỹ.
Lý do Computer Science thành ngành hot những năm gần đây
Khoa học máy tính là gì?
Máy tính là một trong số những thành phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Từ mua sắm đến chơi game và tập thể dục, giờ đây mọi hoạt động đều có một ứng dụng riêng cho nó. Tất cả ứng dụng đó được tạo ra bởi sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính. Dù bạn muốn làm việc cho một tập đoàn lớn với vị trí quản trị mạng, thiết kế phần mềm hay trở thành một tỷ phú công nghệ tương lai, tấm bằng về Khoa học máy tính sẽ mở ra một thế giới mới với nhiều tiềm năng và cơ hội.
Các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học máy tính là những người hiểu nguyên tắc cơ bản của lập trình và việc sử dụng các thuật toán để thiết kế phần mềm, hệ thống và mạng lưới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và công chúng. Đây là một lĩnh vực phát triển nhanh, yêu cầu chuyên môn và luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, liên tục cho những sinh viên tài năng tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính. Đa phần nhân sự trong lĩnh vực này hài lòng với công việc và mức lương cao. Nếu bạn yêu thích việc giải quyết các vấn đề, có khả năng về toán học và tư duy logic, việc sở hữu một tấm bằng về Khoa học máy tính sẽ là khởi đầu của sự nghiệp đầy triển vọng.
Những kiến thức được trang bị từ tấm bằng khoa học máy tính
Ngành Khoa học máy tính được cấu trúc theo độ khó tăng dần, bắt đầu bằng cách cung cấp cho sinh viên cái nhìn tổng quan về các nguyên tắc cơ bản. Trong năm học đầu tiên, bạn có thể học các môn như lý thuyết máy tính, nhận dạng mẫu, lý thuyết hệ thống và mạng lưới hoặc machine learning. Ngoài ra, còn có nhiều môn học giúp bạn hiểu máy tính hiện đại ứng dụng trong xã hội như thế nào, hoặc lịch sử của ngành, hoặc bài học về cách các doanh nghiệp hoạt động trong thời đại khoa học máy tính phát triển.
Nhiều môn học yêu cầu làm việc nhóm với các sinh viên khác để thực hiện một dự án, một số trường đại học sử dụng các đối tác của họ đang hoạt động trong lĩnh vực này để giúp bạn có cơ hội tiếp cận và làm việc cho một khách hàng trong thế giới thực.
Giai đoạn tiếp theo của của khóa học, bạn sẽ học kết hợp giữa các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm/kỹ năng chuyển đổi (transferable skill) để trở thành một khách hàng tiềm năng cho các nhà tuyển dụng trong tương lai. Những môn học nâng cao hơn có thể là cấu trúc dữ liệu hoặc kỹ thuật phần mềm.
Cuối chương trình học, nhiều trường yêu cầu sinh viên áp dụng những gì họ đã học được để thực hiện một dự án cuối khóa (tương đương khóa luận tốt nghiệp của khối ngành kinh tế). Tương tự đối với chuyên ngành khác trong các lĩnh vực bạn chọn và nhiều trường đại học sẽ ghép cặp sinh viên ngành Khoa học máy tính năm cuối với các đối tác và nhà nghiên cứu trong ngành. Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội thực tập chuyên nghiệp và làm việc với các cố vấn đầu ngành vào năm cuối.
Học gì ở trường trung học nếu muốn học Khoa học máy tính?
Nếu muốn học ngành Khoa học máy tính tại trường đại học, bạn phải sáng tạo, siêng năng và giỏi toán. Hầu hết trường đại học đều mong muốn tuyển những ứng viên có điểm số cao vượt trội trong các môn học như Tin học, Điện toán, Vật lý hoặc Toán học. Những ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ được ưu tiên hơn khi nộp hồ sơ.
Có thể bạn đã tạo ra một số chương trình đơn giản bằng BASIC (ngôn ngữ lập trình bậc cao) tại nhà hoặc có thể bạn đã làm việc trên một bản mod cho một trong những trò chơi yêu thích của mình. Có rất nhiều nguồn tài nguyên dành cho lập trình viên và nếu bạn nghĩ đến việc nộp đơn để học một văn bằng khoa học máy tính thì bạn nên thực hiện điều đó ngay từ khi còn đang học THPT. Các kỹ năng khác mà ban tuyển sinh tìm kiếm bao gồm khả năng giải quyết vấn đề, suy nghĩ logic, chú ý đến chi tiết, khả năng đối phó với áp lực thời hạn và kỹ năng làm việc theo nhóm.
Làm gì sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính
Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng hệ thống máy tính để hoạt động và đặc biệt có nhiều công ty lớn sở hữu những chuyên gia CNTT nội bộ riêng. Bạn có thể thấy mình làm việc trong bộ phận CNTT của các công ty lớn thuộc lĩnh vực tài chính, y tế, sản xuất, hàng không vũ trụ, quốc phòng hoặc các tổ chức chính phủ. Nhiều sinh viên tốt nghiệp có thể thành lập doanh nghiệp riêng, đó có thể là một người phát triển phần mềm, tạo ra ứng dụng hoặc một studio trò chơi với tựa game AAA. Bạn cũng có thể tìm việc với một công ty tư vấn CNTT chuyên dụng hoặc nhà cung cấp dịch vụ CNTT. Ngoài ra, những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ có cơ hội làm việc cho các tên tuổi lớn như Google, Cisco và IBM.
Trở thành một tài năng trong ngành khoa học máy tính có thể mang đến cho bạn những thành công mà chính bạn cũng không ngờ tới. Các ngân hàng hàng đầu và các công ty dịch vụ tài chính thường trả cho các chuyên gia máy tính của họ mức lương sáu con số để viết mã giúp họ giao dịch nhanh hơn một bước với đối thủ. Các cơ quan tình báo quốc gia luôn tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp sáng giá để giúp họ chống lại các mối đe dọa từ tội phạm mạng và khủng bố. Máy tính rất phổ biến trong thế giới hiện đại đến mức nhu cầu sinh viên tốt nghiệp trong ngành này sẽ không ngừng tăng lên.
Những người nổi tiếng nghiên cứu khoa học máy tính
Bạn chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến nhà sáng tạo Facebook Mark Zuckerberg hoặc Giám đốc điều hành Google, nhưng bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên về những cái tên nổi tiếng khác đã nghiên cứu về khoa học máy tính. Jimmy Fallon – diễn viên hài người Mỹ và là người dẫn chương trình truyền hình Saturday Night Live – đã học ngành Khoa học máy tính ở New York trước khi chuyển ngành vào năm cuối (anh không thể làm toán). Nam diễn viên Liam Neeson, nổi tiếng với vai diễn trong Taken và Star Wars cũng đã nghiên cứu về Khoa học máy tính ở Belfast trước khi trở thành anh hùng hành động đáng gờm nhất thế giới.
Khoa học máy tính là một lĩnh vực không mới nhưng nhu cầu về nhân sự và tiềm năng ngày càng lớn khi máy tính, internet và ứng dụng công nghệ thông tin ngày một phổ biến. Nếu bạn có đam mê với toán học và tư duy logic tốt thì Khoa học máy tính sẽ là ngành học tiềm năng.
Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress